Nồi bánh chưng đón Tết của người Giao Thủy

Xuân Tân Sửu 2021 đang tràn về trên khắp mọi miền Tổ quốc Việt Nam thân yêu. Và, tấm bánh chưng, 1 trong những biểu tượng của Tết Việt cũng đã và đang tràn ngập khắp muôn nhà…

Ở khắp nhiều gia đình, con cháu thường ngày đi mưu sinh, làm lụng, công tác, học tập… ở muôn nơi cũng ngóng đợi dịp Tết để về quây quần, đoàn tụ bên những người thân yêu. Và, nồi bánh chưng là một trong những sản vật dân tộc giúp gắn kết thành viên trong các gia đình, dòng tộc.

Nam Định là một vùng đất địa linh nhân kiệt với truyền thống, bề dày lịch sử lâu đời. Vì vậy, ngày Tết ở nơi đây cũng giống như mọi miền quê hương trên khắp dải đất hình chữ S, bánh chưng là thứ không thể thiếu trong mâm cơm thờ cúng tổ tiên.

Để làm ra 1 tấm bánh chưng, lá dong từ trước đó đã phải được chọn lựa rất kĩ càng. Đỗ xanh, thịt 3 chỉ, gạo nếp cũng được chuẩn bị một cách tốt nhất để làm sao tỉ lệ giữa các thành phần tạo nên tấm bánh được phù hợp nhất, cho chất lượng tốt nhất.

Ở mỗi vùng miền, việc gói bánh chưng và tạo ra 1 tấm bánh sẽ có những đặc trưng riêng. Riêng đối với miền quê Giao Thủy, tỉnh Nam Định, sau khi hoàn thành các công đoạn, chiếc bánh được đưa vào nồi với 1 lớp lá dong dày dặn lót ở phía dưới. Từ đó, với mức lửa vừa đủ, nồi bánh sẽ trải qua thời gian sôi liên tục từ 10-12 tiếng tùy vào độ dày mỏng của bánh hay sở thích về độ mềm, cứng đối với riêng mỗi gia đình…

Dưới đây là 1 số hình ảnh PV Báo Bảo vệ pháp luật ghi lại công đoạn nấu bánh chưng tại 1 gia đình ở xã Giao Thanh, huyện Giao Thủy, tỉnh Nam Định trong đêm 28 Tết Xuân Tân Sửu 2021.

Trước khi vớt ra, tấm bánh chưng phải được kiểm tra kĩ càng xem đã đạt được đủ độ mềm hay chưa.

Nếu chưa đủ thời gian nấu hoặc mức lửa thừa hay thiếu, chiếc bánh chưng sẽ bị ảnh hưởng đến chất lượng.

Sau khi kiểm tra chắc chắn, nồi bánh chưng sẽ được bắc ra.

Từng chiếc bánh được cẩn thận vớt ra.

Ngay sau khi vớt ra khỏi nồi, tấm bánh sẽ được nhúng thẳng vào chậu nước lạnh, 1 là để chiếc bánh sẽ co lại, rắn chắc hơn, 2 là để rửa qua lớp lá bên ngoài cho sạch sẽ.

Đây là một công đoạn rất quan trọng, quyết định đến hình dáng chiếc bánh.

Tấm bánh sau khi trải qua 10-12 giờ đun nấu nhưng vẫn phải giữ được cơ bản màu xanh của lá dong gần như lúc ban đầu.

Sau khi rửa, bánh được sắp xếp để chuyển sang công đoạn ép bánh (ép để nước thoát ra bên ngoài và làm cứng cáp tấm bánh, góp phần chống ôi thiu).

Bánh được xếp ngay ngắn để khi ép, lực ép xuống sẽ đều đặn đều lên tất cả các tấm.

Từng chiếc bánh được sắp xếp kĩ càng, cân đối.

Hàng chục chiếc bánh sau khi trải qua nhiều công đoạn nhưng vẫn giữ được hình dáng vuông vắn, góp phần quan trọng tạo nên mâm cơm thờ cúng tổ tiên trong suốt những ngày Tết.

Trung Tính - Nguyễn Hải

Nguồn BVPL: https://baovephapluat.vn/van-hoa-xa-hoi/goc-van-hoa/noi-banh-chung-don-tet-cua-nguoi-giao-thuy-101485.html