Nỗi ám ảnh bị tình dục hóa của 'công chúa thịt lợn' Đài Loan

Sau lần bất ngờ nổi tiếng, Charlene không mấy vui vẻ khi thấy bản thân bị tình dục hóa, phân biệt giới tính trên mạng, thậm chí bắt đầu xuất hiện vài kẻ lạ mặt đeo bám.

Năm 2015, Charlene Zhang (Đài Loan, Trung Quốc) đang làm việc tại quầy bán thịt lợn của gia đình thì bị một khách hàng chụp lén, theo VICE.

Sau khi được đăng tải trên mạng xã hội, tấm ảnh đó lập tức nổi tiếng. Trong phút chốc, Charlene trở thành hiện tượng mạng với gương mặt ăn ảnh và công việc đặc thù của mình - ngành nghề vốn dành cho những người trung niên.

Nhiều tờ báo lá cải “tôn vinh” Charlene là “công chúa thịt lợn” của xứ Đài. Một số khác thậm chí nhận xét lỗ mãng về kích cỡ ngực của cô gái 25 tuổi lúc ấy.

Thay vì tự hào, Charlene cảm thấy xấu hổ.

“Ban đầu, những tiêu đề bài viết toàn giật tít rằng tôi trẻ trung, xinh đẹp nhường nào. Điều đó thực sự vô nghĩa. Họ chỉ đang lợi dụng một cô gái như tôi. Thời gian đó, tôi trốn ở nhà và không muốn bước chân ra đường nữa. Mỗi lần tôi ló mặt ra ngoài quán, thể nào cũng có cánh báo chí ở đó”, Charlene (hiện 31 tuổi) kể lại với VICE.

Charlene tại gian hàng của gia đình. Ảnh: Clarissa Wei/VICE.

Mặt trái của sự nổi tiếng

6 năm sau, Charlene vẫn là một trong số những người bán thịt lợn nổi tiếng ở Đài Loan. Đặc biệt, cô thích được gọi là “người bán thịt” hơn là “công chúa”. Cô gái cảm thấy cái tên “công chúa” khiến người ta cảm thấy công việc của cô là vô nghĩa.

Charlene không khỏi bất bình với những định kiến giới. Trong một cuộc phỏng vấn năm 2015, một phóng viên hỏi cô gái rằng liệu cô có sợ bẩn tay và quần áo khi làm việc với thịt hay không.

“Nếu bẩn, tôi sẽ đi rửa tay và thay đồ là được chứ gì”, cô nghiêm túc đáp lại.

Bên cạnh đó, vấn nạn bạo lực mạng và phân biệt giới tính cũng trở thành một phần trong cuộc sống của Charlene.

“Bức ảnh năm 2015 chụp cảnh tôi đang thái thịt trong một chiếc áo sơ mi ôm sát người. Mọi người cứ xuýt xoa về vóc dáng của tôi. Nên giờ đây, tôi chỉ chuộng mặc đồ xấu, thùng thình khi làm việc, như đồ ngủ chẳng hạn. Tôi cũng chẳng trang điểm nữa trừ khi có lịch hẹn chụp ảnh”, cô chia sẻ.

Charlene không còn muốn ăn diện, trang điểm khi phụ gia đình tại quầy thịt lợn. Ảnh: @butcher_charlenez.

Vài năm trước, Charlene đã thử livestream để giúp gia đình tăng doanh số bán hàng. Cô nhanh chóng trở thành một trong những người phát trực tiếp nổi tiếng nhất Đài Loan.

Tuy nhiên, cô gái trẻ buộc phải ngừng hoạt động do xuất hiện một số kẻ bám đuôi cô, thậm chí theo cô về đến tận nhà.

Nỗi ám ảnh bị tình dục hóa

Trên thực tế, các diễn đàn Internet ngày càng nhiều những nạn nhân như Charlene - những người vô danh, ăn ảnh, chủ yếu là phụ nữ, vô tình lọt vào ống kính và bị tình dục hóa trên mạng.

Sự ngưỡng mộ đơn thuần về nhan sắc của một người phụ nữ ngày càng biến tướng thành một thứ nguy hiểm hơn. Chẳng hạn, cộng đồng mạng bỗng hóa thành công cụ tìm kiếm “chạy bằng cơm”. Họ kết hợp với nhau để truy tìm danh tính của một cá nhân lạ mặt.

“Ban đầu, ‘công cụ’ này được sử dụng để truy tìm tội phạm và lọc ra thông tin cá nhân của chúng. Giờ đây, họ dùng sức mạnh đó để tìm các cô gái đẹp”, Sydney Yueh, giáo sư nghiên cứu về truyền thông chuyên về văn hóa Đài Loan tại Đại học Northeastern State (bang Oklahoma, Mỹ), nói.

Những người phụ nữ làm việc ở chợ lại càng dễ bị tổn thương. “Mọi người cứ đến chợ, tìm kiếm họ và tùy ý chụp ảnh. Họ nào có thể từ chối. Họ cứ phải chấp nhận bị quấy rối như vậy”, giáo sư nói thêm.

Phụ nữ, đặc biệt là những người bán hàng ở chợ như Charlene, rất dễ bị tổn thương. Ảnh: Clarissa Wei/VICE.

Theo Fang Nianxuan - giáo sư báo chí tại Đại học Quốc gia Chengchi, kiểu bình luận phân biệt giới tính này là một vấn đề mang tính hệ thống trên các nền tảng truyền thông tại Đài Loan.

“Chất lượng tin tức đã giảm sút trong những năm qua do sự cạnh tranh giữa các hãng tin trên Internet”, bà nhận định. Do doanh thu giảm mạnh, đặc biệt năm 2020 là thời điểm tồi tệ nhất, các tiêu đề mang tính clickbait (mồi nhử nhấp chuột) ngày càng xuất hiện nhiều.

“Các phương tiện truyền thông tin tức thường tận dụng sự tức thì của Internet, đồng thời sẽ dùng các tài nguyên như tình dục và ảnh khỏa thân để thu hút sự chú ý của độc giả”, giáo sư nói thêm.

Về phía Charlene, chỉ sau khi tham khảo ý kiến của bạn bè và thầy cô, cô mới quyết định tiếp tục công việc.

“Các giáo viên nói rằng tôi không làm gì sai cả. Tôi chỉ hy vọng sự xuất hiện trên các phương tiện truyền thông sẽ giúp cho việc kinh doanh của gia đình”.

Công việc không ai mong nối nghiệp

Thực chất, Charlene, thế hệ thứ ba trong một nhà có truyền thống bán thịt lợn, không hề muốn tiếp quản chuyện kinh doanh của gia đình. Trong khi các anh chị em cũng làm việc tại quầy, cô chỉ phụ bố mẹ bán thời gian.

“Thời điểm đó, bà tôi vừa phẫu thuật và gia đình cần người phụ giúp”, cô nói. Sau này, cô vẫn nán lại quầy đơn giản vì danh tiếng của cô giúp gia đình bán được nhiều thịt hơn.

Charlene sở hữu hơn 16.000 người theo dõi trên mạng xã hội. Cô thường xuyên chia sẻ hình ảnh hạnh phúc bên bạn trai. Ảnh: @butcher_charlenez.

Quầy thịt lợn của gia đình nằm tại chợ Dongmen ở Đài Bắc - một phiên chợ sáng nằm giữa trung tâm thành phố, nơi bán rau tươi, hải sản và thịt.

Cứ đều đặn 6 ngày/tuần, ít nhất 3 con lợn nguyên con được giết mổ và chở từ quận Shulin tới nhà Charlene. Cảnh pha thịt bằng tay thường diễn ra tại đây vào lúc 2 giờ sáng.

Ban đầu, Charlene chỉ đứng ở quầy bán trước nhà và nhận các đơn đặt hàng. Sau một thời gian, cô cảm thấy chán nản. Cô quyết định học cách pha thịt lợn như một thợ bán thịt thực thụ.

Nhờ sự nổi tiếng và chuyên môn của mình, Charlene trở thành người phát ngôn không chính thức cho ngành công nghiệp thịt lợn địa phương. Tuy vậy, cô vẫn khá kín tiếng trong thời đại mà influencer có thể trở thành công việc toàn thời gian.

“Ở Đài Loan, mọi người thường coi thường những người bán thịt. Đặc biệt, những người bán hàng tại các chợ truyền thống bị coi ở bậc thấp hơn của xã hội Ngay cả khi bạn là chủ kinh doanh bán thịt lợn, bạn sẽ không muốn thế hệ sau của mình tiếp quản”, Jason Cheung, một blogger nổi tiếng chuyên về lịch sử Đài Bắc, nói với VICE.

Thay vào đó, Charlene chọn cách từ từ nâng cấp quầy hàng của gia đình, cài đặt các tính năng mới như thanh toán điện tử, viết sách dạy nấu ăn nhằm giải thích cách tận dụng tốt nhất các loại thịt khác nhau. Cô cũng chọn lựa kỹ càng hơn về chương trình và tờ báo mình xuất hiện.

Mặc dù hỗ trợ tốt công việc quảng cáo doanh nghiệp gia đình, Charlene không có ý định tiếp tục làm ở đây khi bố mẹ cô về hưu. Cô cho biết công việc này rất mệt mỏi, kéo dài từ 2h sáng đến đầu giờ chiều.

Ngay cả người bà quá cố của Charlene, người làm việc ở quầy thịt lợn từ tuổi 12, cũng phản đối việc cháu mình nối nghiệp.

"Bà lo rằng công việc bán thịt lợn sẽ ảnh hưởng đến tương lai đó của tôi”, Charlene chia sẻ.

Ánh Dương

Nguồn Znews: https://zingnews.vn/noi-am-anh-bi-tinh-duc-hoa-cua-cong-chua-thit-lon-dai-loan-post1220497.html