Nỗ lực cao mới vào được sân chơi lớn

Cam kết về sở hữu trí tuệ (SHTT) trong Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam-Liên minh châu Âu (EVFTA) ở mức rất cao, bao trùm nhiều lĩnh vực. Do đó, nhận diện những thách thức đối với việc thực thi quyền SHTT tại Việt Nam là hết sức cấp thiết, nhằm tránh rủi ro trong dài hạn cũng như có những điều chỉnh phù hợp để khai thác tối đa cơ hội do EVFTA mang lại.

Tiêu chuẩn về bảo hộ sở hữu trí tuệ rất cao

EU là khu vực xuất khẩu các sản phẩm SHTT hàng đầu thế giới. Trong khi đó Việt Nam là nước đang phát triển, sở hữu rất ít các sản phẩm SHTT so với đối tác EU. Vì vậy, không phải ngẫu nhiên vấn đề SHTT, đặc biệt là chỉ dẫn địa lý trở thành một trong những nội dung đàm phán phức tạp nhất trong Hiệp định EVFTA. Và Chương SHTT cũng là một trong những chương có dung lượng lớn nhất trong toàn bộ hiệp định này.

Theo Vụ trưởng Vụ Chính sách thương mại đa biên (Bộ Công Thương) Lương Hoàng Thái: Cam kết về SHTT của Hiệp định EVFTA gồm cam kết về bản quyền, phát minh, sáng chế; cam kết liên quan tới dược phẩm và chỉ dẫn địa lý... Về cơ bản, các cam kết này là phù hợp với quy định của pháp luật hiện hành. Tuy nhiên, Hiệp định EVFTA đặt ra một số tiêu chuẩn cao hơn hoặc khác biệt so với quy định trong pháp luật Việt Nam. Ví dụ, khi hiệp định có hiệu lực, Việt Nam sẽ bảo hộ hơn 169 chỉ dẫn địa lý của EU (chủ yếu là rượu và thực phẩm); Việt Nam cam kết gia nhập Thỏa ước Lahay về đăng ký quốc tế kiểu dáng công nghiệp trong vòng hai năm kể từ khi Hiệp định EVFTA có hiệu lực và sẽ bảo hộ kiểu dáng công nghiệp với thời gian ít nhất 15 năm. Hai bên cam kết áp dụng thủ tục đăng ký thuận lợi, minh bạch, bao gồm việc thiết lập một cơ sở dữ liệu điện tử công khai về các hồ sơ đăng ký nhãn hiệu, đồng thời cho phép thu hồi nhãn hiệu đã đăng ký nhưng không sử dụng thực tế trong vòng ít nhất 5 năm…

Sản xuất ô tô mang thương hiệu Việt - VinFast tại Nhà máy ô tô VinFast, niềm tự hào của ngành công nghiệp ô tô Việt Nam. Ảnh: TTXVN

Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh nêu rõ: "Vấn đề SHTT là một nội dung mới, sẽ tạo ra những thách thức không nhỏ về sửa đổi pháp luật trong nước. Bên cạnh đó, trong bối cảnh nhận thức chung về quyền SHTT vẫn còn thấp cũng là thách thức không nhỏ đối với Việt Nam trong thực thi những cam kết này". Còn Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Chu Ngọc Anh khuyến cáo: "Khi chúng ta tham gia Hiệp định EVFTA, các chế tài với xâm phạm SHTT càng cao hơn. Điều này có thể khiến doanh nghiệp (DN) của Việt Nam phải chịu gánh nặng đối với các thủ tục kiểm soát (ví dụ kiểm soát tại biên giới), đặc biệt là khi bị rơi vào tranh chấp, kiện tụng".

Nhận rõ các thách thức từ việc thực hiện cam kết về SHTT trong Hiệp định EVFTA, song nhiều chuyên gia đánh giá, Việt Nam đang trong giai đoạn hội nhập sâu rộng, việc hoàn thiện hệ thống pháp luật về SHTT đầy đủ, vững mạnh chính là cơ sở pháp lý vững chắc để cá nhân, tổ chức yên tâm phát triển ý tưởng sáng tạo, đưa ra thị trường những sản phẩm chất lượng, có tính ứng dụng cao mà không lo tình trạng bị sao chép ý tưởng hay vướng vào những cuộc kiện tụng, tranh giành bản quyền. Đó cũng sẽ là động lực thu hút đầu tư của các công ty đa quốc gia, tăng cơ hội tiếp cận với các công nghệ tiên tiến.

Cần nâng khung hình phạt vi phạm sở hữu trí tuệ

Đề cập tới khó khăn khi thực hiện các cam kết về SHTT, Giám đốc Trung tâm WTO và hội nhập, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam Nguyễn Thị Thu Trang cho biết: "Ngoài việc phải đáp ứng các yêu cầu rất khắt khe, thì thách thức lớn nhất hiện nay là mức độ quan tâm của người dân và DN đến SHTT còn ít. Có những trường hợp dù biết là hàng giả, hàng nhái vẫn mua vì tư tưởng thích dùng hàng hiệu. Ở rất nhiều vùng nông thôn, người dân đang sử dụng hàng vi phạm mà không hề hay biết. Đối với DN, câu chuyện về kiểu dáng công nghiệp và nhãn hiệu hàng hóa của DN Việt Nam bị đánh cắp trên thị trường diễn ra khá phổ biến. Để xảy ra tình trạng này là do các DN có tài sản nhưng chưa quan tâm hoặc không quan tâm nhiều đến SHTT. Vì vậy, tăng cường phổ biến, nâng cao nhận thức của công chúng và DN về các cam kết của Hiệp định EVFTA trong lĩnh vực này là hết sức cần thiết, để tránh việc vô tình vi phạm về SHTT và phải chịu chế tài xử phạt cao".

Đề cập tới khó khăn khác, theo Tổng cục trưởng Tổng cục Quản lý thị trường (Bộ Công Thương) Trần Hữu Linh: Bất cập hiện nay là hầu hết các vụ xâm phạm quyền SHTT đều được xử lý bằng biện pháp hành chính và tập trung chủ yếu vào đối tượng hàng hóa giả mạo về nhãn hiệu, chỉ dẫn địa lý và hàng xâm phạm kiểu dáng công nghiệp. Hình thức xử phạt được áp dụng chủ yếu là phạt tiền, đình chỉ có thời hạn hoạt động sản xuất, kinh doanh của đơn vị vi phạm, tịch thu tang vật... "Xử lý bằng hành chính là chưa đủ sức răn đe. Cùng với đó, cần nâng cao năng lực chuyên môn về SHTT và năng lực thực thi công vụ cho các cơ quan, lực lượng chức năng”, Tổng cục trưởng Trần Hữu Linh đề xuất.

Theo ông Trần Hữu Linh, kết quả rà soát cho thấy hiện có một số quy định chi tiết trong cam kết mà pháp luật Việt Nam chưa ghi nhận: Quyền độc quyền công bố đến công chúng của người biểu diễn, nhà sản xuất các bản ghi âm, ghi hình; quy trình và cách thức thực hiện bảo hộ đối với 169 chỉ dẫn địa lý của EU liệt kê trong Hiệp định EVFTA; cam kết bù đắp thời hạn sáng chế dược phẩm cho những chậm trễ trong cấp phép lưu hành; nguyên tắc suy đoán về quyền của người có tên trong tác phẩm… Theo đó, trong thời gian tới cần xây dựng chiến lược quốc gia về SHTT và thực thi quyền SHTT, bởi hiện Việt Nam chưa có hành động thống nhất ở phạm vi quốc gia về bảo hộ và thực thi quyền SHTT.

Doanh nghiệp cần có nhận thức mới

Liên quan đến việc rà soát, sửa đổi các quy định của pháp luật về SHTT, theo Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Chu Ngọc Anh: Việt Nam đã và đang có những sự chuẩn bị kỹ lưỡng để bảo đảm thi hành đầy đủ và hiệu quả các cam kết Hiệp định EVFTA. Việc Quốc hội thông qua Luật sửa đổi một số điều của Luật Kinh doanh bảo hiểm và Luật SHTT ngày 14-6-2019 là bước chuẩn bị nghiêm túc để Việt Nam thi hành các cam kết về SHTT trong Hiệp định EVFTA. Bên cạnh đó, việc xây dựng Luật sửa đổi Luật SHTT để bảo đảm thi hành các cam kết trong Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP), cũng như Hiệp định EVFTA mà pháp luật hiện hành chưa tương thích cũng đang trong quá trình thực hiện. Theo kế hoạch, hồ sơ đề nghị xây dựng Luật sửa đổi Luật SHTT sẽ trình Chính phủ trong tháng 10-2019. Cùng với đó, các thủ tục cần thiết cho việc gia nhập Thỏa ước Lahay về đăng ký quốc tế kiểu dáng công nghiệp cũng đang gấp rút hoàn tất…

Theo Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh: Hiệp định EVFTA đáp ứng nhu cầu bảo hộ của chủ thể về quyền SHTT. Do vậy, việc thi hành các nghĩa vụ theo hiệp định sẽ tạo điều kiện cho các DN, bao gồm cả các DN Việt Nam có thể xác lập và bảo vệ thành quả đầu tư cho hoạt động sáng tạo, từ sáng tạo đổi mới công nghệ, mẫu mã, bao bì đến nhãn hiệu sản phẩm và dịch vụ một cách dễ dàng và hiệu quả hơn. Tuy nhiên, để được hưởng các lợi thế này, đòi hỏi các DN cần chủ động tìm hiểu, nắm vững và đáp ứng các quy định về bảo hộ, khai thác, thực thi quyền sở hữu các tài sản trí tuệ và các quy định về hàng rào kỹ thuật trong thương mại của EU, cũng như không ngừng đổi mới sáng tạo, cải thiện năng lực công nghệ. “Chỉ có vậy, DN mới có thể trụ vững và tham gia được vào cuộc chơi chung toàn cầu”, Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh nhấn mạnh.

VŨ DUNG

Nguồn QĐND: https://www.qdnd.vn/kinh-te/cac-van-de/no-luc-cao-moi-vao-duoc-san-choi-lon-590623