Những tấm gương tiêu biểu của đồng bào dân tộc thiểu số

Cầm trên tay bằng khen của UBND tỉnh do Phó chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Hòa Hiệp trao tặng, y sĩ Thị Hiệp (34 tuổi, dân tộc S'tiêng, ngụ xã Phước Thái, huyện Long Thành) phấn khởi nói: 'Đây là lần đầu tiên tôi được nhận vinh dự lớn như vậy. Tôi tự hào và sẽ cố gắng làm tốt nhiệm vụ'.

Phó chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Hòa Hiệp trao đổi với các đại biểu dân tộc thiểu số.

Niềm vui của y sĩ Thị Hiệp cũng là tâm trạng chung của 226 đại biểu được tuyên dương tại lễ tuyên dương người có uy tín, nhân sĩ trí thức, doanh nhân, hộ sản xuất - kinh doanh giỏi, lực lượng vũ trang, học sinh, sinh viên dân tộc thiểu số tiêu biểu tỉnh Đồng Nai lần thứ I-2018, diễn ra vào ngày 1-11.

* Những “đóa hoa” của cộng đồng

Là đại biểu nhỏ tuổi nhất được tuyên dương, em Thị Yến, dân tộc Chơro (9 tuổi, ngụ xã Xuân Phú, huyện Xuân Lộc) nhiều năm liền là học sinh giỏi, chăm ngoan và biết giúp đỡ gia đình. Theo già làng Hùng Văn Xứng, trong cộng đồng người Chơro ở xã Xuân Phú không có nhiều con em học giỏi nên đạt được thành tích như của Thị Yến là rất quý.

Theo Trưởng ban Dân tộc tỉnh Điểu Bảo, 226 cá nhân được chọn khen thưởng lần này là những người có uy tín trong đồng bào dân tộc thiểu số đã tham gia cùng chính quyền địa phương tuyên truyền, hướng dẫn người dân thực hiện đường lối, chính sách của Đảng, Nhà nước, được nhân dân tín nhiệm cùng các học sinh, sinh viên đạt thành tích nổi bật. Đây là những tấm gương tiêu biểu trong hơn 189 ngàn đồng bào của 36 dân tộc thiểu số ở Đồng Nai.

Được tuyên dương vì có thành tích học tập tốt còn có Dương Tú Quỳnh (22 tuổi, dân tộc Hoa, ngụ phường Xuân Hòa, TX.Long Khánh). Tú Quỳnh vừa tốt nghiệp Khoa Ngoại ngữ Trường đại học công nghệ Miền Đông với tấm bằng loại giỏi, 3 năm là sinh viên giỏi và năm cuối được xếp loại xuất sắc.

Trước đó, từ lớp 1 đến lớp 12, Tú Quỳnh liên tục giữ vững thành tích học sinh giỏi. Không chỉ học tốt, Tú Quỳnh còn là “cây” văn nghệ năng nổ trong các hoạt động của địa phương, cộng đồng.

Đồng bào dân tộc thiểu số cũng đóng góp rất tích cực vào quá trình đổi mới quê hương, xây dựng nông thôn mới. Tiêu biểu trong số đó có ông Sẩm Dắt Phấn (dân tộc Hoa, 75 tuổi, ngụ xã Phú Vinh, huyện Định Quán), là người lớn tuổi nhất được tuyên dương lần này. Gần 50 năm qua với uy tín, kinh nghiệm của mình, ông Phấn trở thành chỗ dựa của cộng đồng người Hoa ở xã Phú Vinh và nhiều khu vực lân cận.

Năm 2011 khi xã bắt tay vào xây dựng nông thôn mới, với vai trò Trưởng tộc họ Sẩm, ông cùng chính quyền địa phương vận động những người cao tuổi, chức sắc tôn giáo trong cộng đồng nói chuyện cho người dân về lợi ích mà quá trình xây dựng nông thôn mới mang lại. Khi đã thấm và hiểu, người dân theo gương ông Phấn chung tay thực hiện các tiêu chí của nông thôn mới. Giờ đây khi đã qua tuổi “xưa nay hiếm”, ông Phấn vẫn nhiệt tình tham gia hoạt động của cộng đồng.

Ông Đào Văn Minh (ngụ xã Lâm San, huyện Cẩm Mỹ) được biết đến là trường hợp tiêu biểu trong cộng đồng Chơro của xã. Từ một hộ nghèo, nhờ chăm chỉ lao động cộng thêm sự hỗ trợ từ chính quyền địa phương, gia đình ông Minh từng bước thoát nghèo và giúp đỡ lại người khác.

Trưởng ban Dân tộc tỉnh Điểu Bảo chúc mừng một đại biểu dân tộc thiểu số được tuyên dương.

“Được chính quyền địa phương giúp chuyển đổi từ cây bắp sang trồng cà phê, tiêu cùng với áp dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất nên thu nhập từ 2 hécta đất rẫy của gia đình tôi tăng lên rất nhiều. Trừ đi chi phí sản xuất, mỗi năm gia đình có thu nhập hơn 200 triệu đồng. Nhờ đó mà năm 2016 vừa qua, gia đình tôi đã thoát khỏi danh sách hộ nghèo” - ông Minh nói.

* Trân trọng đóng góp của đồng bào dân tộc thiểu số

Không chỉ học tốt, phấn đấu làm kinh tế giỏi, biết hỗ trợ người xung quanh cùng vươn lên trong cuộc sống, đồng bào các dân tộc thiểu số ở Đồng Nai còn tham gia tích cực vào quá trình xây dựng đoàn thể, chính quyền ở địa phương, giữ gìn an ninh trật tự, bình yên cho cuộc sống nhân dân. Như trường hợp Đại úy Lường Ngọc Vũ (35 tuổi, dân tộc Tày), Trợ lý tham mưu Ban Chỉ huy quân sự huyện Cẩm Mỹ.

Đại úy Vũ cho biết: “Tôi được giao phụ trách tuyên truyền phòng không nhân dân. Do địa bàn rộng, dân cư sống rải rác nên việc tập trung dân để tuyên truyền gặp nhiều trở ngại. Nhưng với trách nhiệm được giao tôi luôn cố gắng hoàn thành nhiệm vụ để bà con nâng cao nhận thức, cảnh giác cùng lực lượng vũ trang xây dựng thế trận lòng dân”.

Riêng với ông Lê Văn Tuấn (49 tuổi, dân tộc Thổ), Phó giám đốc Ban Quản lý rừng phòng hộ 600 (huyện Tân Phú), người đã có 23 năm cống hiến cho công tác giữ rừng thì ngoài việc thực hiện tuần tra, canh gác ông cùng anh em trong đơn vị luôn quan tâm hỗ trợ đời sống người dân ven rừng phòng hộ bằng việc trao quà, tài trợ xây, sửa nhà.

Cũng tại huyện Tân Phú có bà Ka Thơm (ngụ xã Thanh Sơn) là một trong số ít đồng bào Mạ nỗ lực học tập và trở thành một nữ y sĩ tận tụy, hết lòng vì bệnh nhân. Bà Ka Thơm nói: “11 năm theo nghề chữa bệnh cứu người, tôi luôn cảm ơn chính quyền đã tạo điều kiện để tôi được đi học, tạo việc làm sau khi tốt nghiệp. Từ thực tế của bản thân, tôi luôn nhắc nhở con em trong cộng đồng cố gắng học tập và rèn luyện”.

Theo Phó chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Hòa Hiệp, thời gian qua đồng bào các dân tộc thiểu số trên địa bàn tỉnh đã có những đóng góp tích cực trên các mặt của đời sống xã hội. Do vậy, lễ tuyên dương được tỉnh tổ chức nhằm ghi nhận những thành tích này đồng thời tạo động lực cho đồng bào các dân tộc thiểu số tiếp tục có những cống hiến vào quá trình xây dựng quê hương. Thời gian tới tỉnh sẽ tiếp tục duy trì hoạt động ý nghĩa này nhằm làm lan tỏa những tấm gương điển hình trong đồng bào các dân tộc thiểu số.

Trong các buổi sinh hoạt tôn giáo ở nhà thờ vào thứ sáu hằng tuần với vai trò là Giáo Cả, ông Ab Đô Ha Mít (52 tuổi, dân tộc Chăm, xã Xuân Hưng, huyện Xuân Lộc) đã phối hợp cùng chính quyền địa phương lồng ghép tuyên truyền về an toàn giao thông, phòng tránh tệ nạn xã hội, giữ gìn vệ sinh môi trường cho học sinh, bà con ở cộng đồng. “Cộng đồng Chăm ở Xuân Hưng có 300 em học sinh tiểu học, 20 em học sinh THCS và hơn 10 em học sinh THPT. Những kiến thức này giúp cho các em đi học đến trường an toàn, biết tránh nghe lời dụ dỗ của kẻ xấu và giữ gìn vệ sinh cá nhân sạch sẽ” - ông Ab Đô Ha Mít nói.

Anh Lê Thế Đức Tài (23 tuổi, dân tộc Tày, thị trấn Định Quán, huyện Định Quán, hiện là sinh viên Khoa Y Đại học quốc gia TP.Hồ Chí Minh. Nhiều năm liên tục anh Tài đạt danh hiệu sinh viên giỏi, được nhận học bổng của trường. Anh Lê Thế Đức Tài bày tỏ mong muốn cố gắng học để sau này có cuộc sống tốt, làm tấm gương để khuyến khích các em nhỏ dân tộc Tày, Nùng, Khmer ở nơi mình sống phấn đấu học tập.

Văn Truyên

Nguồn Đồng Nai: http://www.baodongnai.com.vn/chinhtri/201811/nhung-tam-guong-tieu-bieu-cua-dong-bao-dan-toc-thieu-so-2918212/