Những người 'cõng chữ'

Hành trang mỗi tuần đến trường của các thầy, cô giáo 'cắm bản' điểm trường ở Bắc Cạn là chiếc xe máy chở đầy đồ khô làm thức ăn cho cả tuần. Người cẩn thận, thêm một chiếc xích xe máy để cuốn quanh bánh xe leo dốc trơn như mỡ khi có cơn mưa rừng bất chợt. Tất cả những vất vả, khó khăn ấy bỗng trôi qua khi chứng kiến những đôi mắt trẻ thơ đang ngóng thầy, cô như ngóng mẹ về nhà.

Các thầy, cô Trường phổ thông dân tộc bán trú THCS Thượng Quan kiểm tra chất lượng gạo nấu ăn cho học sinh bán trú.

“Cõng chữ” lên ngàn

Chuyện về những thầy, cô giáo “cắm bản” vùng cao chẳng phải là chuyện mới với một tỉnh miền núi như Bắc Cạn. Có lẽ vì thế, khi tiếp xúc với các thầy, cô chẳng thấy mấy ai kêu ca, phàn nàn, phần lớn coi đó như chuyện bình thường. Những cú ngã đau điếng trên đường lên điểm trường, hay một bữa cơm chỉ có cá khô… trở thành những kỷ niệm vui.

Từ trụ sở UBND xã vượt qua đường lên thôn Bản Chảy là tới thôn Bản Quá, xã Nam Cường, huyện Chợ Đồn. Cung đường không dài nhưng đi lại rất vất vả vì đường đất, xuống cấp trầm trọng. Những năm trước, bãi bồi qua Bản Chảy cứ mưa là ngập thành hồ nước, muốn qua phải cho xe máy lên bè tre, thấp thỏm vượt lũ. Giờ được đầu tư nên đã có đường và cầu qua bãi ngập, nhưng để đến Bản Quá vẫn lắm gian nan. Phân Trường tiểu học Bản Quá có hai lớp học đã xây dựng kiên cố nhưng không có nhà vệ sinh đạt tiêu chuẩn, không có nước sạch. Điểm trường mầm non một lớp ghép ba độ tuổi có 21 học sinh thì bảy cháu phải học ở căn nhà tạm dựng bằng cột gỗ, lợp fibro xi-măng, quây bạt. Căn nhà công vụ cho giáo viên dựng bằng gỗ, ván có phần tạm bợ không khỏi khiến chúng tôi ái ngại. Cô giáo Hoàng Thị Bến tươi cười, hằng ngày em vẫn nấu cơm tại nhà công vụ, chỉ tối mới sang lớp học ngủ nhờ, nhiều năm rồi đã thành quen. Quan trọng, học sinh còn vất vả quá, chỉ biết cố gắng động viên các em tới lớp, học giỏi.

Nhà công vụ còn đơn sơ, nhưng thầy Hà Mạnh Cầm, giáo viên điểm trường Slam Coóc, xã Thượng Quan, huyện Ngân Sơn luôn nỗ lực vượt khó.

Thiếu nhà công vụ đang là một trở ngại không nhỏ với thầy, cô ở điểm trường vùng cao. Tại điểm trường Nặm Slặc, xã Vũ Loan (Na Rì), thầy Nông Văn Mạn, giáo viên Trường phổ thông dân tộc bán trú Vũ Loan nói vui, ở đây đúng nghĩa “trường là nhà”. Quả là như vậy, khi để “cắm bản”, thầy Mạn đã phải “linh động” kê giường ở góc phòng học để ngủ nhờ, dựng lều nhỏ tạm bợ bên lớp học để làm bếp nấu cơm. Gắn bó với điểm trường từ 2014, thầy Mạn thấu hiểu được khó khăn, thiếu thốn của học sinh, vất vả của người dân thôn Nặm Slặc. Những gian nan của thầy chưa thấm vào đâu so với các em, trở thành động lực để thầy thêm yêu nghề.

Điều dễ thấy, đáng quý ở những thầy, cô “cắm bản” là sự lạc quan, luôn nhìn thấy niềm vui kể cả khi gian nan nhất. Các thầy, cô ở điểm trường Slam Coóc (theo tiếng dân tộc là ba góc) đùa rằng, nếu ở cấp quốc gia có câu “một tiếng gà gáy, ba nước đều nghe” thì ở Slam Coóc “một tiếng gà gáy, ba tỉnh đều nghe”, vì điểm trường ở nơi tiếp giáp giữa Cao Bằng, Bắc Cạn và Lạng Sơn. Chúng tôi còn thấy ở Slam Coóc còn thêm một con số ba nữa, đó là: Không đường, không điện, không sóng điện thoại. Mỗi lần đi từ điểm trường về trường chính để họp hay về nhà các thầy, cô đều phải đi mất bốn đến năm giờ đồng hồ, nhưng mưa thì “đứt đường”.

Đường lên điểm trường Slam Coóc, xã Thượng Quan, huyện Ngân Sơn.

Cô Vi Thị Huyền, giáo viên mầm non chia sẻ, buổi đầu tiên về nhận nhiệm vụ tại điểm trường, chưa biết đường, đến lối rẽ để vào điểm trường đi vượt qua mất mấy cây số phải quay lại. Nhưng đường không biển báo, cũng chẳng có nhà dân để hỏi, chỉ đi theo cảm tính, thấy đường nào nhiều vết xe qua lại nhất là đi, vậy mà cũng đến.

Có những thầy, cô “cắm bản” thâm niên, trở thành người con của bản. Như thầy Lường Văn Bằng, người đã có 38 năm ở các phân trường vùng cao xã Cổ Linh, huyện Pác Nặm. Năm 1980, thầy được Hợp tác xã của xã hợp đồng trả hơn 300 kg thóc/năm để dạy lớp “vỡ lòng” cho con em các dân tộc thiểu số trên địa bàn. Sau bốn năm đứng lớp, thầy được cử đi chuẩn hóa, đào tạo nâng cao nghiệp vụ sư phạm. Từ đó đến nay, đã 38 mùa lúa nương, đôi chân của thầy cũng chinh phục hết những non cao ở xã, đến các phân trường vùng cao. Thầy Bằng không nhớ hết mình đã “gieo chữ” cho bao thế hệ học sinh con em đồng bào dân tộc thiểu số, chỉ biết rằng, có rất nhiều lớp học sinh của thầy nay đã trưởng thành, làm cán bộ xã, huyện và có nhiều đóng góp nhất định cho công cuộc phát triển kinh tế, xã hội, xây dựng quê hương ngày càng giàu đẹp.

Thầy, cô là cha, mẹ

Điều vui nhất với ngành giáo dục đào tạo Bắc Cạn, với các thầy, cô giáo và cả các em học sinh là thời gian gần đây, mô hình trường bán trú được nhân rộng. Nhà bán trú trở thành “mái nhà” chung cho các em học sinh thôn, bản xa. Ở nơi ấy, thầy cô cải thiện được điều kiện sinh hoạt, chăm lo cho các em như người cha, người mẹ thứ hai. Vượt gần 100 km, chúng tôi tới Trường phổ thông dân tộc bán trú THCS Thượng Quan, huyện Ngân Sơn. Vùng đất này vốn nổi danh vì có nhiều vàng, nhưng chỉ đem lại giàu có cho những kẻ đào trộm, còn người dân vẫn quá khó khăn. Thế nên, chuyện học sinh thiếu ăn, thiếu mặc, bỏ học trở thành chuyện thường những năm trước đây. Nhưng giờ đây, mọi chuyện đã khác xưa.

Khu nhà bán trú của trường khang trang, gồm ba dãy nhà, trong đó dành hai dãy cho 41 em học sinh ở bán trú, còn lại dành cho các thầy, cô. Em Đặng Thị Ngọc Hà, dân tộc Dao, học lớp bảy cho biết, nhà em ở thôn Nà Sánh, cách trường hơn một giờ đi bộ, vào mùa đông đi học rất vất vả. Được bố trí ở nhà bán trú kiên cố, an toàn nên em rất yên tâm học tập, nhiều năm liền đạt học sinh khá. Ở bán trú, các em được thầy, cô phụ đạo mỗi tối, hướng dẫn ăn, ở hợp vệ sinh nên học tốt hơn, sức khỏe bảo đảm hơn khi ở nhà.

Cảm nhận của Ngọc Hà cũng giống như 40 em còn lại ở khu bán trú. Các em được bố trí sáu đến tám em/phòng, ở giường tầng, mỗi tháng được hỗ trợ hơn 500 nghìn đồng tiền ăn/em, cấp 15 kg gạo/em, hỗ trợ tiền điện.

Thầy hiệu trưởng Chu Minh Toàn cho biết, nhà trường thuê người nấu ăn, hợp đồng mua thực phẩm sạch tại chợ xã về nấu ăn tập thể cho các em, cố gắng nấu nhiều món ngon, dinh dưỡng tốt để các em đủ sức khỏe học tập. Lo nguồn nước sinh hoạt không hợp vệ sinh, thầy Toàn và các thầy, cô mua nước sạch đóng bình về trữ sẵn trong nhà bán trú làm nước uống cho các em. Được chăm lo, bảo vệ, ở Trường phổ thông dân tộc bán trú THCS Thượng Quan đã không còn học sinh bỏ học.

Cách Thượng Quan vài chục cây số là Trường phổ thông dân tộc bán trú THCS Thuần Mang. Nhà trường có khu ở bán trú gồm 10 phòng, mỗi phòng rộng 15 m2 bố trí giường tầng cho tám em học sinh, khu nhà ăn, khu vệ sinh cũng được xây dựng kiên cố. Ðể chăm lo cho các em, nhà trường phân công giáo viên luân phiên cùng cán bộ y tế học đường, trực quản lý 24/24 giờ trong ngày, bố trí một người nấu ăn.

Cô giáo Lý Thị Thoan chia sẻ, các thầy, cô đều yêu quý học sinh như con. Hằng ngày, dạy dỗ các em từ vệ sinh, đánh răng, rửa mặt cho tới chấp hành giờ giấc học tập. Mỗi tối thay phiên nhau phụ đạo các em ôn lại bài cũ, làm bài tập. Phần lớn, các em sau khi ở bán trú đều đã biết tự chăm sóc bản thân, kết quả học tập tốt hơn hẳn.

Cô giáo Trường phổ thông dân tộc bán trú THCS Thuần Mang, Ngân Sơn hướng dẫn học sinh rửa tay đúng cách.

Nếu với học sinh bán trú bậc THCS có phần thuận lợi hơn vì các em đã lớn thì với học sinh bán trú bậc tiểu học lại khó khăn gấp bội, khi các em còn nhỏ đã phải xa cha, mẹ. Hơn ai hết, các thầy, cô chính là người cha, người mẹ thứ hai của các em. Tại Trường phổ thông dân tộc bán trú Tiểu học Vũ Loan (Na Rì), để có được những tiếng cười, sự vui tươi vô tư cho các em các thầy cô nơi đây đã phải luôn theo sát các em, thăm nom, tìm hiểu hoàn cảnh, tâm tư, nguyện vọng của từng em… gần gũi, chia sẻ từ việc học trên lớp đến bữa ăn, giấc ngủ. Theo cô giáo Triệu Thị Lụa, mỗi thầy, cô luôn cố gắng tìm hiểu tâm tư, nguyện vọng của từng em từ đó có sự quan tâm kịp thời. Thông qua các giờ chơi, kể chuyện cũng giúp các em vơi bớt nỗi nhớ nhà.

Một không khí như trong gia đình là điều dễ thấy nơi bán trú. Đặc biệt, không chỉ có nỗ lực riêng của các thầy, cô “cắm bản” hay ở trường bán trú mà các em học sinh dân tộc, nghèo còn nhận được sự chăm lo từ các cấp, ngành của tỉnh. Từ 2010-2017, Bắc Cạn đã đầu tư hơn 235 tỷ đồng hỗ trợ ăn trưa cho 41.741 trẻ mẫu giáo; cấp học bổng chính sách cho 26.752 học sinh; hỗ trợ nhà ở, gạo cho 64.818 lượt em học sinh; miễn, giảm học phí cho 93.031 học sinh. Mới đây nhất, nhằm phát huy hiệu quả trường bán trú, từng bước giảm các điểm trường khó khăn, Bắc Cạn đã quyết định rà soát, sắp xếp lại các điểm trường.

Theo đó, xóa các điểm trường nằm gần trường chính có điều kiện đi lại thuận lợi cho học sinh; đối với các điểm trường xa trường chính, xem xét đưa học sinh từ lớp ba đến lớp năm về học tại trường chính nếu bố trí, sắp xếp được nhà nội trú. Dồn ghép hợp lý các điểm trường xa trường chính, trường học có ít học sinh trong một xã và giữa các xã giáp ranh.

Một cơ hội mới đã mở ra để những thầy, cô “cắm bản” vơi bớt khó khăn, học sinh đến trường thuận lợi để sự nghiệp “cõng chữ” lên ngàn tiếp tục hành trình, sớm nâng cao dân trí, đưa Bắc Cạn phát triển.

TUẤN SƠN

Nguồn Nhân Dân: http://nhandan.com.vn/giaoduc/item/38266902-nhung-nguoi-%E2%80%9Ccong-chu%E2%80%9D.html