Những ngôi chùa cổ dọc biên giới phương Nam

Ở miền Nam có rất nhiều ngôi chùa cổ. Và mỗi ngôi chùa đều gắn với những địa danh, lịch sử của vùng đất, con người nơi đây. Đặc biệt, có những ngôi chùa dọc biên giới Tây Nam còn gắn với các giai thoại, với công cuộc bảo vệ biên cương, bờ cõi của cha ông ta.

Một góc trong khuôn viên chùa Xiêm Cán. Ảnh: Phương Vy

Chùa Bà núi Sam - Địa chỉ du lịch tâm linh ở An Giang

Châu Đốc là vùng đất trấn giữ đầu nguồn phía hữu ngạn sông Hậu, giáp với biên giới Việt Nam - Cam-pu-chia. Nhiều nhân vật có công giữ yên bờ cõi trong suốt 260 năm qua đã từng đến đây như Nguyễn Hữu Cảnh, Nguyễn Cư Trinh, Nguyễn Văn Thoại... Sau khi lên ngôi, năm 1805, vua Gia Long đã đặt địa giới là “Châu Đốc tân cương” với ý rằng, đây là vùng đất mới của Tổ quốc được khai phá sau cùng. Châu Đốc có các cụm di tích lịch sử và danh thắng, gắn liền những câu chuyện huyền thoại. Tiêu biểu là chùa Bà núi Sam (dân địa phương thường gọi là miếu Bà Chúa Xứ) được xác lập kỷ lục là “Ngôi miếu lớn nhất Việt Nam”.

Tọa lạc dưới chân núi Sam thuộc phường núi Sam, thành phố Châu Đốc, từ lâu, miếu Bà Chúa Xứ đã trở thành điểm tựa tâm linh của người dân khắp nơi trong nước. Theo ước tính, mỗi năm có trên 2 triệu lượt khách đến hành hương và chiêm bái. Theo các nhà nghiên cứu thì miếu Bà Chúa Xứ được xây dựng từ đầu thế kỉ XIX khi ông Thoại Ngọc Hầu đến trấn giữ vùng đất Tây Nam. Sau nhiều lần trùng tu, sửa chữa, đến nay, kiến trúc miếu có dạng chữ "quốc", hình khối tháp dạng hoa sen nở. Tại chánh điện của miếu Bà, có đôi câu đối thể hiện quyền lực linh thiêng của bà trong việc ban phúc, bảo vệ nhân dân.

Cầu tất ứng, thí tất linh, mộng trung chỉ thị

Xiêm khả kinh, Thanh khả mộ, ý ngoại nan lượng

(Cầu nhất định được, ban nhất định linh, báo mộng cho biết

Người Xiêm phải sợ, người Thanh phải nể, không thể tưởng tượng nổi).

Miếu Bà Chúa Xứ không chỉ có ý nghĩa tâm linh to lớn đối với người dân An Giang, mà còn là chỗ dựa tâm linh vững chắc cho nhân dân trong cả nước. Người hành hương đến viếng bà bằng tất cả sự tôn kính để cầu mong cuộc sống được an yên, ấm no, hạnh phúc.

Chùa Thạch Động - 1 trong 10 thắng cảnh đẹp của Hà Tiên

Xuôi về Hà Tiên, mảnh đất biên giới cuối cùng trên đất liền của phương Nam, ta sẽ gặp Thạch Động - 1 trong 10 “Thập cảnh Hà Tiên”. Thạch Động là một hòn núi cao, trong bán kính 3km xung quanh đó là thị xã Hà Tiên; cửa khẩu Xà Xía và bãi biển Mũi Nai nổi tiếng của Kiên Giang. Đây là nơi phong cảnh rất hữu tình và nên thơ. Từ năm 1736, nhóm Chiêu Anh Các đã có bài thơ nổi tiếng “Thạch Động nuốt mây”:

Xanh xanh ngọn đá chạm thiên hà

Động bích long lanh ngọc chói lòa

Chẳng hẹn, khói mây thường lẩn khuất

Không ngăn cây cỏ mọc la đà

Phong sương càng dãi màu tươi đẹp

Nhật nguyệt chi mừng bóng lại qua

Chót vót tinh hoa đây đã hẳn

Theo chiều gió lộng vút cao xa.

Bên trong Thạch Động có một ngôi chùa thờ phật được xây từ trước thế kỉ XIX. Đây là địa chỉ văn hóa, sinh hoạt tâm linh rất linh thiêng của cả 2 dân tộc Kinh và Khmer sinh sống ở khu vực này. Ngoài ra, Thạch Động còn là nơi phát tích câu chuyện huyền thoại Thạch Sanh - Lý Thông. Khách thập phương đã xuống Hà Tiên phần lớn đều ghé qua đây thắp hương và vãn cảnh chùa. Lịch sử vẫn còn ghi, trong thời kháng chiến, giặc Pháp đã dùng một góc hang Thạch Động làm xà lim để tạm giam đồng bào yêu nước và chiến sĩ cách mạng. Xà lim ấy hiện nay không còn dấu vết. Nhưng trước cổng di tích lịch sử Thạch Động còn có tấm bia căm thù nói về tội ác của bọn diệt chủng Pôn Pốt. Trong cuộc chiến tranh bảo vệ biên giới Tây Nam, Thạch Động là điểm phòng thủ trọng yếu của thị xã Hà Tiên. Trong hang lúc đó có các lực lượng vũ trang như Tiểu đoàn Sông Lam; Trung đoàn 18, Đồn Công an nhân dân vũ trang 833 (Đồn Biên phòng cửa khẩu quốc tế Hà Tiên ngày nay)... Nơi đây đã ghi đậm chiến công anh hùng, tinh thần chiến đấu anh dũng của quân và dân biên giới Hà Tiên trong chiến đấu chống quân Pôn Pốt. Và đây cũng là nơi khắc ghi tội ác của Pôn Pốt khi chúng tàn sát 130 người dân vô tội ngày 14-3-1978.

Chùa Thạch Động. Ảnh: Phương Vy

Chùa Xiêm Cán - Ngôi chùa cổ và đẹp nhất ở Bạc Liêu

Được coi là một trong những ngôi chùa Khmer lớn và lộng lẫy nhất trong hệ thống chùa Khmer Nam bộ, chùa Xiêm Cán là công trình kiến trúc độc đáo, tuyệt đẹp, điểm du lịch tâm linh nổi tiếng ở Bạc Liêu.

Xiêm Cán theo giải thích của các vị cao niên, có nghĩa là “giáp nước”, bởi xung quanh chùa có rất nhiều bãi bồi ven biển. Chùa Xiêm Cán (xã Hiệp Thành, thành phố Bạc Liêu), mang kiến trúc đặc trưng thuộc hệ phái Phật giáo Tiểu thừa của đồng bào dân tộc Khmer, thể hiện ở những họa tiết độc đáo nơi mái vòm, tường, các hàng cột và cầu thang. Xung quanh 4 bức tường của chánh điện có rất nhiều hình vẽ giải thích quá trình tu hành khổ luyện của Đức Phật từ lúc sinh ra, trở thành Thái tử cho đến khi vào cõi Niết bàn.

Ngoài hoạt động tôn giáo, chùa còn là trung tâm văn hóa giáo dục của đồng bào Khmer trong xã và khu vực lân cận. Nơi đây có trường dạy chữ Khmer, dạy giáo lý, dạy nghề. Không chỉ là nơi lưu giữ các tập truyện kể dân gian, chùa Xiêm Cán còn là trung tâm văn hóa, nơi tổ chức các sinh hoạt cộng đồng của người Khmer. Chùa Xiêm Cán do chính tay các nghệ nhân địa phương xây dựng năm 1889, bằng những phương tiện hết sức thô sơ. Ngày nay, người ta có thể cảm nhận được một sắc thái văn hóa phồn thịnh và rất đặc trưng của người Khmer đang từng ngày được gìn giữ, phát huy nhằm làm đẹp, phong phú và đa dạng hơn cho văn hóa Việt Nam. Người dân Khmer nơi đây rất mến khách. Họ thật thà, chân chất và luôn cần cù, sáng tạo. Vào những dịp lễ hội lớn như lễ Ok Om bok, lễ Chol Chnam Thmay, lễ Đôn Ta, mọi người đều đến chùa và mặc những bộ quần áo truyền thống rất đẹp. Đây là dịp để cảm nhận đầy đủ hơn sắc thái văn hóa đang phồn thịnh và rất đặc trưng của người Khmer đang từng ngày được gìn giữ, phát huy nhằm làm đẹp hơn, phong phú và đa dạng hơn cho văn hóa Việt Nam.

Phương Vy

Nguồn Biên Phòng: http://bienphong.com.vn/nhung-ngoi-chua-co-doc-bien-gioi-phuong-nam/