Những nghệ sĩ 'cao nhất' Việt Nam

Nam Định có 72km bờ biển. Trong tiến trình quai đê, lập ấp, cư dân vùng chân sóng: Phúc Thắng (Nghĩa Hưng); Hải Đông, Hải Lý, Hải Triều, thị trấn Thịnh Long (Hải Hậu); thị trấn Quất Lâm (Giao Thủy) đã nghĩ ra cách 'nối' chân bằng cà kheo khi lội xuống biển khai thác hải sản. Từ một công cụ phục vụ lao động sản xuất, đồng hành cùng thời gian, cà kheo đã trở thành một bộ môn nghệ thuật đặc sắc; các nghệ sĩ vùng chân sóng luôn đau đáu tấm lòng bảo tồn và phát triển loại hình nghệ thuật truyền thống của quê hương.

Đội cà kheo các xã Hải Lý, Hải Triều, Hải Đông biểu diễn trong Ngày hội văn hóa - thể thao truyền thống huyện Hải Hậu được tổ chức vào dịp Quốc khánh 2/9 hàng năm.

Đội cà kheo các xã Hải Lý, Hải Triều, Hải Đông biểu diễn trong Ngày hội văn hóa - thể thao truyền thống huyện Hải Hậu được tổ chức vào dịp Quốc khánh 2/9 hàng năm.

Xã Phúc Thắng (Nghĩa Hưng) được thành lập tháng 2/2020 (trên cơ sở sáp nhập 2 xã Nghĩa Thắng và Nghĩa Phúc). Là một xã ven biển nằm trên dải đất phù sa bồi tụ gần cửa sông Ninh Cơ, xã Phúc Thắng vào những năm đầu của thế kỷ trước vẫn còn là những vũng lầy, hoang sơ, không có ghe thuyền. “Đất lành, chim đậu”, người dân trong tỉnh và các vùng lân cận tìm đến vùng Quần Vinh để hội tụ, đồng lòng khai phá đất hoang. Đồng chí Trần Văn Mạnh, Bí thư Đảng ủy xã Phúc Thắng chia sẻ: “Không bề thế về lịch sử sáng nghiệp như các vùng quê nội đồng trong tỉnh, nhưng vùng quê “biển bồi” Phúc Thắng lại có nét nhân văn độc đáo, khó trộn lẫn! Đó là sự độc đáo của nghệ thuật cà kheo bắt nguồn từ cuộc sống lao động, sản xuất của các ngư dân ven biển”.

Theo các bậc cao niên trong xã, để sinh tồn, người dân ở đây đã nghĩ ra cách “nối” chân để có thể cắm sâu vào cát, vừa cao trên mặt nước, vừa đứng vững khi lội xuống biển bắt cá, tôm ven bờ. Cà kheo giúp họ cất te, quăng chài. Trẻ con nơi đây, từ thuở lên bảy, lên mười đã phải tập đi cà kheo. Không phải ngẫu nhiên mà từ công cụ gắn liền với cuộc sống lao động, cà kheo đã trở thành một bộ môn nghệ thuật trong đời sống của các ngư dân ven biển. Sau khi quăng chài, kéo lưới, lúc tạm nghỉ họ chơi đùa cùng nhau vẫn trên đôi kheo ấy. Lâu dần thành quen. Đôi chân gỗ lênh khênh dần được điều khiển thuần thục như chân thật không chỉ trên nền cát mà cả trên nền đất cứng. Để trở thành một nghệ sĩ biểu diễn cà kheo trên cạn, ban đầu các ngư dân “tập chay” trên chân thật, không kheo, không trống. Khi đã thuần thục các động tác mới tiến hành khớp trống, khớp nhạc. Rồi bước vào tập trên kheo, những kỹ thuật động tác thu chân, nhảy cò, múa, rung sư tử, đánh vật…

Năm 1961, khi huyện Nghĩa Hưng vinh dự được rước Huân chương Thủy nông của Nhà nước trao tặng, cư dân Quần Vinh được giao chuẩn bị một tiết mục văn nghệ “cây nhà lá vườn” góp vui cho ngày hội. Anh em trong đội trống của giáo xứ vận động thành lập đội cà kheo gồm 20 người tham gia đoàn diễu hành cho xôm trò. Và quả thật tiết mục trình diễn trên đường diễu hành của những “nghệ sĩ” quần chúng với đôi chân lênh khênh đã được tán thưởng vô cùng. Những con trò ngộ nghĩnh đầy tính sáng tạo và mang đậm phong cách đặc trưng vùng miền, thể hiện nét tài hoa và tinh thần kiên cường của người dân vùng chân sóng đặc biệt hấp dẫn người xem. Đồng hành cùng thời gian, người Quần Vinh đã chế kheo và mang cả tâm hồn, trí óc điều khiển đôi kheo dài đến 5m theo những tích diễn mang giá trị nghệ thuật độc đáo, đặc sắc. Sau những giờ vất vả mưu sinh, các thành viên trong đội cà kheo Quần Vinh, xã Phúc Thắng lại tụ họp trên bãi biển để cùng tập luyện, sáng tạo ra những trò mới, vừa rèn luyện sức khỏe, vừa mang đến niềm vui cho mọi người.

“Tiếng lành đồn xa”, đội biểu diễn cà kheo được mời đi biểu diễn. Nghệ thuật cà kheo thôn Quần Vinh, xã Phúc Thắng đã vượt qua khỏi lũy tre làng, có mặt trên mọi miền đất nước, được nhân dân yêu thích, trân trọng, trở thành một sản phẩm nghệ thuật biểu diễn truyền thống độc đáo của quê hương vùng biển. Sự “giàu có” của người dân Quần Vinh không chỉ ở những giá trị vật chất của vùng quê “biển bạc”, mà còn ở cả những giá trị văn hóa kết tinh trong suốt hành trình khai hoang lấn biển trị thủy lập làng; đặc biệt là nghệ thuật cà kheo, môn nghệ thuật xuất phát từ cuộc sống lao động sản xuất của người dân địa phương.

Các thành viên đội cà kheo Hải Lý tập luyện chuẩn bị cho Ngày hội văn hóa thể thao huyện Hải Hậu năm 2024 (ảnh trên).

Các thành viên đội cà kheo Hải Lý tập luyện chuẩn bị cho Ngày hội văn hóa thể thao huyện Hải Hậu năm 2024 (ảnh trên).

Không chỉ ở Quần Vinh, biểu diễn cà kheo còn phát triển ở nhiều làng khác ven biển của tỉnh. Trong ngày hội văn hóa thể thao của huyện Hải Hậu được tổ chức vào dịp Quốc khánh 2/9 hàng năm, tiết mục biểu diễn của những nghệ sĩ “cao nhất” Việt Nam đến từ đội cà kheo của các xã Hải Lý, Hải Triều, Hải Đông được khán giả yêu thích. Các tiết mục biểu diễn đấu vật, đá bóng, múa lân, đấu kiếm của các nghệ sĩ trên kheo cao 2-3m thật điêu luyện, tạo không khí vui tươi, sôi nổi trong ngày hội. Một lần về xã Hải Lý tìm hiểu đội cà kheo ở đây, chúng tôi gặp ông Nguyễn Quang Đức, đội trưởng đội cà kheo xã Hải Lý, 67 tuổi. Gần trưa nhưng ông Đức vẫn vui vẻ “đãi” chúng tôi những tiết mục nghệ thuật “đặc sản” cà kheo do chính ông và cháu ruột biểu diễn tại bãi biển Nhà thờ đổ. Trên những đôi kheo cao lênh khênh hơn 2m mà người xem ngước nhìn cũng hoa mắt, chóng mặt, lão ngư Nguyễn Quang Đức say sưa “làm xiếc”, điều khiển những bước đi, bước nhảy, bước xiết (đổi chân) một cách linh hoạt, biến hóa tài tình. Mắt thấy, tai nghe, chúng tôi mới thấy hết nét đẹp tinh tế, sự độc đáo và tinh thần thượng võ về nghệ thuật cà kheo của những cư dân vùng chân sóng được vinh danh là nghệ sĩ “cao nhất” Việt Nam. Ông Đức giải thích: “Đi kheo trên biển, nhiều người biết. Nhưng để biết đấu vật, đá bóng, lên xà đơn… trên kheo thì đòi hỏi phải có sự khổ công luyện tập, lòng yêu nghề và một chút khéo léo, năng khiếu”.

Cà kheo lên bờ khó đi hơn ở dưới nước; nền đất cứng, độ nguy hiểm lớn hơn, đòi hỏi phải khổ công tập luyện. Người tập từ luyện các động tác biểu diễn trên chân thật, xong mới lên chân kheo; độ cao kheo cũng được nâng dần lên từ 0,5m rồi 1m, 2m, 3m...; người thuần thục có thể lên đến 4m mà vẫn vững vàng thực hiện các động tác múa lân, đá bóng, múa sư tử, đấu vật. “Dưới mặt đất, nếu các động tác mình thể hiện được 100% thì trên đôi cà kheo, các thao tác ấy chỉ chính xác tối đa đến 70%. Chính vì thế mà chúng tôi phải tập hàng chục lần mới mong thuần thục” - Ông Nguyễn Quang Đức cho biết.

Các tiết mục biểu diễn của các đội cà kheo ngoài tái hiện lại cuộc sống lao động của ngư dân với những phương thức đánh bắt thủy sản như: cất te, đi xẻo, quăng chài còn có thêm các trò diễn như: múa sư tử, múa gậy, múa quạt hay hóa thân vào các nhân vật cổ tích đều liên quan đến các sự kiện lịch sử mang tín ngưỡng phồn thực, cầu cho cuộc sống ấm no, hạnh phúc. Mỗi đội kheo đều có tích trò riêng. Nếu đội cà kheo xã Phúc Thắng lấy trò đấu kiếm, xà đơn, xà kép, đá bóng làm điểm nhấn, thì đội cà kheo xã Hải Lý, Hải Đông lại chọn múa lân, múa rồng, chú Tễu cầm quạt, đánh trống làm trọng tâm. Mỗi đội có nét độc đáo riêng nhưng đều mang đậm phong cách đặc trưng vùng miền, thể hiện nét tài hoa và tinh thần kiên cường của người dân vùng chân sóng. Từ một công cụ phục vụ lao động sản xuất, cà kheo đã trở thành một bộ môn nghệ thuật đặc sắc, đáp ứng nhu cầu sáng tạo và hưởng thụ văn hóa tinh thần của nhân dân.

Bài và ảnh: Việt Thắng

Nguồn Nam Định: https://baonamdinh.vn/van-hoa-nghe-thuat/202408/nhung-nghe-si-cao-nhat-viet-nam-1a57147/