Những 'mốc son' đáng nhớ

Kể từ năm 1945 đến nay, nước ta đã nhiều lần tổ chức Đại hội đại biểu các dân tộc thiểu số (DTTS) mỗi kỳ đại hội đều thể hiện tầm nhìn chiến lược của Chủ tịch Hồ Chí Minh và sự quan tâm đặc biệt của Đảng, Nhà nước đối với cộng đồng các DTTS trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam.

Các đại biểu tham dự Đại hội các dân tộc thiểu số miền Nam năm 1946. Ảnh: Tư liệu

Ngay sau khi Cách mạng tháng Tám thành công, nhân dân ta chưa được hưởng những thành quả của độc lập, tự do thì thực dân Pháp trở lại xâm lược nước ta. Lúc này, Trung ương Đảng và Chính phủ đứng trước muôn vàn nhiệm vụ phải giải quyết, nhưng với tầm nhìn và trí tuệ uyên bác của mình, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã đặt vấn đề đoàn kết dân tộc lên hàng đầu để lãnh đạo toàn dân tộc Việt Nam bước vào cuộc kháng chiến trường kỳ, gian khổ, ác liệt.

Ngày 3-12-1945, Chủ tịch Hồ Chí Minh chỉ đạo triệu tập Hội nghị đại biểu các DTTS toàn quốc. Diễn văn khai mạc của đại hội đã khẳng định: “Nhờ sức đoàn kết đấu tranh chung của tất cả các dân tộc, nước Việt Nam ngày nay được độc lập, các DTTS được bình đẳng cùng dân tộc Việt Nam, tất cả đều như anh em trong một nhà, không còn có sự phân chia nòi giống, tiếng nói nữa. Trước kia để giành độc lập, các dân tộc phải đoàn kết, bây giờ để giữ lấy nền độc lập càng phải đoàn kết hơn nữa” (Báo Cứu quốc, số 108, 1945). Với những chính sách dân tộc được khẳng định, đại hội đã cổ vũ và phát huy tinh thần đoàn kết, sức mạnh của cộng đồng các DTTS trong sự nghiệp đấu tranh bảo vệ thành quả cách mạng, bảo vệ nền độc lập và chính quyền còn non trẻ.

Ngày 19-4-1946, Đại hội các DTTS miền Nam đã được tiến hành tại tỉnh Pleiku, trong bối cảnh Nam Trung bộ nói chung, Tây Nguyên nói riêng là địa bàn có nhiều thành phần dân tộc cư trú. Thực dân Pháp và bọn tay sai dùng mọi thủ đoạn để chia rẽ các dân tộc. Chủ tịch Hồ Chí Minh đã gửi thư tới đại hội, trong thư Bác viết: “Đồng bào Kinh hay Thổ, Mường hay Mán, Gia Rai hay Ê Đê, Xê Đăng hay Ba Na và các dân tộc thiểu số khác, đều là con cháu Việt Nam, đều là anh em ruột thịt. Chúng ta sống chết có nhau, sướng khổ cùng nhau, no đói giúp nhau. Trước kia, chúng ta xa cách nhau, một là vì thiếu dây liên lạc, hai là có kẻ xúi giục để chia rẽ chúng ta. Ngày nay, nước Việt Nam là nước chung của chúng ta. Trong Quốc hội có đủ đại biểu các dân tộc. Chính phủ thì có “Nha DTTS” để săn sóc cho tất cả các đồng bào. Giang sơn và Chính phủ là giang sơn và Chính phủ của chúng ta, vậy nên tất cả dân tộc chúng ta phải đoàn kết chặt chẽ để giữ gìn nước non, để ủng hộ Chính phủ ta” (Hồ Chí Minh toàn tập, 1958).

Ngay sau đại hội, các đại biểu đã tỏa về các buôn, làng vận động quần chúng, bày tỏ niềm tin tuyệt đối của đồng bào vào sự lãnh đạo của Chủ tịch Hồ Chí Minh và Chính phủ, quyết tâm thực hiện đoàn kết các dân tộc, sát cánh cùng nhau chiến đấu chống thực dân Pháp.

Có thể thấy, việc tổ chức thành công đại hội đã góp phần tăng cường tình đoàn kết các DTTS ở Tây Nguyên; ghi dấu ấn quan trọng về tinh thần đoàn kết kháng chiến giữa các DTTS và các DTTS với đồng bào và cán bộ người Kinh trong sự nghiệp cứu nước. Đại hội thể hiện mối quan tâm đặc biệt của Trung ương Đảng, Chính phủ và Chủ tịch Hồ Chí Minh đối với các DTTS miền Nam và Tây Nguyên. Trong hai cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ, Tây Nguyên đã trở thành một trong những căn cứ địa của cách mạng miền Nam. Hàng vạn đồng bào các dân tộc đã sát cánh cùng Đảng và Nhà nước chiến đấu bảo vệ quê hương, bảo vệ Tổ quốc.

Trong giai đoạn đất nước hòa bình, sự quan tâm đặc biệt đối với đồng bào DTTS tiếp tục được Đảng và Nhà nước thể hiện bằng nhiều chủ trương, nghị quyết, trong đó có việc tổ chức Đại hội đại biểu toàn quốc các DTTS Việt Nam lần thứ nhất đã được tổ chức tại Thủ đô Hà Nội, năm 2010. Đại hội vinh dự được đón các đồng chí lãnh đạo, nguyên lãnh đạo Đảng, Nhà nước và MTTQ Việt Nam và 1.683/1.702 đại biểu được chọn cử từ Đại hội đại biểu các DTTS các cấp, đại diện cho hơn 12 triệu đồng bào các DTTS về dự đại hội. Báo cáo chính trị với chủ đề “Dưới ngọn cờ vẻ vang của Đảng, cộng đồng các dân tộc Việt Nam bình đẳng, đoàn kết, tôn trọng, giúp nhau cùng phát triển” đã tổng kết, đánh giá công tác dân tộc trong suốt chặng đường dài của cách mạng Việt Nam, khẳng định đường lối nhất quán của Đảng và Nhà nước về công tác dân tộc và đại đoàn kết dân tộc.

Việc tổ chức Đại hội đại biểu các dân tộc thiểu số Việt Nam là minh chứng rõ ràng nhất cho sự quan tâm, chăm lo của Đảng và Nhà nước đối với công tác dân tộc, từ đó làm cho đồng bào các dân tộc ngày càng tin tưởng, gắn bó, đoàn kết chặt chẽ hơn dưới ngọn cờ của Đảng... Các cấp, các ngành và các địa phương cũng thấy rõ hơn trách nhiệm của mình đối với việc thực hiện chính sách dân tộc. Trên cơ sở đó, đẩy mạnh việc thực hiện chính sách dân tộc, góp phần đưa vùng DTTS và miền núi phát triển mạnh mẽ, bền vững trong thời kỳ mới.

Có thể thấy, thành công của các lần tổ chức Đại hội đại biểu toàn quốc các DTTS Việt Nam là những “mốc son” đáng nhớ trong chặng đường phát triển các dân tộc Việt Nam. Những thông điệp được gửi gắm qua các kỳ đại hội thể hiện đường lối nhất quán của Đảng và Nhà nước về vấn đề dân tộc và đại đoàn kết dân tộc; khẳng định, tôn vinh và biểu dương công lao đóng góp to lớn của các DTTS với thắng lợi chung của cách mạng Việt Nam, trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

Sau 10 năm, Đại hội đại biểu toàn quốc các DTTS Việt Nam lần thứ II năm 2020 được tổ chức nhằm tiếp tục khẳng định, ghi nhận công lao đóng góp to lớn của đồng bào các DTTS trong công cuộc xóa đói giảm nghèo, xây dựng nông thôn mới, phát triển cơ sở hạ tầng, thực hiện chính sách dân tộc, xây dựng, bảo vệ Tổ quốc và hội nhập quốc tế; đồng thời đánh giá thành tựu, kết quả thực hiện chính sách dân tộc, công tác dân tộc giai đoạn 2009-2019; từ đó rút ra bài học kinh nghiệm, tiếp tục hoàn thiện chính sách dân tộc định hướng đến năm 2030.

Cẩm Linh

Nguồn Biên Phòng: https://bienphong.com.vn/nhung-moc-son-dang-nho-post430495.html