Những điều cha mẹ cần lưu ý với trẻ hai tháng tuổi
Bước sang tháng thứ hai, các em bé sẽ có nhiều mốc phát triển mới. Ở giai đoạn này, bé cũng tương tác với bố mẹ nhiều hơn và không còn ngủ li bì như khi mới chào đời.
Bé đang dần nhận thức rõ hơn về thế giới và tương tác nhiều hơn với bạn. Cuộc sống của bé trong tháng thứ hai này không chỉ xoay quanh các nhu cầu cơ bản như ăn uống, thay tã và ru ngủ mà đã bắt đầu học cách dự đoán hành động của bạn. Bạn sẽ nhận thấy bé có ngôn ngữ cơ thể mới và phát âm nhiều hơn.
Sự nhầm lẫn giữa ngày và đêm có thể giảm dần vào cuối tháng này, nếu bạn cho bé tiếp xúc với ánh sáng ban ngày qua cửa sổ hoặc ra ngoài đi dạo dưới bóng râm. Trẻ hai tháng tuổi sẽ ngủ trung bình từ khoảng 15 đến 16 giờ một ngày, nhưng không ngủ liền mạch suốt cả đêm. Đa phần các bé sẽ thức dậy để ăn sau ba giờ một lần hoặc lâu hơn.
Khi hình thành cho bé những thói quen nhất quán và ổn định, bạn có thể nhận thấy một số đặc điểm tính cách xuất hiện ở bé. Hầu hết trẻ sơ sinh khóc để bày tỏ cảm xúc và mong muốn của mình, nhưng vẫn có một số trẻ bình tĩnh và dễ dỗ dành hơn. Có bé thích được thư giãn, bé khác lại muốn được chú ý, ôm ấp.
Đến cuối tháng này, bạn sẽ rút ra được một số kinh nghiệm dỗ dành riêng cho bé yêu của bạn. Hành vi quấy khóc của trẻ sơ sinh thường xuất hiện nhiều nhất lúc sáu tuần tuổi và sau đó tần suất, thời lượng sẽ giảm dần trong vài tháng tiếp theo.
Khoảng thời gian đỉnh điểm diễn ra hành vi này là từ sáu đến tám tuần và bé sẽ bớt quấy khóc trong vài tháng tiếp theo. Khóc để bày tỏ cảm xúc là bản năng của trẻ sơ sinh, vậy nên dù có mệt mỏi đến đâu, hãy cố gắng bế bé yêu của bạn thường xuyên, củng cố niềm tin cho bé bằng những cái ôm, và đừng lo lắng vì điều đó sẽ không khiến bé hư đâu.
Tháng đầu tiên của trẻ sơ sinh giống như một gánh xiếc mở vào ban đêm vì thời gian trong ngày đảo lộn liên tục. Trong tháng này, bạn hãy tập trung vào các thói quen hàng ngày để giúp bé cảm thấy tốt hơn và bạn cũng đỡ vất vả hơn.Bé vẫn chơi những trò chơi nhẹ nhàng và gắn bó với đồ chơi đơn giản.
Đây là thời điểm những hành động bản năng như co duỗi nhẹ nhàng dần biến mất và cơ của bé bắt đầu chắc khỏe hơn. Khi được thôi thúc bởi nhu cầu và cảm giác muốn được gần gũi cha mẹ, bé sẽ thường khua khoắng chân tay và cuộn người lại. Bé có thể duỗi chân và thậm chí đá, đạp. Cánh tay của bé có thể vươn ra để chạm vào đồ vật, và bé thích thú khám phá khả năng linh hoạt của những ngón tay.
Bạn hãy tạo ra nhiều cơ hội để bé vận động tự do hơn. Một em bé thường xuyên bị quấn trong chăn, nằm trong nôi, xe đẩy hoặc ghế ngồi ô tô, sẽ không thể phát triển sức mạnh cơ bắp cần thiết cho các kỹ năng vận động phù hợp với lứa tuổi.
Bạn có thể dùng chăn quấn khi tắm cho bé, dùng xe đẩy đưa bé ra ngoài chơi hoặc cho các nhu cầu chăm sóc khác, miễn sao đừng lạm dụng chúng vì bé yêu của bạn cần nhiều không gian an toàn để tự do di chuyển.
Nguồn Znews: https://znews.vn/nhung-dieu-cha-me-can-luu-y-voi-tre-hai-thang-tuoi-post1503089.html