Những địa danh luôn tồn tại mãi trong trận Điện Biên Phủ trên không

Hà Nội đó, hiên ngang chỉ biết ngẩng đầu để rồi góp phần làm nên trận đánh hào hùng của dân tộc và những địa danh gắn liền với Hà Nội sẽ không bao giờ quên quá khứ, bởi quá khứ đau thương đó đã trở thành lực tiến để Hà Nội đi lên.

Những ngày tháng cuối năm 1972, BV Bạch Mai là nơi tiếp nhận rất nhiều bệnh nhân thuộc khu vực phía Nam Hà Nội, BV lại được trang bị máy móc chữa trị hiện đại và có đội ngũ y, bác sĩ giỏi. Do vậy, để uy hiếp tinh thần của quân và dân ta, Mỹ đã liên tiếp đánh phá vào BV Bạch Mai. Sau 4 trận đánh phá kéo dài từ ngày 16-4 đến ngày 22-12-1972 của không quân Mỹ, toàn bộ BV Bạch Mai như một bãi hoang tàn: Nhà sập, cây đổ, gạch nát, nhiều người đã phải hy sinh. Có những lúc, ở dưới lòng đất nhiều cửa hầm bị đóng sập, nhốt hàng trăm bác sĩ và bệnh nhân phía trong. Trước tình cảnh đó các y, bác sỹ và đội cứu hộ Đống Đa phải phá cửa hầm để len vào trong đưa bệnh nhân ra: “Lúc đầu những người trong đội cứu hộ ngăn không muốn cho các y, bác sĩ chúng tôi vào trong hầm đưa bệnh nhân mắc kẹt phía trong hầm ra vì sợ hầm sập, nhưng không vào sao được khi hàng trăm người đang bị mắc kẹt trong đó. Là bác sĩ thì phải đặt nhiệm vụ cứu người lên hàng đầu, nên cuối cùng chúng tôi đã đưa được toàn bộ bệnh nhân ra ngoài an toàn”, GS.Bác sĩ Đỗ Doãn Đại, nguyên GĐ BV Bạch Mai nhớ lại.

Tượng đài tưởng niệm ở phố Khâm Thiên như một chứng tích in dấu tội ác của đế quốc Mỹ trong cuộc chiến tranh tại Việt Nam. Ảnh: T.Liên

Kết thúc đợt rải bom thứ tư ngày 22-12-1972 của không quân Mỹ vào BV Bạch Mai, mặc dù các bệnh nhân đã được đưa ra khỏi hầm sập, nhưng nguy cơ không quân Mỹ tiếp tục đánh phá vào BV hoàn toàn vẫn có thể xảy ra. Trong hoàn cảnh đó, bác sĩ Đại được cấp trên ra lệnh phải chuyển BV đi nơi khác an toàn để tiếp tục chữa trị. Thế nhưng do số lượng bệnh nhân bị trọng thương ngày càng nhiều nên không thể di chuyển được. Cuối cùng, ông Đại quyết định: Phải khắc phục khó khăn bằng mọi cách để ở lại BV tiếp tục chữa trị cho các bệnh nhân.

Nhắc tới 12 ngày đêm Điện Biên Phủ trên không trên bầu trời Hà Nội, một trong những nơi được nhắc đến nhiều nhất là “tượng đài Khâm Thiên” trên phố Khâm Thiên. Nơi đây gợi lại cho chúng ta nỗi đau đêm 26-12-1972. Vào 22g45 hôm ấy, không quân Mỹ đã ném bom gây nên vụ thảm sát đẫm máu, giết và làm bị thương 577 người, phá sập hàng nghìn ngôi nhà. Ông Thắng, Trung đội phó dân quân tự vệ phường Khâm Thiên thời đó kể lại: 8g sáng ngày 26-12-1972 ông và 22 anh em khác trong đội tự vệ đường phố Khâm Thiên nhận được lệnh sẵn sàng chiến đấu vì, đêm nay địch sẽ đánh vào trung tâm TP. Đến 22g45 phút, địch đã xuất kích cho ném bom khu vực Khâm Thiên. Lúc đấy ông đang làm nhiệm vụ ở bãi Xã Đàn, thấy bom lóe sáng trên khu Khâm Thiên nên đã cùng một số anh em tự vệ quay trở lên. “Khi chúng tôi có mặt thì toàn bộ khu vực Khâm Thiên đã bị bom Mỹ đánh phá tan hoang, chúng tôi đã tìm mọi cách để cứu sống những người bị gạch ngói trùm lên trong đống đổ nát. Nhưng vẫn có quá nhiều người chết và bị thương, đa số đều là trẻ em và phụ nữ”, ông Thắng nhớ lại.

Không chỉ phố Khâm Thiên, BV Bạch Mai mà nhà ga Hà Nội, phố Cửa Bắc, ngõ Lý Thường Kiệt… cũng như nhiều khu vực khác ở Hà Nội cũng như nhiều nơi ở miền Bắc Việt Nam đã phải oằn mình gánh chịu một lượng không nhỏ bom, đạn Mỹ, có hy sinh mất mát, nhưng Hà Nội cùng các tỉnh, thành miền Bắc đã kiên trung anh dũng, xóa mờ đau thương quyết tâm cầm súng tiêu diệt địch.

Tại khu vườn hoa BV Bạch Mai, có tượng đài người phụ nữ một tay đỡ một người ngã xuống, tay kia nắm chặt lại chỉ lên trời. Các bác sĩ nhiều thế hệ của BV bảo, đó chính là minh chứng về tội ác của quân đội Mỹ đối với nhân dân Việt Nam. Tội ác đó giờ đây vẫn hiện hữu khi hàng ngày các y, bác sỹ vẫn đang phải chữa trị cho những thương binh và trẻ em ảnh hưởng bởi chất độc da cam. Đi vào gian sảnh bên trong tầng 1, tòa nhà P BV Bạch Mai, gần 100 bức ảnh tư liệu sống động về quá trình đấu tranh và bảo vệ BV trong hai cuộc kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ đang được trưng bày trước cửa ra vào, để mọi người đi qua đều có thể nhìn thấy. Trong đó, những tấm ảnh về đợt tàn phá của không quân Mỹ năm 1972 tại BV Bạch Mai đang gây được sự chú ý đặc biệt. Bởi đó là lịch sử, là truyền thống anh hùng đang được hâm nóng trong những ngày này.

Có một điều hết sức kỳ lạ tại khu phố Khâm Thiên mà có lẽ không nhiều người Hà Nội trẻ biết tới đó là trên dãy phố này bị thiếu mất 3 số nhà. Bên số lẻ phố Khâm Thiên không có ba số nhà 47, 49, 51, bởi ba số nhà này với diện tích gần 1.000m2 đã được dành để xây Đài tưởng niệm Khâm Thiên, để tưởng nhớ, để không ai có thể quên được một thời bom đạn trên con phố này. Trong khu tưởng niệm Khâm Thiên, những cây đại giữa mùa đông se lạnh vẫn xanh tốt đứng bao quanh bức tượng người mẹ bế đứa con thơ đã chết như biểu tượng cho một triết lý nhân sinh: Sự sống đang nảy sinh từ trong đau thương, mất mát. Bom đạn của chiến tranh trước kia đang được thay thế bằng màu xanh của cuộc sống yên bình, hiền hòa.

Giờ đây, những thế hệ trẻ của Hà Nội chỉ biết đến “Điện Biên Phủ trên không” qua những câu chuyện kể, qua những chứng tích của một thời hoa lửa tại nhiều nơi ở Hà Nội cũng như hiển hiện rõ nhất trong Bảo tàng chiến thắng B-52. Thế nhưng lịch sử dân tộc thì vẫn mãi vang vọng ngàn năm. Sống cùng Hà Nội 47 năm sau những ngày khói lửa đó, nhiều người Hà Nội vẫn như chiến thắng này mới chỉ hôm qua, một chiến thắng nâng tầm chiến lược, một chiến thắng của sự kiên trung, một chiến thắng của một dân tộc không bao giờ chịu cúi đầu trước bất kỳ kẻ thù xâm lược cho dù chúng mạnh đến mức nào…

Thủy Liên

Nguồn PL&XH: https://phapluatxahoi.vn/nhung-dia-danh-luon-ton-tai-mai-trong-tran-dien-bien-phu-tren-khong-175110.html