Những chiến sĩ thầm lặng nơi 'đầu sóng'

Trong cuộc chiến với đại dịch COVID-19, mặc dù không tham gia trực tiếp khám và điều trị cho bệnh nhân nhưng các bác sĩ, nhân viên của Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương thật sự là những người đi đầu trong 'trận chiến'. Vượt lên tất cả những khó khăn đặc thù, trong đó có cả nguy cơ cao bị lây nhiễm bệnh, họ đã ngày đêm lặng thầm cống hiến, góp một phần không nhỏ trong công cuộc chống COVID-19.

Cùng nhìn lại quãng thời gian chống dịch, các bác sĩ Khoa Virus - Viện Vệ sinh Dịch tễ Trung ương không nghĩ tập thể mình đã dũng cảm cùng nhau vượt qua khó khăn đến thế. Áp lực đè nặng nhất là những ngày đầu tiên, đại dịch xảy ra toàn cầu, chưa từng có tiền lệ trong lịch sử, chưa có phương pháp cụ thể trong điều trị, tất cả các thông tin đều mới. Ngay khi có mồi đặc hiệu do Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) cung cấp, phòng thí nghiệm bắt đầu thực hiện các mẫu nghi ngờ nhiễm SARS-CoV-2. Số lượng mẫu tăng lên từng ngày, có những ngày lên tới 2000 mẫu vô tình đã tạo nên áp lực vô cùng lớn với các y bác sĩ.

Không còn khái niệm thời gian

Để có thể đưa ra được những kết quả xét nghiệm sớm, chính xác phục vụ đáp ứng nhanh cho công tác phòng, chống dịch, các y bác sĩ luôn phải làm việc trong tâm thế chạy đua với thời gian. Nhóm thực hiện xét nghiệm chỉ có 13 người, chia thành 3-4 người một nhóm, làm việc từ 9h sáng hôm trước đến 9h sáng hôm sau.

Các nhà khoa học nữ đang làm việc tại Phòng Thí nghiệm - khoa Virus - Viện Vệ sinh Dịch tễ Trung ương.

TS. Hoàng Vũ Mai Phương – Trưởng khoa Virus Viện Vệ sinh Dịch tễ Trung ương cho biết: “Trong 24h của ca trực, bất cứ lúc nào có mẫu từ các trung tâm y tế dự phòng hoặc bệnh viện gửi đến, các y bác sĩ cùng các kỹ thuật viên cũng luôn sẵn sàng, thậm chí nhận mẫu ngay trong đêm để có thể xử lý mẫu và tiến hành xét nghiệm sớm. Tất cả số mẫu đều được thực hiện xét nghiệm và hoàn thành trong ca trực. Khâu nhập liệu, trả kết quả cũng rất quan trọng, đảm bảo đúng tên, mã số bệnh phẩm, kết quả xét nghiệm đúng với mã bệnh nhân”.

17 người còn lại của khoa Virus cùng với các y bác sĩ khác của Viện Vệ sinh Dịch tễ Trung ương cũng đảm nhiệm một công việc “đầu sóng ngọn gió” không kém: điều tra dịch tễ và lấy mẫu các trường hợp đi về từ vùng có dịch hoặc tiếp xúc với người đến từ vùng dịch. Mặc dù mang trong mình nguy cơ cao vì tiếp xúc trực tiếp với người bệnh, có những ngày phải đến lấy mẫu 2-3 lần tại cùng một điểm hay phải lao mình đi giữa đêm lấy mẫu, nhưng các “chiến sĩ” luôn sẵn sàng trong bất cứ tình huống nào, khi có lệnh điều động là lập tức chuẩn bị dụng cụ, trang phục khẩn trương lên đường ngay. Thời điểm ấy ổ dịch Sơn Lôi (Vĩnh Phúc) vừa bùng phát, những bệnh nhân đầu tiên có kết quả dương tính với SARS-CoV-2, áp lực tâm lý đè nặng lên các bác sĩ trước lượng công việc rất lớn tiếp theo. Quá trình lấy mẫu xét nghiệm rất vất vả, cán bộ y tế đứng đối diện với bệnh nhân, mặt đối mặt rất gần để lấy mẫu bệnh phẩm dịch ngoáy họng ở vùng hầu họng và dịch tỵ hầu ở mũi. Những động tác này dễ kích thích ho, sặc, có nguy cơ phát tán mầm bệnh, vậy nên trong bộ đồ bảo hộ kín mít, dù rất nóng và ngộp, nhưng các y bác sĩ luôn cố gắng chứ không được bỏ dở công đoạn. Đó là chưa kể, các y bác sĩ đi từ tâm dịch về tuy đảm bảo an toàn nhưng phải đeo khẩu trang liên tục và về nhà cũng phải ở phòng riêng để tự cách ly với gia đình.

“Khoa Virus có tới 70% cán bộ là nữ, vì thế công việc nghiên cứu, xét nghiệm vô cùng vất vả. Nhưng không vì vất vả mà lùi bước được. Mọi người ai cũng mệt và căng thẳng nhưng trên hết là đồng lòng, có sự cổ vũ kịp thời từ ban lãnh đạo viện và gia đình các bác sĩ. Nếu không có sự hâu thuẫn này thì rất khó để hoàn thành công việc.” – TS. Hoàng Vũ Mai Phương chia sẻ.

Áp lực đi cùng với rủi ro phơi nhiễm

Các quy trình lấy mẫu, xét nghiệm đều phải đảm bảo nguyên tắc thực hành an toàn sinh học, đòi hỏi sự chính xác, cẩn thận và kỹ lưỡng. Cả quá trình xét nghiệm cần rất nhiều bước, đòi hỏi sự tỉnh táo tối đa để cho được kết quả chính xác nhất. Các y bác sĩ nhận định rất rõ, kết quả không chuẩn xác sẽ gây nhiều hệ lụy nghiêm trọng, nhất là trong bối cảnh bệnh dịch hết sức phức tạp này. Việc bảo quản các mẫu bệnh phẩm không cẩn trọng sẽ phát tán virus ra ngoài, các cán bộ xét nghiệm sẽ là người lây nhiễm đầu tiên. Vậy nên, mỗi bệnh phẩm đều được xem xét cả về dịch tễ, triệu chứng để đối chiếu với kết quả xét nghiệm, tuyệt đối không để lọt âm tính giả.

Công tác xét nghiệm đòi hỏi sự chính xác, cẩn thận và kỹ lưỡng để có kết quả chính xác nhất.

Việc xử lí mẫu được tiến hành trong phòng an toàn thí nghiệm cấp độ III để đảm bảo các tác nhân mới nổi nguy hiểm như SARS-CoV-2 không phát tán ra bên ngoài. Các cán bộ phòng thí nghiệm đều phải là người có kinh nghiệm, được đào tạo kĩ càng về những tiêu chuẩn kĩ thuật và áp suất không khí đặc biệt, được trang bị đầy đủ các phương tiện phòng hộ cá nhân,... giúp cho họ phần nào yên tâm khi tiếp xúc với tác nhân mới này.

Trong các giai đoạn đầu tiên, các đơn vị khác chưa đủ khả năng xét nghiệm SARS-CoV-2, tất cả các mẫu từ 28 tỉnh phía Bắc đều gửi về Viện Vệ sinh Dịch tễ trung ương. Áp lực về thời gian phải trả lời kết quả sớm là vô cùng căng thẳng. Bởi khi có kết quả xét nghiệm, nếu phát hiện trường hợp dương tính với SARS-CoV-2, bệnh nhân sẽ nhanh chóng được tiếp tục theo dõi, cách ly, điều trị kịp thời, tránh lây lan, góp phần quan trọng trong công tác phòng, chống dịch bệnh.

Ca bệnh thứ 17 xuất hiện, cả nước chính thức bước vào giai đoạn II của cuộc chiến phòng, chống COVID-19. Số lượng mẫu nhiều hơn, dồn dập hơn cũng khiến công tác xét nghiệm căng thẳng hơn rất nhiều. Song song với thực hiện công tác xét nghiệm, Viện Vệ sinh Dịch tễ Trung ương đã tổ chức rất nhiều các lớp tập huấn cho các cán bộ y tế tại hệ thống xét nghiệm ở bệnh viện và các trung tâm kiểm soát bệnh tật các tỉnh, có thể phát hiện SARS-CoV-2. Tính đến nay có 31 đơn vị ở phía Bắc đã được đánh giá xét nghiệm, đủ điều kiện thực hiện xét nghiệm SARS-CoV-2, giảm tải rất nhiều cho phòng thí nghiệm ở Viện. Đây cũng là cơ hội để tăng cường năng lực xét nghiệm tuyến tỉnh.

Ổ dịch Bạch Mai bùng phát, để ngăn chặn COVID-19 lây ra cộng đồng, bảo vệ sức khỏe của người dân và cán bộ y tế, ngoài việc tiếp tục thực hiện xét nghiệm mẫu như bình thường, Viện Vệ sinh Dịch tễ Trung ương đã kết hợp với Bệnh viện Đại học Y Hà Nội hỗ trợ bệnh viện Bạch Mai, tổ chức lấy mẫu và xét nghiệm cho tất cả người đang có mặt tại bệnh viện. Được biết, Viện Vệ sinh Dịch tễ đã chia sẻ được khoảng 1700 mẫu xét nghiệm với mong muốn nhanh chóng dập ổ dịch Bạch Mai.

Lặng thầm, cần mẫn “bắt” SARS-CoV-2

Trong lúc cao điểm của dịch bệnh, ngoài nhiệm vụ cấp thiết xét nghiệm chẩn đoán trả kết quả trong 24 giờ theo bộ mồi đặc hiệu thì Viện phải bắt tay ngay vào nghiên cứu phân lập virus COVID-19. Chủng mới của virus corona có sức lây lan nhanh chóng, gây hoang mang trên toàn thế giới nên nếu các nhà khoa học Viện Vệ sinh Dịch tễ Trung ương nuôi cấy và phân lập SARS-CoV-2 thành công sẽ giúp phần nào giải tỏa nỗi lo lắng ấy.

Quá trình nuôi cấy và phân lập diễn ra nhanh chóng và đầy nguy hiểm. Để nuôi cấy, nhóm nghiên cứu lựa chọn mẫu bệnh phẩm dương tính với COVID-19 và nuôi cấy trên 2 mẫu tế bào được cung cấp bởi phòng thí nghiệm Hữu nghị của trường Đại học Nagasaki (Nhật Bản). Sau khi gây nhiễm, tế bào gây nhiễm được theo dõi hàng ngày bằng kính hiển vi và xác định sự có mặt của virus bằng phương pháp realtime RT-PRC. Cuối cùng, các nhà khoa học Viện Vệ sinh Dịch tễ Trung ương thông báo đã nuôi cấy và phân lập thành công virus trong phòng thí nghiệm, đưa Việt Nam trở thành 1 trong 4 quốc gia phân lập thành công virus này.

Đây là tiền đề để Việt Nam giải mã nguồn gốc của virus mới, độc lực, cơ chế gây bệnh, khả năng xâm nhập, tính sinh miễn dịch; tạo điều kiện cho việc sản xuất test xét nghiệm nhanh cho các trường hợp nhiễm và nghi nhiễm virus SARS-CoV-2; nâng khả năng xét nghiệm hàng nghìn mẫu bệnh phẩm mỗi ngày trong trường hợp cần thiết.

Trong quá trình điều trị cho bệnh nhân mắc COVID-19, có những bệnh nhân dương tính trở lại. Trên thực tế,xét nghiệm bằng kỹ thuật Real Time-PCR là lấy một đoạn mồi đặc hiệu phát hiện các đoạn gen đặc trưng của virus SARS-CoV-2. Xét nghiệm này phát hiện mật mã di truyền của con vius chứ không phải phát hiện toàn bộ con virus.

Nếu muốn xét nghiệm toàn bộ, muốn khẳng định ở bệnh nhân tái dương tính virus còn hoạt động hay không, phải nuôi cấy con virus này. Ngay lập tức, Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương nhận nhiệm vụ thực hiện tiến hành nuôi cấy virus SARS-CoV-2, từ đó sớm có thể lý giải vì sao có những trường hợp dương tính trở lại sau khi được công bố điều trị khỏi.

Các kết quả nuôi cấy cho thấy các trường hợp tái dương tính không phải người lành mang trùng. Bởi ở người lành mang trùng, virus SARS-CoV-2 phải sống, nhưng kết quả nuôi cấy virus này cho thấy ca tái dương tính không mang virus sống, chỉ mang mảnh xác của virus SARS-CoV-2.

Nguyên Phó chủ tịch nước Nguyễn Thị Doan cùng Đại diện Viện VSDT TW và cá nhân tại lễ trao giải thưởng ngày 19-5-2020.

Chính vì vậy, tập thể khoa học nữ Phòng Thí nghiệm Cúm, Khoa Virus, Viện Vệ sinh Dịch tễ Trung ương, Bộ Y tế đã được lựa chọn để trao Giải thưởng Kovalevskaia năm 2019 với các nghiên cứu nhằm giảm gánh nặng của bệnh cúm, góp phần bảo vệ sức khỏe cộng đồng. Tại buổi trao giải, bà Nguyễn Thị Doan - Nguyên phó chủ tịch nước - Chủ tịch Ủy ban Giải thưởng Kovalevskaia Việt Nam nhận định: Việc nuôi cấy và phân lập thành công virus SARS-CoV-2 đã đạt nhiều kết quả tốt, được cả thế giới ghi nhận. Các nữ khoa học hôm nay đã gieo mầm trong vườn ươm tài năng khoa học nữ của Việt Nam, thôi thúc sự quyết tâm trong mỗi người, học tập, nghiên cứu, cống hiến cho xã hội, đem lại một Việt Nam tươi đẹp hơn”.

Không ngừng nghiên cứu và học hỏi, đến nay, Viện Vệ sinh Dịch tễ Trung ương ứng dụng nghiên cứu và phát triển thành công loại sinh phẩm chẩn đoán huyết thanh học được khuyến cáo sử dụng để phát hiện virus SARS-CoV-2 và hiện nay là nghiên cứu vắc-xin ngừa COVID-19. Bộ test ELISA xác định kháng thể kháng SARS-CoV-2 “made in Vietnam” thực sự là niềm tự hào của các nhà khoa học Việt Nam và là một “vũ khí” để chúng ta chủ động hơn trong cuộc chiến chống lại dịch bệnh COVID-19. Riêng với nghiên cứu vắc-xin ngừa COVID-19, tính đến thời điểm hiện tại, mẫu máu chuột đã được thử nghiệm vắc xin ngừa COVID-19 đang được xét nghiệm tại Viện và sớm có kết quả trong thời gian tới.

Có những sự hy sinh thầm lặng khắc sâu vào tâm khảm mỗi người. Trong cơn đại dịch nguy hiểm, khó khăn, lòng yêu nghề, tinh thần trách nhiệm đã vượt qua tất cả. Đội ngũ y bác sĩ và nhân viên y tế Viện Vệ sinh Dịch tễ Trung ương vẫn luôn sẵn sàng nhận nhiệm vụ, cống hiến vì sức khỏe cộng đồng, vì niềm tin đẩy lùi dịch bệnh.

Phạm Huyền

Nguồn SK&ĐS: https://suckhoedoisong.vn/nhung-chien-si-tham-lang-noi-dau-song-n174857.html