Nhớ những ngày hòa bình đầu tiên

Sau này, khi nghe đi nghe lại ca khúc 'Mùa xuân đầu tiên' của Văn Cao qua những giọng hát khác nhau, tôi càng cảm phục nhà thơ - nhạc sĩ thiên tài này. Văn Cao có lẽ vào những ngày hòa bình đầu tiên chưa có mặt ở Sài Gòn, nhưng ông đã cảm nhận thật tinh tế và đầy xúc cảm về những ngày hòa bình đầu tiên mà một người hồn nhiên như tôi được trực tiếp chứng kiến.

Đó là những ngày chỉ diễn ra một lần. Những ngày đó, sau phút bỡ ngỡ ban đầu trôi qua rất nhanh, người Sài Gòn đã có khoảng thời gian được sống với tất cả sự hồn nhiên của mình. Hòa bình đã mang lại sự hồn nhiên tái sinh ấy cho tất cả mọi người.

Vui đón hòa bình

Tôi rất ngạc nhiên và tự hỏi: Vì sao người Sài Gòn hồn nhiên như thế? Họ rất vui vì hòa bình đã hiện diện trên đường phố. Những “đám rước” ở các đường phố Sài Gòn năm 1975 là những “đám rước hòa bình”, mừng hòa bình. Mừng cuộc sống sẽ yên ổn. Họ ùa cả ra đường và tham gia rất nhiều hoạt động, nửa tuyên truyền, nửa vui chơi trên đường phố. Lần đầu tiên tôi chứng kiến những màn dân vũ tập thể trên đường phố, náo nức và thân ái làm sao! Những hoạt động mừng hòa bình ấy thu hút tất cả mọi người cùng tham gia, kể cả chúng tôi, vì nó tươi vui một cách bình đẳng, bình dị.

Sau 47 năm giải phóng, TP.Hồ Chí Minh phát triển sầm uất, hiện đại bậc nhất cả nước. Ảnh: TL

Tôi còn nhớ, một buổi sáng tháng 5/1975, mấy anh em binh vận chúng tôi đi dạo phố, ngược đường với chúng tôi là mấy ông nguyên sĩ quan cao cấp quân đội Sài Gòn. Biết chúng tôi là Việt Cộng, họ đã hồn nhiên hỏi địa chỉ những trạm khai báo nhân thân. Chúng tôi đã vui vẻ chỉ đường cho họ tới các trạm khai báo, như những người đã thuộc đường thuộc lối trong thành phố. Dù thực ra, do ở binh vận nên chúng tôi biết các trạm hướng dẫn ấy, chứ chúng tôi đâu đã thuộc đường Sài Gòn. Những hành động nhỏ bé nhưng thân mật này khiến tôi cảm thấy rất vui. Sài Gòn là của người Việt Nam và mọi người đi lại tự do trong thành phố của mình.

Những ngày tháng Năm ấy, cứ như ai cũng có thể thân mến nhau, ai cũng có thể chia sẻ với nhau. Một lần chúng tôi đi mua sách trên phố Lê Lợi, hai anh em chúng tôi mặc quân phục giải phóng đã lọt vào tầm mắt quan sát của mấy anh trí thức Sài Gòn ngồi uống cà phê vỉa hè. Họ im lặng quan sát chúng tôi chọn lựa mua sách, sau đó ra gặp, giúp chúng tôi gói buộc sách, nhưng tôi biết, mục đích chính là các anh muốn đọc những tên sách mà chúng tôi chọn mua. Họ đã rất ngạc nhiên, khi chúng tôi toàn mua sách “lớn”, đa số là sách dịch, của những tác giả nổi tiếng trên thế giới.

“Các anh cũng đọc những sách này à?”, họ ngạc nhiên hỏi. Và khi chúng tôi vui vẻ trả lời là một số cuốn sách của những tác giả này chúng tôi đã đọc trên... rừng, còn nhiều cuốn chúng tôi chưa được đọc nên chọn mua. Tự nhiên, những người mê sách từ chiến khu và những người ham đọc sách trong Sài Gòn đã hồn nhiên gặp nhau. Họ mời chúng tôi uống cà phê, cho chúng tôi địa chỉ nhà riêng, mời quá bộ đến chơi và uống rượu. Chúng tôi vui vẻ nhận lời, khi biết họ là những giáo viên, những luật sư, những nhà báo, có cả cựu sĩ quan quân đội Sài Gòn... Sách đã kéo chúng tôi lại gần nhau và chúng tôi cảm giác như đã quen biết nhau từ lâu rồi. Mấy ngày sau, hai anh em chúng tôi được một chú em sinh viên Đại học Vạn Hạnh dẫn đường tới nhà những người bạn mới để uống rượu và trò chuyện. Sài Gòn tháng 5/1975 là như vậy đó!

Chung một ký ức

Bây giờ, tôi vẫn cảm thấy bồi hồi khi nhớ lại những lần được giao tiếp, được nâng cốc bia mát lạnh với những người lao động trong thành phố Sài Gòn. Những ngày đó, tôi gần như không ăn cơm “nhà” (là cơm cơ quan, do người Hoa ở quận 5 nấu rất ngon và mang tới ngày hai bữa), mà cứ gặp đâu ăn đó, có cảm giác người dân nội thành Sài Gòn đều là người thân quen của mình, đều vui vẻ đón tiếp mình. Bạn phải được sống trong sự chân tình ấy mới biết trân quý nó, nhất là khi nó diễn ra sau 21 năm hai miền Nam - Bắc xa cách nhau, với cuộc chiến tranh mà người dân cả hai miền phải gánh chịu đau thương, mất mát.

Những đêm tối trời năm 1972, lúc đang ở gần sát lộ Bốn Mỹ Tho, tôi vẫn nhìn về hướng ánh đèn điện chiếu sáng một vùng trời: Sài Gòn đó! Lại nhớ, nhà thơ đàn anh Lê Anh Xuân chắc cũng từng ngồi ở địa hình Long An nhìn về ánh sáng từ đô thành Sài Gòn: “Cái vầng sáng bồn chồn thương nhớ đó/ Cứ đêm đêm nức nở gọi ta về” (Mùa xuân Sài Gòn, mùa xuân chiến thắng).

Là người Sài Gòn, tôi biết Lê Anh Xuân đã nhớ thương thành phố của mình đến thế nào. Và anh đã ngã xuống ở một căn hầm bí mật tại Long An, nơi chỉ cách Sài Gòn hơn 20km, vào đợt 2 hay đợt 3 của chiến dịch Mậu Thân.

Đường phố ở TP.Quảng Ngãi rực rỡ cờ hoa trong những ngày lễ lớn. Ảnh: PV

Mỗi con người đều có kho ký ức của riêng mình. Nhưng tôi nghĩ, vào tháng 5/1975, những ai có mặt ở Sài Gòn đều có chung ký ức về những ngày hòa bình đầu tiên. Đã có những đứa trẻ được sinh ra vào tháng Năm thương nhớ ấy, hay sinh trước hoặc sau cột mốc thời gian ấy không quá xa: “Cậu ôm cháu cậu hôn tha thiết/Từ hôm nay con vĩnh viễn Hòa Bình/ Vĩnh viễn là tên con/Trên đất này những hố bom và chiến hào đang khép lại” (Ghi trên đường số Một-Thanh Thảo). Nhiều đứa trẻ sinh trong thời gian đáng nhớ ấy đều mang tên Hòa Bình, như tên một em bé tôi đã viết trong bài thơ.

Những bạn bè, đồng đội cùng tôi trải qua những ngày tháng Năm không thể nào quên, chúng tôi như cùng chung một ký ức: Ký ức của những ngày hòa bình đầu tiên!r

THANH THẢO

Nguồn Quảng Ngãi: http://baoquangngai.vn/channel/2022/202204/nho-nhung-ngay-hoa-binh-dau-tien-3113964/