Nhớ mùa sim chín

Quả thực cầm cuốn sách “Nhớ mùa sim chín” của nhà văn Nguyễn Quang Lập (Nhà xuất bản Kim Đồng), tôi cứ nhớ đến ký ức mùa hè tuổi thơ miền núi đồi của mình. Nơi đó chập chùng những bụi sim lá bạc như thiếc, mùa hè về từng chùm quả tím chín mọng ngọt ngào đem lại cho mọi người, trong đó có tuổi thơ phút giây đầy cảm nhớ yêu thương về thiên nhiên.

“Nhớ mùa sim chín” là tập tạp văn với bút pháp rất tự nhiên, ngôn ngữ hóm hỉnh vừa vui vừa buồn đặc chất Quảng Bình - quê hương của tác giả Nguyễn Quang Lập. Có thể nói, gần 35 câu chuyện nhỏ với đủ dạng ở quê hương cho đến nơi tác giả đến, những chuyện thực, chuyện hư, chuyện đùa, chuyện buồn, chuyện đắng cay đều được tác giả kể. Nguyễn Quang Lập không cố ý viết “hạ tông” cho trẻ em nhưng vô tình sự hồn nhiên trong sáng trong hành văn mà tập sách thực sự dành cho các bạn nhỏ tuổi mới lớn đến người lớn đều có thể đọc được. Chúng ta có thể trải qua “Tết miền thơ ấu”, “Nhớ mùa sim chín”, “Đèn ông sao”, “Bánh Trung thu”, “Xóm nhỏ”… Phần lớn câu chuyện tác giả kể đều là ký ức thời xa xưa trong chiến tranh chống Mỹ với bao khó khăn gian khổ nhưng vẫn tràn ngập yêu thương ngộ nghĩnh của tuổi thơ.

Ta hãy nghe tác giả bộc bạch về tập sách của mình: “Với lối khẩu văn, tôi không làm văn nữa mà cố gắng tạo cảm giác như độc giả đang được nghe kể một câu chuyện. Cảm giác được cả không khí - giọng điệu lẫn cảm xúc của người kể. Lời văn của tôi được sử dụng như lát cắt giúp đi thẳng vào tính cách nhân vật. Loại bỏ lối kể lể, diễn đạt tâm trạng, cảm xúc. Bất chấp thể loại văn chương. Khởi đầu tôi cũng hoang mang lắm chẳng biết có đúng không? Và tôi mừng vì đa phần họ đều rất thích thú”.

Nhà văn Nguyễn Hoài Nguyên nhận xét về văn phong của Nguyễn Quang Lập: “Qua lời viết như lời kể bằng miệng với những từ ngữ khẩu ngữ thô ráp, những yếu tố địa phương rặt phương ngữ Quảng Bình, vùng phương ngữ Bắc Trung Bộ, thỉnh thoảng lại văng ra những từ thông tục ngổn ngang, bò, chạy, sấp ngửa nhưng lại níu mắt người đọc: Câu văn tuồng như lời nói hàng ngày với những trùng điệp lời dẫn thoại, lời thoại, người thoại… tất cả định hình một lối khẩu văn Nguyễn Quang Lập. Đó cũng chính là đặc điểm nổi trội của một hình thức văn xuôi mới lạ hấp dẫn của tác giả”.

DƯƠNG MY ANH

Nguồn Khánh Hòa: http://www.baokhanhhoa.vn/van-hoa/202311/nho-mua-sim-chin-4152e8d/