Nhiều ý kiến tâm huyết đóng góp vào dự thảo Luật Biên phòng Việt Nam

Vấn đề nhà tạm giữ tại đồn Biên phòng; kinh phí cho hoạt động tham gia bảo vệ biên giới của địa phương; chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của BĐBP nên ghi chi tiết, cụ thể vào dự thảo Luật Biên phòng Việt Nam (BPVN)..., đó là những ý kiến, kiến nghị của các cơ quan, ban, ngành và nhân dân địa phương trong 2 ngày tổ chức khảo sát thực tế tại tỉnh Thừa Thiên Huế phục vụ xây dựng Luật BPVN.

Đại tá Hoàng Hữu Chiến, Phó Tham mưu trưởng BĐBP chủ trì đoàn khảo sát thực tế tại tỉnh Thừa Thiên Huế phục vụ xây dựng Luật Biên phòng Việt Nam. Ảnh: Lê Văn Chương

Đại tá Hoàng Hữu Chiến, Phó Tham mưu trưởng BĐBP chủ trì đoàn khảo sát thực tế tại tỉnh Thừa Thiên Huế phục vụ xây dựng Luật Biên phòng Việt Nam. Ảnh: Lê Văn Chương

Tại Đồn Biên phòng cửa khẩu cảng Chân Mây, đoàn đã nhận được nhiều ý kiến thảo luận sôi nổi, trong đó, ông Hồ Trọng Cầu, Phó Chủ tịch UBND huyện Phú Lộc, tỉnh Thừa Thiên Huế nhấn mạnh: Dự thảo Luật BPVN quy định tương đối đầy đủ về chức năng, nhiệm vụ của BĐBP, nhưng theo tôi, cần nêu chi tiết, cụ thể hơn nữa. Qua trực tiếp chỉ đạo, điều hành công tác ở địa phương, chúng tôi đánh giá cao vai trò của BĐBP đã phát huy đầy đủ chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn được giao, bảo vệ vững chắc chủ quyền, an ninh biên giới quốc gia và tham mưu cho cấp ủy Đảng, chính quyền địa phương phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội.

Theo ông Hồ Trọng Cầu, hiện nay có những vụ việc xảy ra ở xã biên giới do Công an chính quy tăng cường giải quyết, trong khi chủ trì phối hợp các ngành, địa phương trong hoạt động quản lý, bảo vệ biên giới quốc gia và duy trì giữ gìn an ninh trật tự ở khu vực biên giới trên đất liền, các hải đảo, vùng biển và các cửa khẩu là lực lượng BĐBP. Như vậy, cần phải phân định rõ chức năng, quyền hạn của Công an và BĐBP ở địa bàn biên giới, hải đảo.

Ông Lê Khắc Hậu, Phó Cục trưởng Cục Kiểm lâm huyện Phú Lộc cho biết, trong thời gian qua, giữa lực lượng Kiểm lâm và BĐBP có sự phối hợp rất chặt chẽ, nhất là khu vực giáp ranh giữa tỉnh Thừa Thiên Huế với TP Đà Nẵng. Thực trạng hiện nay, lực lượng Kiểm lâm quá mỏng, toàn huyện Phú Lộc chỉ có 17 cán bộ, nên phần lớn các vụ việc đều nhờ BĐBP trợ giúp. Ông Hậu cũng đề nghị, trong thời gian tới, cần có quy định cụ thể về công tác phối hợp giữa hai lực lượng.

Ông Đinh Văn Bảo, Viện trưởng Viện Kiểm sát nhân dân huyện A Lưới phát biểu: Trong thời gian qua, các đồn Biên phòng trên tuyến biên giới của huyện A Lưới khi tiến hành các hoạt động tố tụng theo chức năng, nhiệm vụ được giao thì cơ bản hoàn thành tốt. Cụ thể, hồ sơ chuyển qua Viện Kiểm sát được thực hiện chặt chẽ, đầy đủ, đúng trình tự thủ tục tố tụng. Vì vậy, khi kết thúc thời hạn điều tra theo thẩm quyền và chuyển giao hồ sơ cho cơ quan Công an thì việc ra quyết định truy tố được tiến hành nhanh, đảm bảo, việc định tội danh rất rõ ràng. Tuy nhiên, trong thực tiễn hiện nay, BĐBP là cơ quan được giao tiến hành một số hoạt động điều tra nhưng lại không có nhà tạm giữ, trong khi một số đồn Biên phòng nằm xa trung tâm huyện, đi lại khó khăn.

Thượng tá Lê Thanh Cao, Phó Trưởng Công an huyện Phú Lộc chia sẻ quan điểm: Tôi hoàn toàn nhất trí với dự thảo Luật BPVN, vì bộ luật này sẽ tạo ra hành lang pháp lý để các lực lượng phối hợp hoàn thành tốt nhiệm vụ. Tuy nhiên, ngành pháp chế cần nghiên cứu trong quá trình xây dựng luật để tránh trùng lặp chức năng, nhiệm vụ giữa các ngành, các cấp liên quan, nhất là giữa lực lượng Công an và BĐBP. Trong thời gian qua, công tác phối hợp giữa Công an và BĐBP trên địa bàn thực hiện tốt, không có gì bất cập. Hai lực lượng đã phát huy hiệu quả trong công tác đấu tranh phòng, chống tội phạm, phòng chống cháy rừng, tuyên truyền pháp luật. Tuy nhiên, công tác trao đổi thông tin, tình hình chưa được duy trì thường xuyên, liên tục.

Đại tá Hoàng Hữu Chiến, Phó Tham mưu trưởng BĐBP, chủ trì đoàn khảo sát cũng đưa ra quan điểm về việc xảy ra một vụ việc trên địa bàn Biên phòng, để giải quyết vụ việc đó thuộc thẩm quyền của cả BĐBP và Công an, trong khi lực lượng Công an đã thực hiện đề án đưa Công an chính quy về địa bàn Biên phòng. Thực tiễn đó gây khó khăn cho cả hai bên trong công tác chỉ đạo. Để thực hiện tốt nhiệm vụ, tránh chồng chéo thì Giám đốc Công an và Chỉ huy trưởng BĐBP ở các tỉnh, thành phố cần có sự phối hợp chặt chẽ.

Trong 2 ngày 2 và 3-10, Đoàn khảo sát xây dựng Luật BPVN do Đại tá Hoàng Hữu Chiến, Phó Tham mưu trưởng BĐBP làm trưởng đoàn đã đi khảo sát lấy ý kiến các cơ quan, ban, ngành và nhân dân tỉnh Thừa Thiên Huế, tập trung tại 2 địa điểm: Đồn Biên phòng cửa khẩu A Đớt và Đồn Biên phòng cửa khẩu cảng Chân Mây (BĐBP Thừa Thiên Huế). Tại 2 điểm khảo sát nói trên, có tổng cộng 24 ý kiến đóng góp. Các ý kiến đều có một điểm chung là đề nghị Quốc hội sớm xem xét và thông qua Luật BPVN.

Ông Nguyễn Hùng, Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch HĐND xã Hương Phong, huyện Hương Trà phát biểu ý kiến: Thực hiện Chỉ thị 01/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ “về việc tổ chức phong trào toàn dân tham gia bảo vệ chủ quyền lãnh thổ, an ninh biên giới quốc gia trong tình hình mới”, bà con phối hợp với BĐBP đi tuần tra cột mốc, có nơi cách 10 đến 15km, đi cả ngày đường nhưng không có kinh phí hỗ trợ. Ông đề nghị bổ sung vào dự thảo Luật BPVN các qui định về phụ cấp, trợ cấp cho người dân tham gia bảo vệ chủ quyền, an ninh biên giới như Nghị định số 116/2010/NĐ-CP của Chính phủ về chính sách đối với công chức, viên chức, lực lượng vũ trang công tác ở vùng có điều kiện kinh tế, xã hội đặc biệt khó khăn.

Ông Trương Quý Toàn, Chi cục trưởng Chi cục Hải quan cảng Chân Mây có ý kiến: Luật BPVN tránh giao thoa chức năng, nhiệm vụ giữa các lực lượng; khi có vụ việc xảy ra thì phải phân định rõ ai chủ trì; việc chồng chéo chức năng, nhiệm vụ đôi khi xuất phát từ nhận thức của cán bộ thực thi pháp luật...

Ngoài ra, nhiều ý kiến khác của chính quyền, người dân địa phương và BĐBP đề nghị giao cho đồn Biên phòng xử lý việc cấp giấy Giấy Chứng minh thư biên giới, giấy thông hành. Nếu giao việc này cho Công an tỉnh sẽ gây bất tiện cho nhân dân vì phải đi lại xa xôi.

Lê Văn Chương

Nguồn Biên Phòng: http://bienphong.com.vn/nhieu-y-kien-tam-huyet-dong-gop-vao-du-thao-luat-bien-phong-viet-nam/