Nhiều sáng kiến an toàn giao thông có tính ứng dụng cao

Chiều 9/11, tại Trường Đại học Quốc tế Hồng Bàng (TPHCM), Cục CSGT, Bộ Công an phối hợp cùng báo Điện tử Dân trí và Công ty Ô tô Toyota Việt Nam tổ chức Lễ tổng kết hai năm thực hiện Chương trình Sáng kiến An toàn giao thông Việt Nam năm 2022-2023.

Lễ tổng kết có sự tham dự của lãnh đạo Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, Cục Cảnh sát giao thông, Ủy Ban An toàn Giao thông Quốc gia...

Theo Ban tổ chức, với những kết quả tích cực đã đạt được ở mùa giải đầu tiên, năm 2023 Chương trình Sáng kiến An toàn giao thông Việt Nam phát động ở quy mô toàn quốc và kéo dài hơn 6 tháng, hơn 1.000 bài dự thi đã cho thấy sức hút của cuộc thi và các vấn đề bức thiết về giao thông luôn được nhiều tầng lớp trong xã hội đặc biệt quan tâm. Năm 2023, cuộc thi có hai hạng mục dự thi chính là "Sáng kiến an toàn giao thông" và "Sáng kiến công nghệ về an toàn giao thông". Ở vòng chung khảo bình chọn trực tuyến, các tác phẩm dự thi cũng thu hút hơn 10.000 lượt bình chọn. Năm nay, tổng giá trị giải thưởng của cuộc thi lên đến 312 triệu đồng.

Đánh giá về các sáng kiến, Thứ trưởng Bộ LĐ-TB&XH Nguyễn Văn Hồi cho biết, những sáng kiến từ cuộc thi Sáng kiến An toàn giao thông Việt Nam có tính ứng dụng cao, nhiều công trình đã triển khai mang lại kết quả thiết thực, giải quyết thực trạng bất cập về giao thông đường bộ tại Việt Nam.

Phát biểu tại Lễ tổng kết 2 năm Chương trình Sáng kiến An toàn giao thông Việt Nam năm 2022 - 2023, Thiếu tướng Lê Xuân Đức, Phó Cục trưởng Cục CSGT (Bộ Công an) cho biết năm 2022 là năm đầu tiên triển khai chương trình được người dân đánh giá cao với cách làm mới mẻ, sáng tạo với hơn 200 sáng kiến ý tưởng giải pháp công nghệ, nhiều giải pháp khả thi cao đưa giao thông Việt Nam toàn, hiện đại hơn.

Thiếu tướng Lê Xuân Đức, Phó Cục trưởng Cục CSGT (Bộ Công an).

"Trước mắt cuộc thi sáng kiến ATGT mùa 3 sẽ được phát động đầu năm 2024, tôi tin quy mô sẽ không dừng lại ở 1.400 bài mà rất lớn. Với lượng bài thi hơn 1.400 bài trong đó 20 bài được giải, 20 bài này chúng tôi đánh giá rất cao là áp dụng ngay vào thực tiễn được. Tôi mong muốn các trí tuệ này được đăng ký bản quyền để cơ quan tổ chức, cá nhân sử dụng phải trả phí, chúng ta có kinh phí cho khoa học đồng thời các giải pháp này được nghiên cứu thực tiễn….", Thiếu tướng Lê Xuân Đức, nhấn mạnh.

Tác giả Lê Thị Tú (đạt giải nhì) chia sẻ: "Hy vọng sản phẩm giúp cho mọi người, đặc biệt là HS-SV nâng cao ý thức về trách nhiệm đảm bảo ATGT".

Đại diện nhóm tác giả giải ba tác phẩm "Thiết bị cảm biến phát hiện người trong vị trí những điểm mù của xe tải lớn", bạn Nguyễn Thiện Nhân cho biết: "Em không ít lần rơi vào trường hợp điểm mù của xe tải vô tình bị ép phải chạy lên vỉa hè. Với bản thân chưa đủ kinh nghiệm để xử lý nên khi gặp tình huống đó tụi em không biết phải xử lý như thế nào khi rơi vào thế bị động".

Ý tưởng móc chìa khóa "Đã uống rượu bia thì không lái xe" đạt giải nhì.

Các sáng kiến đạt giải cao nhất, bao gồm:

- 1 giải Nhất: Giải pháp Cải tạo hồ điều hòa/công viên thành hồ đa năng, bền vững tại Việt Nam của nhóm nghiên cứu HAC (thuộc Ban quản lý dự án đầu tư xây dựng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch).

- 4 giải Nhì được trao cho các tác phẩm: Thiết kế trụ đảm bảo giao thông di động phục vụ công tác phân luồng, điều tiết giao thông tại các điểm giao cắt; Móc chìa khóa "Đã uống rượu bia thì không lái xe"; Giải pháp nâng cao kiến thức an toàn giao thông cho học sinh thông qua các trò chơi E-learning và tác phẩm Ứng dụng trí tuệ nhân tạo trong điều tiết giao thông và phát hiện đi ngược chiều.

- 5 giải Ba được trao cho các tác phẩm còn lại trong top 10, gồm Ứng dụng tự động báo vị trí xe máy khi bị tai nạn qua SMS trên hệ điều hành Android; Thiết bị cảm biến phát hiện người trong vị trí những điểm mù của xe tải lớn; Máy bay không người lái khảo sát và đảm bảo an toàn giao thông đường bộ, đường sắt; Giải pháp nâng cao hiệu quả cảnh báo giao thông tại khu vực ngã 3, ngã 4 có đèn tín hiệu tại các khu đô thị; Xử phạt bằng đào tạo và khen thưởng.

Thống kê của WHO, mỗi năm có 1,35 triệu người chết và 50 triệu người bị thương do tại nạn giao thông toàn thế giới. Không chỉ gây thiệt hại người và tài sản, còn ảnh hưởng sức khỏe môi trường an ninh và phát triển kinh tế xã hội các quốc gia và vùng lãnh thổ

Tại Việt Nam, những năm qua, sự lãnh đạo chỉ đạo quyết liệt của Bộ Công an, công tác đảm bảo TTATGT được chỉ đạo quyết liệt các cấp các ngành địa phương đã triển khai nhiều biện pháp giảm tai nạn nâng ý thức người tham gia giao thông, nhờ đó tình hình chuyển biến tích cực đạt nhiều kết quả khả quan tất cả lĩnh vực.

Tuy nhiên, công tác đảm bảo ATGT còn một số tồn tại hạn chế cần khắc phục cần tiếp tục có giải pháp tuyên truyền giáo dục TTATGT cho người dân, học sinh, sinh viên, nhất là các đối tượng có nguy cơ cao gây TNGT; tổ chức các chiến dịch tuần lễ ATGT, phổ biến quy định pháp luật qua phương tiện truyền thông kết hợp giáo dục pháp luật tại các cấp học. Tăng cường vai trò các tổ chức xã hội và cộng đồng trong giáo dục và tham gia đảm bảo ATGT.

Phạm Nguyễn

Nguồn Tiền Phong: https://tienphong.vn/nhieu-sang-kien-an-toan-giao-thong-co-tinh-ung-dung-cao-post1585619.tpo