Nhiều khó khăn trong điều tra, truy tố, xét xử các vụ án hình sự

Từ thực tiễn khảo sát trực tiếp tại các địa phương gần đây cho thấy, quá trình thực hiện Bộ luật Hình sự năm 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2017), Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015, Luật Tổ chức cơ quan điều tra hình sự năm 2015 và Luật Thi hành tạm giữ, tạm giam năm 2015 còn gặp không ít khó khăn, vướng mắc.

Một vấn đề bức xúc từ thực tiễn thi hành pháp luật được đại diện lãnh đạo các cơ quan, đơn vị tố tụng tại hai tỉnh Bắc Cạn và Thái Nguyên quan tâm là khó khăn trong việc chứng minh tính pháp lý trong thu thập tài liệu, chứng cứ là vi-đê-ô, tin nhắn facebook, gọi điện vi-đê-ô, hình ảnh qua tài khoản trên các trang mạng xã hội cũng như việc sử dụng những nội dung tài liệu trong quá trình điều tra, đấu tranh với các đối tượng có hành vi vi phạm pháp luật dạng này. Báo cáo tại buổi khảo sát của Ủy ban Tư pháp của Quốc hội mới đây, Đại tá Đặng Đức Đang, Phó Giám đốc Công an tỉnh Thái Nguyên cho biết: Khó khăn trong công tác thu thập chứng cứ đối với các loại tội phạm có phương thức, thủ đoạn mới, sử dụng công nghệ cao như đánh bạc qua mạng, lừa đảo chiếm đoạt tài sản qua điện thoại và qua các tài khoản trên mạng xã hội. Các đối tượng thường sử dụng số điện thoại và tài khoản ảo (sử dụng và xóa tài khoản, khóa số điện thoại ngay sau khi chiếm đoạt tài sản của người bị hại), gây khó khăn trong công tác thu thập tài liệu, chứng cứ chứng minh tội phạm. Quá trình thực hiện hành vi phạm tội, đối tượng có mặt ở nhiều điểm giao dịch khác nhau, quá trình xác minh mất rất nhiều thời gian, công sức, công tác điều tra bị kéo dài...

Chung quanh những thực thi các quy định trong Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015, lãnh đạo Công an tỉnh Thái Nguyên cho biết: Đối với những tin báo liên quan hành vi lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản, các đối tượng thường bỏ trốn không có mặt tại địa phương. Vì thế các tin báo này phải kéo dài, phải gia hạn giải quyết tin báo, một số tin báo phải ra quyết định tạm đình chỉ việc giải quyết do hết thời hạn xác minh vì không làm việc được với đối tượng. Lãnh đạo một số cơ quan cũng nêu kiến nghị: Ngày 1-2-2018, liên ngành tố tụng Trung ương đã có Thông tư liên tịch số 03/2018/TTLT- BCA-VKSNDTC- TANDTC- BQP hướng dẫn về trình tự, thủ tục thực hiện ghi âm hoặc ghi hình có âm thanh; sử dụng, bảo quản, lưu trữ kết quả ghi âm hoặc ghi hình có âm thanh trong quá trình điều tra, truy tố, xét xử... có hiệu lực thi hành từ ngày 18-3-2018. Đề nghị bộ, ngành chức năng tiếp tục hướng dẫn, có quy định cụ thể nơi có điều kiện để thực hiện theo quy định. Ở nhiều địa phương, hiện nay nhiều nơi chưa có phòng, phương tiện, thiết bị kỹ thuật để ghi âm, ghi hình có âm thanh; trong khi đó Viện KSND, TAND cùng cấp luôn đề nghị thực hiện quy trình này...

Làm việc với Đoàn công tác của Ủy ban Tư pháp của Quốc hội, đại diện các cơ quan tố tụng ở hai địa phương nêu trên đề nghị Bộ Công an, Viện KSND tối cao, TAND tối cao và các cơ quan hữu quan trong phạm vi thẩm quyền rà soát lại các văn bản hướng dẫn thi hành một số quy định của các bộ luật, luật quan trọng liên quan, qua đó kịp thời sửa đổi, bổ sung, tạo điều kiện thuận lợi cho các cơ quan tư pháp áp dụng, thi hành công tác điều tra, truy tố, xét xử. Cụ thể hơn, đề nghị cơ quan có thẩm quyền có văn bản hướng dẫn về việc thu thập, sử dụng các hình ảnh, vi-đê-ô, tài tiệu, chứng cứ thu thập được thông qua các thiết bị ghi hình, ca-mê-ra hành trình, từ các tài khoản trên mạng xã hội trong quá trình điều tra, đấu tranh với các đối tượng có hành vi vi phạm pháp luật. Điều đó góp phần tích cực đáp ứng yêu cầu thực tiễn hiện nay và thời gian tới về đấu tranh, phòng, chống tội phạm, trong đó có các loại tội phạm hình sự, bảo đảm trật tự và an toàn xã hội, vì sự bình yên của nhân dân.

THÁI TRUNG

Nguồn Nhân Dân: http://nhandan.com.vn/phapluat/thoi-su-phap-luat/item/37545202-nhieu-kho-khan-trong-dieu-tra-truy-to-xet-xu-cac-vu-an-hinh-su.html