Nhiều dự án chậm quyết toán
ĐBP - Thực hiện Chỉ thị số 27/CT-TTg ngày 27/12/2013 của Thủ tướng Chính phủ, chỉ đạo của Bộ Tài chính về tăng cường, đẩy mạnh công tác quyết toán vốn đầu tư các dự án hoàn thành sử dụng vốn Nhà nước, những năm qua UBND tỉnh đã chỉ đạo các cơ quan chức năng khẩn trương xử lý dứt điểm các dự án tồn đọng. Cơ quan tài chính các cấp đã chủ động bố trí thời gian, cán bộ để thực hiện công tác thẩm tra, trình phê duyệt quyết toán đảm bảo thời gian theo quy định, đồng thời tích cực đôn đốc, phối hợp giải quyết vướng mắc, hướng dẫn hoàn thiện hồ sơ đối với các chủ đầu tư, các ban quản lý dự án chuyên ngành, khu vực về công tác quyết toán dự án hoàn thành. Nhờ đó, năm 2020 toàn tỉnh đã thẩm tra, phê duyệt quyết toán 622/938 dự án, công trình, chiếm 91,5% số dự án, công trình đã gửi báo cáo quyết toán về cơ quan tài chính.

Công trình đường nội thôn xã Noong Hẹt (huyện Điện Biên) đã hoàn thành và đưa vào sử dụng, đang trong thời gian quyết toán dự án hoàn thành.
Hiện nay, toàn tỉnh vẫn còn 258 dự án, công trình hoàn thành chưa được chủ đầu tư lập và nộp báo cáo quyết toán về cơ quan tài chính (chiếm 27,5% tổng số dự án, công trình hoàn thành). Đặc biệt số dự án, công trình hoàn thành chậm nộp hồ sơ quyết toán trên 24 tháng chưa được giải quyết triệt để còn tồn đọng 48 dự án, công trình. Một số chủ đầu tư có số lượng dự án hoàn thành nhưng chưa nộp hồ sơ quyết toán như: Cấp tỉnh có 102 dự án, trong đó 22 dự án chậm lập hồ sơ quyết toán trên 24 tháng; huyện Mường Nhé có 64 dự án (22 dự án chậm lập hồ sơ quyết toán trên 24 tháng); huyện Nậm Pồ có 24 dự án; Điện Biên Đông có 24 dự án; huyện Điện Biên 10 dự án, huyện Tuần Giáo có 7 dự án... Việc chậm nộp báo cáo quyết toán dẫn đến tình trạng tồn đọng quyết toán các dự án hoàn thành, dễ gây thất lạc hồ sơ quyết toán, ảnh hưởng đến việc quản lý vốn nhà nước, gây nợ đọng xây dựng cơ bản kéo dài, không tất toán được tài khoản dự án, không hạch toán được tài sản tăng kịp thời, gây khó khăn cho công tác theo dõi, quản lý tài sản sau đầu tư.
Ông Nguyễn Hữu Khanh, Trưởng phòng Đầu tư (Sở Tài chính) cho biết: Đối với công tác lập quyết toán dự án hoàn thành, một số đơn vị được giao chủ đầu tư, đơn vị quản lý của các dự án hoàn thành chưa thực sự quan tâm tới công tác lập, nộp báo cáo quyết toán. Đối với các chủ đầu tư chậm nộp hồ sơ quyết toán trên 24 tháng chủ yếu do các dự án trải qua thời gian thực hiện dài, có sự thay đổi về cơ cấu tổ chức bộ máy, con người; công tác lưu trữ tài liệu, hồ sơ chưa khoa học dẫn đến thất lạc hồ sơ, khả năng phục hồi thấp đặc biệt là đối với các dự án hoàn thành từ năm 2014 trở về trước. Một số dự án hoàn thành đưa vào khai thác, sử dụng nhưng trong quá trình thi công do chính sách, chế độ, giá cả thay đổi, các chủ đầu tư phải thực hiện điều chỉnh dự toán, trình phê duyệt điều chỉnh quy mô, tổng mức đầu tư nên chưa lập, nộp báo cáo quyết toán. Bên cạnh đó, chế tài xử lý trách nhiệm của các chủ đầu tư, đơn vị quản lý dự án vi phạm thời gian nộp hồ sơ quyết toán chưa kiên quyết, kịp thời và chưa đủ sức răn đe. Đối với công tác thẩm tra, phê duyệt quyết toán dự án hoàn thành, một số chủ đầu tư chưa tích cực phối hợp với cơ quan tài chính các cấp dẫn đến mất nhiều thời gian hoàn thiện hồ sơ, thống nhất kết quả thẩm tra, trình phê duyệt quyết toán.
Để giải quyết tình trạng chậm lập và nộp báo cáo quyết toán các dự án hoàn thành sử dụng vốn Nhà nước; đồng thời nâng cao hiệu quả công tác quyết toán các dự án hoàn thành, Sở Tài chính đã có nhiều văn bản tham mưu cho UBND tỉnh chỉ đạo, yêu cầu các đơn vị chủ đầu tư giải quyết dứt điểm công tác quyết toán đối với các dự án hoàn thành chậm trên 24 tháng, nhất là các dự án đã hoàn thành từ năm 2014 trở về trước. Đề nghị các chủ đầu tư, ban quản lý dự án tích cực kiểm tra, rà soát các dự án đã hoàn thành sử dụng vốn Nhà nước nhưng chưa thực hiện phê duyệt quyết toán khẩn trương hoàn thành các thủ tục, hồ sơ pháp lý dự án, lập và nộp báo cáo quyết toán về cơ quan tài chính để thẩm tra, phê duyệt quyết toán theo quy định.
Đối với các công trình, dự án do cấp huyện quản lý, công tác quyết toán dự án hoàn thành chậm nguyên nhân chính là do năng lực quản lý, điều hành dự án cấp xã còn nhiều hạn chế. Cán bộ kế toán, kỹ thuật thuộc UBND cấp xã yếu về năng lực, thiếu về kinh nghiệm nên công tác lập báo cáo quyết toán và gửi hồ sơ đến cơ quan thẩm tra quyết toán sau khi dự án hoàn thành, đưa vào sử dụng còn chậm. Đơn cử như huyện Tủa Chùa, có 38/39 dự án hoàn thành chậm quyết toán là do UBND cấp xã làm chủ đầu tư.
Ông Trần Văn Sơn, Trưởng phòng Tài chính - Kế hoạch huyện Tủa Chùa cho biết: Đối với các chủ đầu tư có năng lực yếu, phòng sẽ cử cán bộ xuống hỗ trợ. Đồng thời tham mưu UBND huyện đưa nội dung quyết toán dự án hoàn thành vào công tác thi đua khen thưởng cuối năm, xem xét xử lý đối với những chủ đầu tư vi phạm. Có như vậy, các chủ đầu tư mới có trách nhiệm, tiến độ thực hiện công tác quyết toán dự án hoàn thành mới được đẩy nhanh, đảm bảo đúng kế hoạch đề ra.