Nhiễm trùng uốn ván vì bị dằm tre cắm vào tay

Bị dằm tre mục cắm vào tay bệnh nhân chủ quan không kiểm tra vết thương mà vẫn sinh hoạt bình thường đến khi bị cứng hàm, khó há miệng… vì bị nhiễm trùng uốn ván.

Vừa qua, khoa Truyền nhiễm Bệnh viện Đa khoa Đức Giang vừa tiếp nhận một bệnh nhân tên B.V.M, 52 tuổi, ở Hà Nội nhập viện vì nhiễm trùng uốn ván,.

Bệnh nhân nhập viện trong tình trạng tỉnh, tiếp xúc tốt, nói khó, vết thương bàn tay phải kích thước 1cm x 1cm, đau sưng nề, chảy mủ, hàm há 2cm. Dấu hiệu đè lưỡi tăng, tăng trương lực cơ nhẹ cổ, lưng, bụng, chưa có cơn giật... Sau khi thăm khám, bệnh nhân được bác sĩ chẩn đoán uốn ván toàn thể giai đoạn khởi phát.

Bàn tay bệnh nhân bị dằm tre cắm vào. Ảnh: Bệnh viện cung cấp.

Được biết, trước khi vào viện 10 ngày, bệnh nhân M bị một dằm cây tre mục đâm vào lòng bàn thay phải. Thấy vết thương nhỏ nên bệnh nhân chủ quan, chỉ uống kháng sinh khi thấy vết thương đau và sung nề. Sau khi tình trạng bệnh ngày càng nguy kịch, gia đình mới đưa bệnh nhân nhập viện cấp cứu.

Hiện tại, sau điều trị 10 ngày điều trị tích cực, bệnh nhân tỉnh táo, không sốt, miệng há 3cm, không có cơn giật. Theo các bác sĩ, phương pháp điều trị tiếp theo cho bệnh nhân là đảm bảo yên tĩnh và tránh các kích thích cho người bệnh. Dùng kháng sinh tiêu diệt trực khuẩn uốn ván. Khống chế co cứng cơ, co giật và các rối loạn thần kinh thực vật. Duy trì chức năng sống bằng các điều trị hỗ trợ (hô hấp, tuần hoàn, loét, stress, dinh dưỡng…).

Bác sĩ Lê Xuân Sơn – Trưởng khoa Truyền nhiễm Bệnh viện cho hay: Tính từ tháng 3/2017 đến tháng 7/2018 đã có 3 trường hợp bệnh nhân mắc uốn ván được điều trị tại khoa. Với bệnh uốn ván, thời gian điều trị kéo dài, diễn biến bệnh phức tạp nên tiên lượng tử vong thường cao.

Theo các chuyên gia y tế, bệnh uốn ván gây ra bởi Vi khuẩn uốn ván, đây là một Trực khuẩn gram dương kị khí sinh nha bào. Vi khuẩn tồn tại ở 2 dạng là nha bào và dạng hoạt động, ngoài môi trường nha bào uốn ván thường tồn tại ở trong đất, cát bụi, cống rãnh, cây gỗ mục, mảnh sắt hoen gỉ, đường tiêu hóa của động vật có vú, phân súc vật, dụng cụ phẫu thuật chưa được khử khuẩn đúng cách … đường vào của vi khuẩn là trực tiếp từ những vết thương, vết xây xước bị bẩn, sau mổ đẻ hoặc vết thương động vật cắn.

Triệu chứng lâm sàng đầu tiên của bệnh thường là cứng hàm, khó há miệng mà không do chấn thương, không có sưng nề nóng đỏ hay sốt cao mà chỉ đơn thuần bệnh nhân cảm thấy khó há miệng, khó nuốt, nói khó. Khi khám thấy cơ nhai tăng trương lực. Giai đoạn đầu bệnh nhân chưa xuất hiện cơn co giật hay tăng trương lực cơ toàn thân, vì vậy bệnh nhân dễ bị đưa nhầm vào các khoa chấn thương chỉnh hình hoặc khoa răng hàm mặt với chẩn đoán viêm khớp, trật khớp …

Vậy, khi bị vết thương, xây xước hoặc động vật cắn, cần xử lý ngay vết thương bằng cách giải phóng hết dị vật trong vết thương (như bùn, đất, cát, mảnh sành, đinh, gai...), rửa vết thương bằng xà phòng nhiều lần, sát khuẩn bằng dung dịch như cồn 70 độ, ôxy già hoặc dung dịch bêtadin..., sau đó đưa bệnh nhân đến cơ sở y tế để được tiêm kháng huyết thanh chống vi khuẩn uốn ván, tiêm vaccine uốn ván và điều trị theo phác đồ.

Bác sĩ Trần Diệu Thúy – Phòng tiêm chủng Bệnh viện Đa khoa Đức Giang khuyến cáo, đối với người bị thương có nguy cơ mắc bệnh uốn ván thì cần xử lý như sau:

Trường hợp người bị thương đã được gây miễn dịch bằng giải độc tố uốn ván (Tetanus Toxoid: TT) đầy đủ: Đối với vết thương nhẹ, không bị nhiễm bẩn và liều TT cuối cùng cách lúc đó > 10 năm thì phải tiêm nhắc lại 1 liều TT; Đối với vết thương nặng hoặc bị nhiễm bẩn và trong vòng 5 năm trước đó chưa được tiêm TT thì phải tiêm nhắc lại 1 liều TT ngay trong ngày bị thương.

Trường hợp người bị thương chưa được gây miễn dịch cơ bản đầy đủ bằng TT thì phải được tiêm 1 liều TT ngay càng sớm càng tốt sau lúc bị thương. Nếu vết thương nặng hoặc bị nhiễm bẩn thì cần tiêm thêm huyết thanh kháng độc tố uốn ván (Tetanus antitoxic serum: SAT).

Trường hợp người bị thương chưa được gây miễn dịch cơ bản, chưa được tiêm đủ 3 liều TT hoặc không rõ tiền sử tiêm TT và có vết thương nặng hoặc bị nhiễm bẩn thì phải chỉ định tiêm SAT càng sớm càng tốt với liều 1500IU/1ml. Có thể tiêm TT; SAT cùng một lúc, nhưng phải dùng bơm kim tiêm riêng và tiêm ở 2 vị trí khác nhau.

Nguồn LĐTĐ: http://laodongthudo.vn/nhiem-trung-uon-van-vi-bi-dam-tre-cam-vao-tay-77972.html