Nhận diện suy thoái tư tưởng trong đời sống hiện nay

Trong Nghị quyết của Ban Chấp hành Trung ương 4, khóa XII về 'Tăng cường xây dựng chỉnh đốn Đảng; ngăn chặn, đẩy lùi sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, những biểu hiện 'tự diễn biến', 'tự chuyển hóa' trong nội bộ' nhấn mạnh đến vấn đề suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống. Trong đó, đã chỉ ra 9 biểu hiện suy thoái về tư tưởng chính trị; 9 biểu hiện suy thoái về đạo đức, lối sống; 9 biểu hiện của 'tự diễn biến', 'tự chuyển hóa'. Như vậy, suy thoái về tư tưởng chính trị là vấn đề hàng đầu cần phải khắc phục và loại bỏ. Có một vấn đề đặt ra là: Vậy tư tưởng là gì và suy thoái tư tưởng là như thế nào?

Cán bộ Đồn Biên phòng cửa khẩu quốc tế Tây Trang tuyên truyền về đường biên, cột mốc cho thầy cô giáo và các em học sinh. Ảnh: CTV

Để có thể phân tích tìm rõ khái niệm chắc phải bàn luận nhiều. Triết học giản yếu năm 1987 định nghĩa: Tư tưởng là hình thức phản ánh thế giới bên ngoài, trong đó bao hàm sự ý thức về mục đích và triển vọng của việc tiếp tục nhận thức và cải tạo thế giới bên ngoài..., mọi tư tưởng đều được rút ra từ khái niệm. Chúng là sự phản ánh đúng đắn hay xuyên tạc hiện thực... Theo từ điển Tiếng Việt xuất bản năm 1994: Tư tưởng là quan điểm và ý nghĩa chung của con người đối với hiện thực khách quan, đối với xã hội (nói tổng quát), do đó, có tư tưởng tiến bộ, tư tưởng lạc hậu. Như vậy, về cơ bản, tư tưởng là tất cả những gì chúng ta suy nghĩ, định hướng, phân tích, đánh giá, kết luận... thành ý nghĩ trong đầu của chúng ta.

Tư tưởng chính trị là nền tảng để xây dựng bộ máy quản lý và điều hành xã hội, trách nhiệm của chính đảng và người quản lý đối với sự vận động, phát triển vật chất và tinh thần của quần chúng nhân dân. Suy thoái là sự yếu kém, hư hỏng, làm mất dần đi cái tốt, cái tiến bộ, làm tăng dần cái xấu, cái lạc hậu, làm chậm lại quá trình phát triển dẫn đến sự thoái hóa và biến chất của sự vật, hiện tượng, quá trình hay chính bản thân con người và tổ chức xã hội của con người.

Phát biểu khai mạc Hội nghị cán bộ toàn quốc quán triệt, triển khai thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 về xây dựng Đảng, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng đã chỉ rõ: “Sự suy thoái về tư tưởng chính trị thể hiện ở chỗ: Phai nhạt lý tưởng cách mạng, không kiên định con đường XHCN, dao động, thiếu niềm tin, sa sút ý chí chiến đấu, thấy đúng không bảo vệ, thấy sai không đấu tranh, phụ họa theo những nhận thức sai, quan điểm lệch lạc; không còn ý thức hết lòng vì nước, vì dân, không làm tròn bổn phận, chức trách được giao; không thực hiện đúng các nguyên tắc tổ chức, sinh hoạt Đảng”.

Để nhận diện suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức lối sống trong các đối tượng là cán bộ, đảng viên thường tập trung vào đối tượng là cán bộ, đảng viên giữ các cương vị lãnh đạo và đối tượng đảng viên không giữ vị trí lãnh đạo, quản lý trong bộ máy Nhà nước. Và những nội dung này cũng đã được chỉ rõ trong Nghị quyết của Đảng về xây dựng, chỉnh đốn Đảng, đó chính là nhóm 9 biểu hiện đã nêu. Các biểu hiện này đã được nhận diện rõ, cụ thể trong Nghị quyết Hội nghị Trung ương 4 của Đảng. Tuy nhiên, trong thực tế hiện nay, suy thoái chính trị tư tưởng còn thể hiện ở ngay trong các đối tượng không là cán bộ, đảng viên. Nó thuộc các tầng lớp trí thức, khoa học, học sinh, sinh viên và có cả người lao động.

Khi Đảng xây dựng một Nhà nước của dân, do dân, vì dân, đó chính là mục tiêu chung của mọi người. Nó là sự đoàn kết mục tiêu, lý tưởng, hướng đi lên của cả dân tộc, vì một mục đích chung, lợi ích chung cho tất cả con người. Trong đó, để xác định mục tiêu, con đường đi lên của dân tộc, những cá nhân không phải là cán bộ, đảng viên, là trí thức, nhà khoa học, học sinh, sinh viên, người lao động cũng là một phần cơ sở để định ra hướng đi trong cương lĩnh xây dựng đất nước. Có thể do nhận thức chưa đầy đủ, do tác động của đời sống xã hội, do những khó khăn trong quá trình xây dựng đất nước, thậm chí sai lầm trong định chế các quy định về quản lý xã hội. Thêm vào đó, những tác động từ các nguồn thông tin thu nhận được không chính xác, thiếu khách quan, từ chủ quan của một tổ chức hay cá nhân, làm cho nhận thức sai lệch, thiếu niềm tin vào lý tưởng cách mạng, không tin tưởng vào con đường xã hội chủ nghĩa mà Đảng, Bác và nhân dân đã lựa chọn. Dao động, thiếu niềm tin, phụ họa, tiếp tay cho những nhận thức sai, quan điểm lệch lạc mà các đối tượng thù địch, chống phá đưa ra.

Cách mạng là sự nghiệp của quần chúng. Một khi nền tảng của sự nghiệp ấy không còn đủ sức mạnh của niềm tin, không còn “sâu rễ bền gốc”, đánh mất sự đoàn kết thống nhất trong toàn dân, tin theo những luận điệu tuyên truyền, kích động, khiếu nại tố cáo tràn lan, sai sự thật, với dụng ý xấu, đó là một nguy cơ cần cảnh báo. Những người đó không biết rằng, những gì đang hùa theo luận điệu của các đối tượng thù địch, đã làm “chiếc loa không công”, tiếp tay, “nối nhời” bôi xấu, xuyên tạc, đánh mất chính bản thân với những gì đã, đang có được thụ hưởng. Nhất là khi cuộc cách mạng truyền thông như hiện nay, khi sự tiếp nhận thông tin sai lệch, rồi chia sẻ, lôi kéo, kích động, “ném đá”, bôi nhọ đang là “sở thích” của rất nhiều cái tôi trong đời sống xã hội hiện đại. Có nhiều người lấy đó là cách tự đánh bóng cho bản thân, đánh bóng bản thân, tỏ ra là người “mẫn tiệp” với thời cuộc, nhưng không hề biết, họ đang tiếp tay cho sự phá hoại của các thế lực thù địch và các đối tượng phản động.

“Tự chuyển hóa”, “tự diễn biến” không chỉ ở trong cán bộ, đảng viên thực thi nhiệm vụ quản lý xã hội mà nó có ở ngay trong mỗi con người, một thành viên của xã hội. Xa rời, hoài nghi, mất niềm tin vào con đường cả dân tộc đã lựa chọn, vào sự lãnh đạo của Đảng, tin vào những “bánh vẽ” các đối tượng phản động, thù địch chính là biểu hiện của suy thoái tư tưởng chính trị trong các tầng lớp xã hội. Chống suy thoái tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống luôn khởi nguồn từ tất cả mọi người, không của riêng ai.

Phạm Quế Nghi

Nguồn Biên Phòng: http://bienphong.com.vn/nhan-dien-suy-thoai-tu-tuong-trong-doi-song-hien-nay/