Nhận diện đúng tham nhũng

Tham nhũng có thực sự giảm là câu hỏi được nhiều đại biểu Quốc hội đặt ra khi Ủy ban Tư pháp của Quốc hội thẩm tra báo cáo công tác phòng, chống tham nhũng (PCTN) năm 2017.

Bởi theo nhận định của Thanh tra Chính phủ, kết quả PCTN thời gian qua đã có tác dụng răn đe nhất định, góp phần làm giảm tham nhũng. Song, công tác này vẫn chưa mang tính đột phá, tham nhũng vẫn diễn ra nghiêm trọng, phức tạp, tinh vi…

Quả là thời gian qua, công tác PCTN đã có bước chuyển lớn. Các vụ "đại án tham nhũng" gây thất thoát tài sản Nhà nước được đưa ra ánh sáng, nhiều quan tham lần lượt ra hầu tòa và nhận những mức án nghiêm khắc. Rõ ràng việc xử lý vi phạm là không có vùng cấm và không loại trừ cá nhân nào. Nhưng nhìn nhận thực tế sẽ thấy, giữa phát hiện, xử lý và thực trạng tham nhũng vẫn còn một khoảng cách lớn. Không phải ngẫu nhiên mà một đại biểu băn khoăn khi Chính phủ nhận định tình hình tham nhũng giảm, nhưng số liệu các vụ án tham nhũng lại tăng so với năm trước. Rồi việc thực hiện chỉ thị 50 của Bộ Chính trị là phải xử lý người đứng đầu, nhưng cả năm 2017 chỉ có 25 người bị xử lý. Có ý kiến còn thẳng thắn: "Thanh bảo kiếm trong PCTN là công khai, nhưng chỉ riêng việc công khai các kết luận thanh tra vẫn còn vấn đề, tuy pháp luật đã quy định, nhưng vẫn còn tình trạng là ngại công khai, cứ sợ công khai thì tình hình phức tạp". Mục đích cao nhất của đấu tranh PCTN là thu hồi được tài sản, nhưng trong nhiều năm qua, việc này vẫn chưa có lối ra, hiệu quả thu hồi tài sản vẫn thấp.

Phân tích nguyên nhân đã chỉ ra rằng, do việc thực hiện Luật PCTN chưa hiệu quả, hơn 10 năm Luật đi vào cuộc sống, những bức xúc trong Nhân dân trước tình trạng tham nhũng không hề giảm. Rồi tính công khai minh bạch trong hoạt động của các cơ quan chưa cao. Đạo đức công vụ trong một số lĩnh vực, vấn đề lợi ích nhóm cũng nhìn thấy rõ trong những vụ án…

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã nói: “Cái lò đã nóng lên rồi, thì củi tươi vào đây cũng cháy. Củi khô, củi vừa vừa cháy trước, rồi cả lò nóng lên, tất cả các cơ quan vào cuộc, không có ai đứng ngoài”. Thế nên, như nhiều ý kiến nhận định, chúng ta có niềm tin với quyết tâm này, nhưng nhận diện đúng tình hình, biểu hiện thì mới có chất liệu để sửa đổi Luật PCTN. Bởi chưa chống được triệt để tham nhũng không phải do trình độ kém, mà do người làm công tác PCTN có dám làm hay không. Ngay báo cáo công tác PCTN năm 2017 cũng nhận định: "Hiệu quả hoạt động của một số cơ quan có chức năng PCTN chưa cao", nhưng cụ thể là cơ quan nào thì... không nói đến.

Xét ra, quan trọng nhất trong PCTN là có thể chế đủ mạnh để phòng ngừa. Sau hơn 10 năm, Luật PCTN sẽ được sửa đổi. Nhiều người kỳ vọng, khi nhận diện đúng tình hình, việc sửa luật sẽ tạo ra một cơ chế phòng ngừa toàn diện và sâu rộng. Từ đó, góp phần xây dựng một cơ chế quản lý nhà nước, quản lý xã hội công khai, minh bạch, “không thể tham nhũng”; tạo cơ sở pháp lý vững chắc cho việc ngăn chặn, phát hiện và xử lý kịp thời các hành vi tham nhũng.

Trần Hà

Nguồn KTĐT: http://kinhtedothi.vn/nhan-dien-dung-tham-nhung-297408.html