Nhận biết những dấu hiệu bất thường ở trẻ sơ sinh và cách xử trí

Dấu hiệu nguy hiểm đối với trẻ sơ sinh là những dấu hiệu đe dọa nghiêm trọng đến sức khỏe, thậm chí có thể gây tử vong do không được phát hiện sớm và cấp cứu kịp thời.

Những việc cần theo dõi ở trẻ sơ sinh

Theo Vụ Sức khỏe Bà mẹ - Trẻ em, Bộ Y tế, trẻ sơ sinh rất non yếu, dễ mắc bệnh, khi mắc bệnh dễ trở nặng. Bà mẹ và gia đình cần biết những dấu hiệu bình thường và dấu hiệu nguy hiểm của trẻ sơ sinh và theo dõi cẩn thận.

Các dấu hiệu bình thường ở trẻ là:

Màu da: Trẻ mới lọt lòng da màu đỏ sau chuyển sang hồng hào. Từ ngày thứ 3 đến ngày thứ 8 trẻ có vàng da nhẹ.

Nhịp thở: Trẻ thở bình thường từ 40 đến 60 lần trong 1 phút. Nhịp thở êm, nhẹ, không co rút lồng ngực.

Thân nhiệt: Nhiệt độ cơ thể bình thường từ 36,5 đến 37,4 độ C.

Bú mẹ: Trẻ thường bú mẹ từ 8 đến 12 lần cả ngày lẫn đêm.

Đại tiện: Trẻ đi ngoài phân su trong 24 giờ đầu, sau đó phân vàng; bình thường trẻ đi ngoài từ 3 đến 4 lần trong một ngày.

Tiểu tiện: Bình thường trẻ đi tiểu từ 7 đến 8 lần trong một ngày.

Rốn: Bình thường rốn khô, không hôi, rụng tự nhiên sau sinh 5 đến 10 ngày và liền sẹo.

Cần theo dõi để nhận biết các dấu hiệu bất thường ở trẻ sơ sinh.

Phát hiện những dấu hiệu nguy hiểm ở trẻ sơ sinh:

Dấu hiệu nguy hiểm đối với trẻ sơ sinh là những dấu hiệu đe dọa nghiêm trọng đến sức khỏe, thậm chí có thể gây tử vong do không được phát hiện sớm và cấp cứu kịp thời.

Các dấu hiệu nguy hiểm ở trẻ sơ sinh: Bú ít hoặc bỏ bú; Ngủ li bì khó đánh thức; Thở khác thường (thở chậm dưới 40 lần hoặc thở nhanh trên 60 lần trong 1 phút, co rút lồng ngực, cánh mũi phập phồng, khò khè); Co cứng hoặc co giật; Sốt cao (trên 38,5 độ C) hoặc hạ thân nhiệt (dưới 36 độ C); Mắt sưng đỏ hoặc có mủ, Rốn sưng đỏ hoặc chảy mủ; Vàng da xuất hiện trước 3 ngày tuổi, đặc biệt là vàng da xuất hiện trong 24 giờ sau sinh; vàng da kéo dài trên 14 ngày; vàng da lan nhanh đến bụng, đùi, chân trong những ngày đầu sau sinh; vàng da xuất hiện cả trong lòng bàn tay hoặc lòng bàn chân; vàng da kèm phân bạc màu; Nôn liên tục; Bụng chướng to; Đi ỉa nhiều nước, nhiều lần hơn bình thường, Trẻ không đái hoặc ỉa sau 24 giờ từ khi sinh.

Nếu phát hiện thấy dấu hiệu bất thường thì phải đưa ngay trẻ đến cơ sở y tế.Trên đường đưa trẻ đến cơ sở y tế cần ủ ấm cho trẻ, tốt nhất là đặt trẻ tiếp xúc da con kề da mẹ.

Những bệnh nguy hiểm thường gặp ở trẻ sơ sinh

Vàng da: Bình thường vàng da sẽ xuất hiệntừ ngày thứ 3 đến ngày thứ 8, da của trẻchuyển màu vàng nhạt vàchỉ vàng ở phần da mặt, cánh tay,đùi, chân và thân mình..Nếu vàng da xuất hiện trước 3 ngày tuổi, đặc biệt là vàng da xuất hiện trong 24 giờ sau sinh,vàng da kéo dài trên 14 ngày,vàng da lan nhanh đến bụng, đùi, chân trong những ngày đầu sau sinh, vàng da xuất hiện cả trong lòng bàn tay hoặc lòng bàn chân, vàng da kèm phân bạc màu thì đó có thể là tình trạng bệnh lý nguy hiểm, cần đưa trẻ đến cơ sở y tế để thăm khám kịp thời.

Nhiễm khuẩn mắt là khi mắt trẻ bị sưng đỏ hoặc có mủ. Trẻ bị nhiễm khuẩn mắt cần được cán bộ y tế khám để xử trí ngay.

Nhiễm khuẩn rốn là khi rốn sưng đỏ, chảy nước hoặc chảy mủ. Nhiễm khuẩn rốn rất nguy hiểm nên trẻ cần được cán bộ y tế khám để xử trí ngay.

Một số bất thường khác gồm nôn trớ, hăm, tưa miệng, táo bón.

Dạ dày trẻ sơ sinh nhỏ, nằm ngang nên dễ bị nôn trớ. Khi trẻ bị nôn trớ, cần bế trẻ ở tư thế đầu cao khi cho bú; Khi trẻ bú cần xem trẻ có nuốt sữa không? Nếu thấy trẻ không muốn bú, sữa còn trong miệng thì phải dừng cho bú. Sau khi bú xong nên bế trẻ cao đầu áp vào vai hoặc ngực mẹ, vỗ nhẹ lưng đến khi trẻ ợ bớt hơi trong dạ dày mới đặt trẻ nằm.Với những trẻ hay nôn trớ, nên đặt trẻ nằm nghiêng đầu và luôn có người bên cạnh.

Khi trẻ bị hăm da, cần lưu ý không để tã lót ướt, bẩn. Khi trẻ đái ỉa cần rửa sạch, thấm khô ngay và thay tã lót khô, sạch sẽ. Khi trẻ bị hăm cần bôi thuốc theo hướng dẫn của cán bộ y tế. Rửa tay sạch trước và sau khi chăm sóc trẻ.

Tưa miệng là khi lưỡi và mặt trong miệng của trẻ bị nhiễm nấm có các vệt trắng. Khi trẻ bị tưa cần rửa sạch và luộc sôi bát (chén), cốc (ly), thìa (muỗng) dùng cho trẻ. Đánh tưa cho trẻ theo hướng dẫn của cán bộ y tế. Rửa tay sạch trước và sau khi chăm sóc trẻ.

Đối với táo bón, dấu hiệu là khi trẻ không đi ngoài sau 3 ngày mà không nôn trớ, không chướng bụng. Khi trẻ bị táo bón cần tăng cường cho trẻ bú mẹ. Xoa quanh rốn của trẻ theo chiều kim đồng hồ vài lần trong ngày. Nếu không đỡ cần đưa trẻ đến cơ sở y tế.

Sàng lọc sơ sinh theo hướng dẫn của cán bộ y tế

Sàng lọc sơ sinh là việc sử dụng các biện pháp thăm dò trong thời kỳ sơ sinh để phát hiện nguy cơ và chẩn đoán bệnh cho trẻ sơ sinh. Bác sĩ được đào tạo sẽ thực hiện sàng lọc sơ sinh trong 24-72 giờ sau sinh tại cơ sở y tế. Các kỹ thuật cho sàng lọc sơ sinh gồm lấy mẫu máu gót chân để làm xét nghiệm, đo thính giác của trẻ và đo độ bão hòa ô xy máu qua da. Việc lấy máu gót chân được thực hiện tại cơ sở y tế nơi trẻ sinh ra hoặc tại trạm y tế để gửi đến cơ sở xét nghiệm chuyên khoa thực hiện.

Sàng lọc sơ sinh hiện nay có thể phát hiện sớm ở trẻ sơ sinh một số bệnh là suy tuyến giáp bẩm sinh, thiếu men G6PD, tăng sản thượng thận bẩm sinh, một số rối loạn chuyển hóa bẩm sinh, khiếm thính bẩm sinh, bệnh tim bẩm sinh.

Khi làm sàng lọc, các bác sĩ sẽ tư vấn cho cha mẹ của trẻ trước và sau khi tiến hành làm xét nghiệm cho cháu bé. Nếu phát hiện trẻ bị bệnh tật bẩm sinh, cha mẹ cần đưa trẻ đến bác sĩ chuyên khoa Nhi để khám và điều trị cho cháu bé và được hướng dẫn cách chăm sóc, theo dõi trẻ.

PV

Nguồn SK&ĐS: https://suckhoedoisong.vn/nhan-biet-nhung-dau-hieu-bat-thuong-o-tre-so-sinh-va-cach-xu-tri-169230916071058123.htm