Nhà văn Trần Bảo Định: Văn chương mang lại sự bình yên

Nhiều người nói vui: Trần Bảo Định là nhà văn trẻ, bởi ông đến với văn chương khi tóc đã bạc, hơn 70 tuổi thì có tác phẩm gây chú ý trên văn đàn. Bạn bè gọi ông là ông già Nam Bộ nhiều chuyện, sau khi hai tập sách Ông già Nam Bộ nhiều chuyện: Dấu chưn lưu dân Ông già Nam bộ nhiều chuyện: Góc khuất dưới chưn đèn ra mắt độc giả.

Đã có đến 20 đầu sách, nhưng ông không nhận mình là nhà văn. Ông nói, viết để ghi lại những điều mình biết, mình đã trải qua, và tìm thấy sự bình yên trong lòng.

Nhà văn Trần Bảo Định (giữa) chụp ảnh lưu niệm với nhà giáo Phan Long Côn (bên trái) và nhà thơ Huỳnh Văn Quốc. ẢNH: YÊN LAN

1. Có thể nói Kiếp ba khía đã đưa tác giả Trần Bảo Định đến với những người yêu văn chương. Tập sách gồm 17 truyện ngắn đó thấm đẫm hơi thở vùng đất Nam Bộ. “Điều trân quý và thán phục, chính là tấm lòng tác giả dành cho quê hương Nam Bộ. Tự trong miền đất ấy, ông viết ra yêu thương và đau khổ…, một thế giới vừa quen vừa lạ, vừa độc đáo vừa bất ngờ” - nhà văn Bích Ngân cảm nhận về tập truyện ngắn được NXB Văn hóa Văn nghệ mua bản quyền và ra mắt bạn đọc đầu năm 2015. Kiếp ba khía là tập sách thứ năm của tác giả Trần Bảo Định, sau các tập thơ: Ngao du sơn thủy (2012), Thầy tôi (2013), Mẹ, tiếng lòng (2013) và Vợ tôi (2014). Sau Kiếp ba khía, cây bút quê Long An có Đời bọ hung, Phận lìm kìm, Chim phương Nam, Bóng chiều quê, Bông trái quê nhà, Đất phương Nam ngày cũ, Khói un chiều… và nhiều tác phẩm khác. Tất cả đều in đậm hồn cốt Nam Bộ

Nhà văn Trần Bảo Định chia sẻ: “Với tôi, đến với văn chương không có sớm hay muộn. Trước khi một đứa bé ra đời, người ta phải mang thai chín tháng mười ngày. Viết một tiểu phẩm hay một truyện, đôi khi người ta “thai nghén” hàng chục năm… Tôi không chủ đích viết văn nhưng khi bệnh, thời gian thừa thãi, tôi ghi lại những điều mình đã trải qua. Cho nên tới giờ, tôi vẫn không nhận mình là nhà văn. 76 tuổi rồi, tôi không cần lập danh. Nói một cách thực lòng, tôi không viết để trở thành nhà văn. Tôi muốn ghi lại những điều tôi biết cho lớp trẻ”.

Sau 8 năm “khởi hành” trên con đường văn chương, đến nay nhà văn Trần Bảo Định có 20 đầu sách. Năm 2017, ông in 4 tập sách, năm 2019 in 3 tập, năm 2020, ông dự định in 2 tập truyện ngắn Mùa hoa nắng Miền đầm lầy, còn Kiếp ba khía được tái bản. Năng lượng sáng tạo của tác giả sinh năm 1944 này thật đáng nể!

Nhà văn Trần Bảo Định thổ lộ rằng văn chương mang lại sự bình yên trong lòng. Khi viết, ông như trút được gánh nặng đã mang trong lòng, thành ra càng viết thì càng thấy sung sức. Ngày nào ông cũng dành khoảng 4 tiếng đồng hồ để viết.

Ngoài “vốn liếng” tích lũy trong đời, điều gì mang đến cho ông nhiều năng lượng như vậy? Trước hết, nhà văn Trần Bảo Định có quá nhiều chuyện để kể với độc giả, cho nên được bạn bè gọi vui là ông già Nam Bộ nhiều chuyện. Có những nhân vật mà ông không muốn họ bị lãng quên, như những nhân vật trong tập truyện Khói un chiều, Mưa bình nguyên. Và ông viết để trả ơn những người đã cưu mang mình.

2. Gia đình nhà văn Trần Bảo Định có truyền thống cách mạng. Ông làm cơ sở cách mạng từ thời trung học. “Tôi sinh ra và trưởng thành trong thời loạn, phải cầm súng vì Mỹ đổ quân vào miền Nam Việt Nam. Khi có bất kỳ nước nào giẫm gót giày lên đất nước mình, lên xứ sở mình thì những người trai có tấm lòng yêu nước phải xuống đường, phải cầm súng. Tôi trong lứa người đó. Thời đẹp nhất của tôi là thời đó”, nhà văn Trần Bảo Định thổ lộ. Và ông gửi gắm nỗi niềm đau đáu của mình vào những trang văn để con cháu đọc, hiểu rằng họ được sống hạnh phúc, an lành hôm nay là nhờ biết bao hy sinh, biết bao máu xương của những người đi trước.

“Tôi già rồi, biết gì thì ghi lại thôi. Những điều tôi viết là những điều tôi đã trải qua”, ông già Nam Bộ nhiều chuyện nói rất giản dị. Nhưng qua việc “ghi lại” nghe có vẻ đơn giản đó, nhà văn âm thầm mong muốn từng trang viết của ông mang sứ mệnh thức tỉnh. Khi tôi nói điều này, nhà văn Trần Bảo Định mỉm cười: “Văn chương tự nó đã mang sứ mạng. Vì sứ mạng đó mà văn chương phải trong sáng. Trong sáng không phải ở câu văn đẹp, ở sự trau chuốt chữ nghĩa, mà sự trong sáng đó, cái đẹp đó lưu giữ hồn cốt của con người, của đất nước, của dân tộc.

3. Nhà văn Trần Bảo Định quê ở Long An, là cựu sinh viên Trường đại học Văn khoa Đà Lạt. Ông có kỷ niệm sâu sắc với nhà giáo Phan Long Côn. Năm 1968, khi ông đang học năm thứ hai đại học và buộc phải tham gia “Quân sự học đường” như nhiều sinh viên khác thì bị an ninh Sài Gòn phát hiện. Chúng mời ông lên làm việc vào sáng thứ hai. Chiều cuối tuần, ông nói với người bạn học Phan Long Côn: “Có lẽ tao phải vạch rào tao chui” (trốn khỏi quân trường, nơi sinh viên đang học quân sự - PV). Đây là việc hết sức liều lĩnh, vì hàng rào kẽm gai chung quanh quân trường đều gài dày đặc các loại mìn, và đã có nhiều người chết thảm khi tìm cách thoát khỏi nơi này. “Anh Côn nói: “Không được! Để hỏi một người bạn học, xin giấy phép ra trại, nghe nói bạn đó có giấy phép nhưng không đi. Và nếu cần thì anh Côn sẽ viết một lá thơ, tôi cầm ra Ninh Hòa, liên lạc với một cơ sở để “lên xanh”. Anh Côn lấy giấy phép đó, và tôi đi bằng giấy phép ra khỏi cổng, “lên xanh” luôn”, nhà văn Trần Bảo Định kể.

Sau ngày đất nước thống nhất, ông Trần Bảo Định đã cố công tìm người bạn học từng giúp mình nhưng không tìm được, cho đến khi tình cờ đọc được bài viết của thầy Côn đăng trên Báo Người Lao Động. Từ “đầu mối” đó, ông Trần Bảo Định cùng vợ con ra Phú Yên. Khi đó, nhà giáo Phan Long Côn là Chủ tịch Liên hiệp Các tổ chức hữu nghị tỉnh Phú Yên. Nhà văn Trần Bảo Định tìm đến cơ quan, ôm chầm bạn. Gần 30 năm trôi qua, gương mặt, hình dáng đã nhiều thay đổi. Một lúc sau, nhà giáo Phan Long Côn ngỡ ngàng nhận ra người bạn học ngày nào.

Từ đó đến nay, năm nào nhà văn Trần Bảo Định cũng đưa vợ con về Phú Yên thăm bạn. Và từ người bạn học thân thiết, ông có thêm bạn bè trên mảnh đất này.

YÊN LAN

Nguồn Phú Yên: http://www.baophuyen.com.vn/93/244777/nha-van-tran-bao-dinh--van-chuong-mang-lai-su-binh-yen.html