Nhã nhạc màu sắc bên cạnh nghệ thuật Phật giáo Châu Á

Nhã nhạc cung đình Huế thực sự là niềm tự hào trong Đại lộ di sản số đầu tiên. Cùng với nghệ thuật Phật giáo của nhiều nước Châu Á khác, di sản này đã cuốn hút từ đầu đến cuối nhờ sự rực rỡ và đa sắc.

Điệu múa với động tác tay có ý nghĩa gửi lời chào. Ảnh: Hải Bá

“Nhã nhạc là nghệ thuật cung đình mang đậm yếu tố nghệ thuật Phật giáo”, nhà nghiên cứu Đặng Hoành Loan chia sẻ. Chính vì thế, đặt trong tương quan với các nghệ thuật Châu Á khác tại đêm Đại lộ di sản đầu tiên, nhã nhạc đã mang tới câu chuyện Phật giáo của Việt Nam. Ở đó, nền sân khấu có những hoa văn của kiến trúc cung đình Huế với sắc đỏ xen với hình hoa đăng tựa cánh sen cứ bay lên bay lên. Những chiếc đèn hoa đăng với tạo hình sen này thể hiện tinh thần Phật giáo rất rõ nét.

Cũng theo ông Loan, Nhã nhạc Huế là một di sản được thực hành thường xuyên. Có hẳn một nhà hát chuyên thể hiện loại hình di sản này, mang nó đi nhiều nơi. Tại Đại lộ di sản, cũng chính đơn vị này đã trình diễn điệu múa hoa đăng. Từng cử động, từng kết nối nhóm đều đã được luyện tập, thực hành uyển chuyển hoàn hảo. Những thanh âm vốn để dâng lên trời đất, thần linh cũng vang lên với sự thành thục như vậy. Không chỉ người dân mà cả những vị khách quốc tế tới dự Vesak tại Việt Nam cũng đều bị cuốn theo màn biểu diễn này.

Hoa được kết thành hình vương miện trên tóc nữ nghệ sĩ Ấn Độ. Ảnh: Hải Bá

Chương trình đầu tiên cũng thực sự là một cơ hội cho cả Đại lộ di sản và VTV. Toàn bộ khán đài cho Phật tử và khu vực dành riêng cho đại biểu dự Vesak đều kín ghế. Khán giả bị cuốn theo vẻ đẹp đa sắc màu của các tiết mục đến từ 8 quốc gia khác nhau. Họ cũng bị cuốn theo những hình ảnh, những cảm xúc thanh tịnh của Phật giáo, mà trong đó lớn nhất là sự hướng thiện.

Ảnh: Hải Bá

Những di sản còn lại cũng mang trong mình câu chuyện riêng. VTV cũng có những đoạn video ngắn để giới thiệu về các di sản. Người xem được nghe giải thích về tạo hình của các nghệ sĩ trên sân khấu, cũng được nghe câu chuyện văn hóa của loại hình nghệ thuật mà họ biểu diễn.

Ảnh: Hải Bá

Chẳng hạn, trong điệu mua cổ Odissi của Ấn Độ, những nghệ sĩ Ấn Độ có chấm đỏ trên trán tượng trưng cho sự thông thái. Các nghệ sĩ nữ cũng cài hoa sau tóc, hoa được kết lại thành hình vương miện. Khán giả cũng thấy hạnh phúc khi chiêm ngưỡng những điệu múa với ý nghĩa cầu mong sự may mắn. Một điệu múa khác lại có động tác tay vẫy tượng trưng cho lời chào. Trang phục của các tiết mục cũng vô cùng lộng lẫy.

Ảnh: Hải Bá

Những di sản nghệ thuật của 8 nước đó cũng được đặt trên nền một sân khấu mà không phải sân khấu. Ánh sáng đã được đánh vào tam quan chùa Tam Chúc, để biến nó thành một sân khấu với vẻ tự nhiên nhất có thể. Trong màn biểu diễn trống, các nghệ sĩ còn xuất hiện cả trên những tầng cao của tam quan này.

Ảnh: Hải Bá

Nhà nghiên cứu Đặng Hoành Loan, cố vấn của Đại lộ di sản chia sẻ: “Nghệ thuật Việt Nam bắt nguồn từ nghệ thuật Phật giáo rất nhiều. Và chúng ta cũng có nhiều di sản nghệ thuật, đủ để có thể mở rất nhiều Đại lộ di sản”. Chương trình thường niên này cũng là một dự án biểu diễn nghệ thuật sao cho phù hợp và thu hút công chúng trẻ, bên cạnh những công chúng truyền thống. Điều quan trọng hơn, việc được nhắc tới trên truyền hình nhiều lần, xuất hiện trước công chúng của nhiều nước sẽ giúp di sản Việt Nam được quảng bá tốt hơn.

N.N

Nguồn Lao Động: https://laodong.vn/van-hoa/nha-nhac-mau-sac-ben-canh-nghe-thuat-phat-giao-chau-a-733181.ldo