Nhà máy SX gạch tuynel Cường Thịnh 68 (Hải Dương): Nhiều dấu hiệu sai phạm?

Theo phản ánh của người dân về việc Nhà máy Sản xuất gạch tuynel Cường Thịnh 68 gần khu dân cư, gây ô nhiễm môi trường, ảnh hưởng nghiêm trọng đến đê điều.

Nhà máy Sản xuất gạch tuynel Cường Thịnh 68

Nhà máy hoạt động, người dân lo lắng

Theo phản ánh của người dân về việc Nhà máy Sản xuất gạch tuynel Cường Thịnh 68 gần khu dân cư, gây ô nhiễm môi trường, ảnh hưởng nghiêm trọng đến đê điều, chúng tôi về xã Tiền Tiến, huyện Thanh Hà (Hải Dương) tìm hiểu “thực hư sự việc”.

Đến đầu xã, chúng tôi đã thấy đủ các loại xe chạy rầm rập, chở gạch từ nhà máy đi các nơi. Đúng như những gì người dân đã phản ánh, Nhà máy Sản xuất gạch tuynel Cường Thịnh 68, nằm sát khu dân cư, chỉ cách nhà dân vài bước chân, thậm chí có hộ dân ngay sát vách.

Biết chúng tôi là phóng viên, tìm hiểu thực tế phản ánh của người dân về hoạt động sản xuất gạch tuynel, ông Nguyễn Văn. Đ (người dân xã Tiền Tiến xin được giấu tên) bức xúc:

“Từ khi Nhà máy Sản xuất gạch Tuynel Cường Thịnh 68 triển khai xây dựng (mới hoạt động được vài tháng), cuộc sống của người dân làng quê bình yên ven sông Thái Bình đã chịu nhiều ảnh hưởng. Nhất là những gia đình sống gần nhà máy, hàng ngày ảnh hưởng tiếng ồn của các loại xe, máy hoạt động, khi có việc đi lại trên đê, gặp phải xe chở đất của nhà máy thì cả người như bị “tắm” bụi.

Trời hanh khô, các xe chở đất khiến bụi bặm mù mịt, cuốn xuống bao phủ cả khu vực rộng. Do nhà máy mới đi vào hoạt động nên tới đây người dân sẽ có ý kiến với chính quyền cơ sở, yêu cầu phải có biện pháp khắc phục, không ảnh hưởng đến đời sống sinh hoạt của các gia đình”.

Dẫn chúng tôi đi lên trên đê bao sông Thái Bình, có thể bao quát được toàn cảnh Nhà máy Sản xuất gạch tuynel Cường Thịnh 68, ông Phạm Văn. T (người dân xã Tiền Tiến) phản ánh:

“Đó các nhà báo xem, Nhà máy Sản xuất gạch tuynel Cường Thịnh 68, chỉ cách chân đê vài chục mét, nguyên liệu thì đổ sát đê. Nhưng không hiểu sao, các cơ quan chức năng không có ý kiến gì, cứ mặc cho nhà máy này “tác oai, tác quái”, vi phạm nghiêm trọng pháp luật về đê điều?

Nhà máy xây dựng liền kề khu dân cư

Không những vậy, các loại xe chở đất từ bến sông vào nhà máy, chạy suốt ngày, các xe này đều quá mức tải trọng theo quy định được chạy trên đê gấp mấy lần. Chính vì vậy, mặt đê đang xuống cấp rất nhanh, chẳng bao lâu sẽ thành “thùng vũng”, bởi lưu lượng xe chạy càng nhiều (xe của nhà máy).

Không chỉ nhà máy gạch hoạt động, ảnh hưởng tới người dân ở xung quanh do quá gần, vật liệu đổ sát chân đê, mà ngoài bãi sông, đất của nhà máy này đổ từ mép sông vào, đè cả lên hàng tre bảo vệ đê, không mấy nữa tre cũng chết!

Nhà máy hoạt động như vậy, nhưng không hề thấy “bóng dáng” lực lượng chức năng nào nhắc nhở? Không biết, Hạt Quản lý đê điều và Chi cục Quản lý đê điều ở đâu, để việc sản xuất gạch của nhà máy này ngang nhiên hoạt động hay đang có sự “bảo kê” nên họ làm càn?

Là người dân, nhưng chúng tôi biết, nhà máy này không đảm bảo khoảng cách an toàn đê điều và quá sát với khu dân cư, vậy mà vẫn “nghiễm nhiên” mọc lên?”.

Bà Nguyễn Thị. H, nhà gần nhà máy lo lắng: “Vừa rồi, không biết do sự cố gì hay việc thiết kế mái che của nhà máy không đảm bảo nên đã đổ sập một phần với hàng tấn sắt thép khung bao, tôn…, may mà không có thiệt hại gì về người. Theo chúng tôi, nhà máy thiết kế mái che không được an toàn, có nguy cơ cao, sẽ gây mất an toàn về lao động, chúng tôi rất lo lắng cho người lao động ở đây!

Vấn đề này, rất mong các cơ quan chức năng vào cuộc, kiểm tra, đánh giá, chứ đừng để “mất bò, mới lo làm chuồng”, có thể dẫn tới hậu quả khôn lường”.

Đại diện Ban lãnh đạo nhà máy nói gì?

Bãi chứa vật liệu của nhà máy được tập kết sát chân đê

Trao đổi với đại diện lãnh đạo Nhà máy Sản xuất gạch tuynel Cường Thịnh 68, chúng tôi chỉ nhận được những câu trả lời quanh co, như “Hiện nhà máy đổ đất ngay sát chân đê là không đúng quy định, nhưng giờ không phải mùa mưa lũ nên tận dụng, khi nào đến mùa mưa, sẽ dọn dẹp sạch sẽ”; “Xe chở đất của nhà máy đều đảm bảo đúng tải trọng, không làm ảnh hưởng đến đê điều”…

Khi chúng tôi đặt câu hỏi “hiện đất của nhà máy vận chuyển về chứa tại bãi sông, đổ tràn vào chân đê và đè lên hàng tre bảo vệ đê?”, lãnh đạo nhà máy cũng công nhận điều đó và cho rằng “bên cạnh có bãi chứa cát họ làm như vậy nên mình cũng làm theo”.

Lãnh đạo nhà máy cũng “vô tư” cho chúng tôi biết, tới đây chủ trương sẽ mua ruộng của dân ở xung quanh, mở rộng thêm làm bãi chứa vật liệu.

Xe chở vật liệu của nhà máy chạy trên mặt đê

Với phản ánh của người dân, dư luận đặt câu hỏi:

Vì sao một dự án lớn, nhà máy sản xuất gạch tuynel 20 triệu viên/năm (đó là trên giấy), thực tế cao hơn gấp nhiều lần, lại được chính quyền các cấp, ban, ngành tỉnh Hải Dương phê duyệt ngay sát khu dân cư (chỉ cách vài chục mét) và cũng ngay chân đê?

Bãi chứa vật liệu của nhà máy, các loại xe vận chuyển, trực tiếp ảnh hưởng đến đê nhưng không bị xử lý?

Ở đây, liệu có điều gì “khuất tất” hay cố tình “bảo kê” của thế lực nào đó đứng sau?...

Để có câu trả lời dư luận, chúng tôi đang liên hệ làm việc với các cơ quan chức năng huyện Thanh Hà, tỉnh Hải Dương.

Theo THCL

Nguồn Khỏe 365: http://khoe365.net.vn/nha-may-sx-gach-tuynel-cuong-thinh-68-hai-duong-nhieu-dau-hieu-sai-pham-61328.htm