Nhà lưu niệm Sơn Nam: Lưu giữ niềm vui giản dị, sâu lắng

Trong lần ghé lại dịp Nhà lưu niệm Sơn Nam được khánh thành hồi năm 2010, có người hâm mộ ông bật ra câu nói: 'Rốt cuộc ông Sơn Nam cũng có ngôi nhà khang trang tươm tất'. Những người đi chung nghe vậy lặng người mất mấy giây.

Còn nhớ hồi năm 2000, nhà văn Sơn Nam cùng với Nhà xuất bản Trẻ làm một chuyến về miền Tây, đi về tận Đất Mũi. Trong đêm ngụ lại Cà Mau, nhà báo Võ Đắc Danh lúc đó còn ở miệt dưới, đêm đó không ngủ ở nhà mà ra khách sạn ngủ với “ông già tía” Sơn Nam. Ba người ngồi nói chuyện thơ văn, nói một hồi thì dẫn tới chuyện thơ Đường. Không dè ông Sơn Nam cũng thích thơ Đường, tham gia rôm rả. Cao hứng lên ông bảo: “Hôm nào về Sài Gòn mày ghé nhà tao, tao có quyển thơ Đường của Tản Đà dịch, để cho mày”.

Sau này nghĩ lại, thấy đó là lần duy nhất ông Sơn Nam đề cập đến khái niệm “nhà tao”, lại rủ rê “ghé nhà tao” hẳn hoi. Nói vậy bởi dường như ai cũng biết ông Sơn Nam thường xuyên không ở nhà. Sau cái lần đi chung chuyến miền Tây đó, về lại Sài Gòn mới phát hiện ông thường xuyên ngồi ở chiếc ghế dựa bên thềm ngôi nhà thư viện quận Gò Vấp. Ai cần phỏng vấn hay trò chuyện hay rủ rê đi đâu... đều có thể đến đây gặp ông. Cũng tại bên thềm thư viện Gò Vấp đó, trong lần gặp lại, ông Sơn Nam nhìn mình, rồi như nhớ ra lời hứa trong đêm khách sạn ở Cà Mau, ông nói nhỏ, giọng buồn: “Sách vở của tao, vợ con bán hết rồi”.

Đó là một nỗi buồn, mình đọc được từ trong sâu thẳm của nhà văn Sơn Nam. Nỗi buồn của một nhà văn nổi tiếng, lại có tinh thần khảo cứu, có vốn liếng kiến thức văn hóa, dân tộc học rất sâu rộng... mà cuối đời không được sống gần với sách. Chắc vì vậy mà ông mới chọn cái chỗ ngồi định vị bên thềm một thư viện cấp quận chăng?

Đại diện Nhà xuất bản Kim Đồng và các tác giả trong một chuyến về thăm Nhà lưu niệm Sơn Nam (ấp 4, xã Đạo Thạnh, thành phố Mỹ Tho, tỉnh Tiền Giang)

Ngôi nhà lưu niệm Sơn Nam khánh thành vào năm 2010, sau khi ông mất, khởi phát từ ý định của vợ chồng người con gái lớn: bà Đào Thúy Hằng và ông Trần Đức Nghị, muốn tạo dựng một chỗ tươm tất để thờ tự người cha tài hoa, thay cho nơi ông ở lúc sinh thời không còn điều kiện lưu giữ. Thế rồi ý định ấy được cộng hưởng từ nhiều hướng công chúng. Những bạn văn, người hâm mộ, và cả chính quyền địa phương cũng nhiệt thành ủng hộ công trình này.

Nằm bên bờ sông Bảo Định, Khu lưu niệm nhà văn Sơn Nam là một ngôi nhà lợp ngói xây theo kiểu nhà ba gian phổ biến ở Nam Bộ lọt giữa khuôn viên gần 2.000m2, cây cỏ xanh mướt. Khu nhà nằm trên tuyến đường từ Sài Gòn về miền Tây, nên các nhà văn trong những chuyến rong ruổi đều có thể “tiện chân” ghé lại, thắp nén nhang tưởng nhớ ông già Nam Bộ, ngắm hàng trăm cuốn sách, xem tổng thể trước tác của Sơn Nam, lần giở các tư liệu còn giữ được có thủ bút của nhà văn nổi tiếng, dạo quanh vườn ngắm cảnh, nhìn đất nhìn người, nghe hồn chữ nghĩa Nam Bộ trong câu thơ “Phong sương mấy độ qua đường phố/ Hạt bụi nghiêng mình nhớ đất quê” của Sơn Nam ngấm vào lòng trong mênh mông nắng gió phương Nam...

“Từ phía gia đình, chúng tôi thật vui khi thấy nhiều người còn nhớ đến nhà văn Sơn Nam. Từ một nơi gia đình tạo lập để thờ ông, giờ trở thành điểm đến của không chỉ người dân, học sinh, các văn nghệ sĩ trong vùng mà có nhiều đoàn từ nhiều vùng cả nước, cả các đoàn nhà văn nước ngoài như Đức, Hàn Quốc”, ông Trần Đức Nghị chia sẻ.

Khi Khu lưu niệm nhà văn Sơn Nam trở nên nổi tiếng và thu hút được khách du lịch, chính quyền tỉnh Tiền Giang trân trọng chọn đặt tên Sơn Nam cho một con đường ở trung tâm thành phố Mỹ Tho. Cũng có thể coi đó là cái duyên cho một văn nhân được đặc biệt ngưỡng mộ, trân trọng ở nơi không phải chốn quê nhà, cũng chẳng phải nơi chôn nhau cắt rốn. Tạo dựng một nơi lưu giữ sách vở, tài liệu, hiện vật liên quan đến văn nhân nổi tiếng có nhiều đóng góp cho đời sống tinh thần của xã hội chính là cách tôn vinh, bảo tồn thiết thực nhất các giá trị văn hóa mà không cần viện ra những khẩu hiệu kiểu như “giáo dục truyền thống” hay “học tập tấm gương” vân vân.

Người con lớn của nhà văn Sơn Nam cũng có cái nhìn giản dị như vậy về khu lưu niệm người cha tài hoa: “Tôi thấy nhiều lớp học trò đến đây chơi, có cô nữ sinh cấp hai thôi, mà ghi vô sổ lưu niệm là “con muốn học giỏi văn để sau này viết truyện được như nhà văn Sơn Nam”. Chỉ vậy thôi là tự mình thấy vui lắm rồi”.

Vâng, niềm vui ấy giản dị mà sâu lắng biết bao.

Cuộc đời được tiếp nối...

Có thể chính cảnh vườn thơ mộng bên bờ sông Bảo Định mang dấu tích, thư tịch của một nhà văn gắn cả đời mình với lời ăn tiếng nói Nam Bộ, viết và đọc và dành bao nhiêu tâm tình với bà con châu thổ sông Cửu Long... đã khiến cho ngôi nhà lưu niệm ông tự nhiên trở thành nơi cuộc đời được tiếp nối. Người ta đọc Sơn Nam, hiểu Sơn Nam và hiểu Nam Bộ, rồi từ đó nhiều người tìm đến, gặp nhau nơi đây như một chỗ hẹn hò.

Và như vậy, đời sống các tác phẩm của Sơn Nam lại được tiếp diễn, nó gắn bó với những thế hệ bạn đọc của Sơn Nam về sau thông qua ngôi nhà lưu niệm này. Kể cả việc công chúng muốn bày tỏ cảm tình, niềm hâm mộ hay một nghĩa cử gì của thế hệ hôm nay đối với Sơn Nam như một tiền nhân, cũng đều tìm đến đây.

Phạm Sỹ Sáu, nhà thơ

Bài và ảnh: Địa Lam

Nguồn Người Đô Thị: http://nguoidothi.net.vn/nha-luu-niem-son-nam-luu-giu-niem-vui-gian-di-sau-lang-25193.html