Nhà giàu mua tranh... để làm gì?

Nếu được tiêu số tiền lên đến 500 triệu USD, chúng ta sẽ mua những gì? Lựa chọn nhiều không kể xiết, như tòa lâu đài cổ với 28 phòng ngủ ở ngoại ô Paris và khoảng chín dinh thự tương đương như vậy, 100 chiếc Koenigsegg CCXR Trevita – mẫu xe hơi đắt giá nhất từng được sản xuất, hoặc 6 máy bay cá nhân Boeing 757 phục vụ cho việc di chuyển. Nhưng cũng có người lại chọn mua bức Salvator Mundi của Leonardo da Vinci giá 450 triệu USD, hoặc bức Number 17A của Jackson Pollock và Interchange của Willem de Kooning, cộng vào vừa đúng 500 triệu USD. Vì tình yêu nghệ thuật hay còn vì lý do nào khác?

Chúng ta đã bao giờ tự hỏi, vì sao giới siêu giàu sẵn sàng đổ tiền vào nghệ thuật – mà chủ yếu là hội họa – và xu hướng này đang ngày càng trở nên phổ biến trong hơn hai thập niên trở lại đây?

Nếu năm 1998, tổng doanh thu của thị trường nghệ thuật thế giới còn chưa chạm mốc 2 tỷ USD thì đến năm 2018 con số đã là 67,4 tỷ USD, gấp hơn 30 lần. Việc đầu tư vào nghệ thuật đã có từ hàng trăm năm trước nhưng nó chỉ thực sự được quan tâm đúng mức khi nhà đấu giá Sotheby’s hợp tác với một tờ báo xuất bản định kỳ chỉ số Time-Sotheby, cho thấy mức giá ngày càng tăng của các tác phẩm nghệ thuật. Thông điệp ở đây rất rõ ràng, nghệ thuật – nhất là hội họa – là khoản đầu tư nóng có thể vượt xa lợi nhuận của các loại tài sản truyền thống.

Ai cũng biết rằng, giới siêu giàu hiếm khi chịu để đồng tiền ngủ yên. Chính vì thế, mua một tác phẩm nghệ thuật đắt giá giúp thỏa mãn được nhiều nhu cầu, trong đó có đầu tư. Càng ngày, càng có nhiều người trẻ tuổi giàu có đổ tiền vào nghệ thuật – và họ nghiêm túc coi đó là đa dạng hóa danh mục đầu tư, một kênh tương đối an toàn để kiếm lợi nhuận, hơn là một món tài sản để yêu quý, để chiêm ngưỡng và để trân trọng.

Bởi nghệ thuật cao cấp đã được chứng minh là có khả năng đặc biệt chống lại sự suy thoái và sụp đổ của nền kinh tế. Trong đó, tranh của bốn họa sĩ đương đại được cho là giữ giá nhất, bao gồm Pablo Picasso, Salvador Dali, Jackson Pollock và Andy Warhol.

Bức tranh Guernica của Pablo Picasso

Cũng có thể, một người khi sở hữu một thứ gì đó họ thực sự ưa thích thì bắt đầu gán thêm giá trị cho nó và không sẵn sàng bán đi với mức giá tương đương khi mua vào. Vậy là, công việc đầu tư đã bắt đầu, dù là trong vô thức.

Ở đây, ngoài các yếu tố liên quan đến kỹ thuật, còn cần một chút may mắn, mà bức tượng Senufo của một nghệ sĩ vô danh người Burkina Faso là ví dụ điển hình. Tuy đã qua tay nhiều nhà sưu tập tên tuổi, đã được triển lãm ở nhiều bảo tàng nghệ thuật trên thế giới, nhưng giá của nó rất thấp cho tới khi lọt vào tay Myron Kunin. Đúng lúc này, giới chuyên môn lại công bố chỉ còn 5 tác phẩm như Senufo tồn tại trên đời, và lập tức, bức tượng đã đạt mức giá kỷ lục 12 triệu USD trong cuộc đấu giá năm 1994 tại nhà Sotheby’s, trở thành tác phẩm nghệ thuật châu Phi đắt đỏ nhất mọi thời.

Chưa kể, ở nhiều quốc gia phát triển, luật thuế luôn dành một số ưu đãi nhất định cho những người thường xuyên mua tác phẩm nghệ thuật có giá trị cao. Cho nên, đây cũng là một kênh tránh thuế “thông minh và giúp nâng cao vị thế” của giới siêu giàu.

Như ở Mỹ, nếu bán tranh xong và chuyển tiền vào ngân hàng, người bán sẽ phải nộp phần thuế trên lãi. Nhưng nếu đầu tư vào một tác phẩm nghệ thuật có giá tương đương hoặc đắt hơn, thì lại không phải nộp phần thuế đó. Cho nên, việc mua bán nghệ thuật của nhiều người siêu giàu diễn ra rất thường xuyên cũng là điều dễ hiểu.

Nhưng lý do phổ biến hơn, là khi trở nên giàu có, người ta thường coi sưu tầm nghệ thuật là một phần không thể tách rời trong lối sống. Mà khái niệm nghệ thuật ở đây phải đến 90% là tranh, 5% là tác phẩm điêu khắc và chỉ 5% dành cho các loại hình khác.

Một người giàu muốn được xã hội đánh giá bằng thái độ thiện chí hơn, muốn nhanh chóng trở nên “thông minh và quyến rũ” hơn trong mắt cộng đồng cùng đẳng cấp, thì ngoài làm từ thiện, mua tranh, tượng là cách thức phổ biến nhất, được ưa chuộng nhất. Muốn nâng cao hình ảnh và vị thế, thì thường xuyên xuất hiện tại các cuộc đấu giá, các gallery và triển lãm nghệ thuật cao cấp chính là việc nên làm – và ra về với một vài “chiến lợi phẩm” thì không còn gì tuyệt vời bằng.

Cũng có nhiều người, mua tranh chỉ đơn thuần để làm phong phú môi trường sống và làm việc, khiến cho quãng thời gian họ ở đó trở nên phong phú hơn, thú vị hơn. Đó cũng là một phương pháp hữu ích giúp nuôi dưỡng tình yêu nghệ thuật. Và vì giàu có nên họ sẵn sàng chi trả cho những bức tranh đắt đỏ của các họa sĩ tên tuổi.

Cứ thử hình dung xem, những tòa lâu đài cổ kính, những căn biệt thự hay penthouse triệu USD mà không có bóng dáng của dăm ba bức tranh đẳng cấp trên tường sẽ trống trải đến mức nào. Tờ The Atlantic, trong một bài viết sắc sảo đã bình luận, nhiều tỉ phú, triệu phú mua tranh để cho cả thiên hạ thấy họ giàu có và chịu chơi đến mức nào. Tuy nhiên, đây lại là cách thể hiện dễ được chấp nhận nhất trong số hàng trăm cách thể hiện khác nhau của giới siêu giàu.

Những người đứng đầu các công ty, tập đoàn lớn còn nêu ra một lợi ích khác của việc thưởng ngoạn nghệ thuật cao cấp – mà cụ thể ở đây là tranh. Đó là việc dễ dàng khơi dậy trí tưởng tượng, tìm thấy nhiều nguồn cảm hứng sáng tạo, nghĩ ra những phương thức đột phá táo bạo mà người thường ít khi hình dung tới.

Mà xét lại cho kỹ thì mua tranh có giá từ hàng trăm ngàn cho tới triệu USD cũng là một dạng đột phá về tư duy rồi, nếu không phải có tình yêu đặc biệt dành cho nghệ thuật. Bởi từ hàng chục năm nay, khi cầm trong tay vài triệu đến hàng chục triệu USD, thứ khác thường mà một người giàu có muốn mua thường là dăm ba cánh đồng nho và vài nhà chưng cất rượu vang, chứ ít khi lại là một bức tranh.

Tuy nhiên, lý do quan trọng nhất, chính yếu nhất và thường được nêu ra đầu tiên lại chỉ đơn giản là “niềm vui được sở hữu”. Thậm chí, nó còn là động lực thúc đẩy việc “xuống tiền” còn mạnh mẽ hơn cả đầu tư, tránh thuế, đa dạng hóa danh mục đầu tư. “Sở hữu một bức tranh đắt giá, được công chúng thèm khát mang đến cảm giác sung sướng và thăng hoa thực sự, kể cả khi người mua chưa thực hiểu nắm bắt được mọi giá trị của nó”, đó là lời nhận xét rất xác đáng của một chuyên gia thuộc nhà đấu giá Christie’s.

Với những người siêu giàu đã bước vào độ tuổi trung niên, sở hữu một đến hàng chục bức tranh đắt giá ở tầm kiệt tác còn mang tính gửi gắm và kỳ vọng vào các thế hệ tương lai. Bởi đó cũng là một dạng di sản, ở tầm vóc cao hơn những thứ thông thường họ để lại (như tiền bạc, tài sản, sự nghiệp).

Nhưng chúng ta cũng phải thừa nhận một thực tế tương đối phũ phàng, là lớp trẻ hầu như quan tâm đến việc bán những tác phẩm này hơn là tiếp tục chăm sóc, bảo quản và tìm hiểu giá trị của chúng. Sự khác biệt về mặt sở thích giữa các thế hệ là điều hiển nhiên, và cũng rất ít người có thể lấp đầy hố sâu ngăn cách này.

Theo Knight Frank, một công ty tư vấn bất động sản uy tín của Anh quốc, thì có một mối liên quan tương đối mật thiết giữa những căn hộ hay biệt thự sang trọng với nghệ thuật. Rất nhiều người đã sẵn sàng mua những bức tranh đắt đỏ chỉ để nâng cao giá trị tổng thể của bất động sản, và kỳ lạ thay, “chiêu thức” luôn gặt hái được thành công, nhất là với những món bất động sản có giá trị từ khoảng 500.000 USD trở lên. Mọi người thường có tâm lý rộng mở và dễ dãi trước những bức tranh đẹp đẽ, giàu cảm xúc, dễ đi vào lòng người, nhất là khi chúng được coi là giá trị gia tăng của món hàng họ đang cân nhắc.

Còn với những ai đã có sẵn tình yêu nghệ thuật thì lý do thật sự đơn giản. Đó là những cảm xúc họ tìm thấy trong tranh. Mà những bức tranh nổi tiếng như Mona Lisa của Leonardo da Vinci, Guernica của Pablo Picasso hay The Scream (Tiếng thét) của Edvard Munch thì đều có năng lực khơi gợi cảm xúc mạnh mẽ đến không tưởng. Con người đôi khi cần những cách thức đặc biệt để giải tỏa cảm xúc, và hội họa thì luôn ngọt ngào, dù không phải lúc nào chúng cũng mang lại hiệu quả. Tuy nhiên, hội họa ở đẳng cấp càng cao thì càng hấp dẫn khi được khám phá đến tận cùng.

Không chỉ vậy, mỗi bức tranh còn là một chứng nhân lịch sử - và sức hấp dẫn về khía cạnh này cũng thúc đẩy sự khát khao được sở hữu. Những bức tranh gắn liền với những sự kiện nổi tiếng, có nhiều câu chuyện độc đáo, kì bí xung quanh và trải qua nhiều thăng trầm luôn có giá cao, được thèm muốn nhiều hơn.

Quay trở lại với vấn đề thẩm định giá tranh, đó là lý do để tranh của các nghệ sĩ đã qua đời thường bán được giá hơn rất nhiều so với những bức tranh có cùng chất lượng nghệ thuật, nhưng rủi ro thay, tác giả của chúng vẫn còn đang sống.

Minh Thư

Nguồn Thương Gia: https://thuonggiaonline.vn/nha-giau-mua-tranh-de-lam-gi-post534574.html