Nhà đầu tư vào Nghệ An gặp khó vì thủ tục, cơ chế

Để tạo mọi điều kiện thu hút nhà đầu tư, tỉnh Nghệ An đã đưa ra nhiều cam kết ưu đãi, giúp doanh nghiệp yên tâm phát triển sản xuất kinh doanh.

Kỳ I: Chính quyền “thất hứa” với doanh nghiệp

Thế nhưng, thực trạng các Sở, ngành ở Nghệ An đang đưa ra nhiều lý do để “hành” doanh nghiệp nhiều năm qua khiến họ rơi vào cảnh “tiến thoái lưỡng nan” khi đã trót đầu tư không ít tiền của vào dự án trên địa bàn.

Trống đánh xuôi, kèn thổi ngược

Ngày 03/3/2008, tại Hội nghị xúc tiến đầu tư vào tỉnh Nghệ An được tổ chức tại TP Hồ Chí Minh, UBND tỉnh Nghệ An và Công ty CP Sành sứ Thủy tinh Việt Nam (Vinaceglass) đã ký kết Biên bản ghi nhớ thỏa thuận hợp tác đầu tư. Qua đó, Vinaceglass sẽ đầu tư các dự án tại Nghệ An thông qua công ty con là Công ty CP Đầu tư và Phát triển miền Trung.

Theo biển bản ghi nhớ lúc đó, đại diện lãnh đạo UBND tỉnh Nghệ An ký thì Cty CP Đầu tư và Phát triển miền Trung sẽ được cam kết tạo mọi điều kiện thuận lợi và ưu đãi cao nhất cho dự án đầu tư trên địa bàn theo quy định hiện hành của Chính phủ và UBND tỉnh Nghệ An.

Vào thời điểm trên, Cty CP Đầu tư và Phát triển miền Trung cũng đã xây dựng kế hoạch rót vốn đầu tư gần 600 tỷ đồng để thực hiện 03 dự án trên địa bàn Nghệ An gồm: Khu dịch vụ vận tải đường bộ Nam TP Vinh, quy mô rộng 20ha (số vốn đầu tư 40 tỷ đồng); Trung tâm tài chính ngân hàng thương mại dịch vụ, khách sạn, hội nghị triển khai, quy mô rộng 3,2ha tại phường Đội Cung, TP Vinh (số vốn đầu tư 400 tỷ đồng); Trung tâm đào tạo và nghiên cứu phát triển nguồn nhân lực miền Trung tại xã Nghi Ân, Nghi Đức cách trung tâm TP Vinh 5km về hướng Cửa Lò với quy mô 20ha (vốn đầu tư khoảng 150 tỷ đồng).

Đến thời điểm hiện nay, các dự án do Cty CP Đầu tư và Phát triển miền Trung đăng ký đầu tư đã và đang triển khai đi vào hoạt động, góp phần làm thay đổi diện mạo kinh tế - xã hội của địa phương.

Tuy nhiên, trong quá trình triển khai đầu tư xây dựng, doanh nghiệp đã gặp không ít khó khăn do cơ chế điều hành, thủ tục liên quan vì nhiều điều khoản bị chính quyền “thất hứa” suốt thời gian qua.

Ông Trần Lê Dũng – Chủ tịch HĐQT Vinaceglass cho biết, mặc dù về đầu tư theo diện thu hút của tỉnh Nghệ An nhưng khi bắt tay vào triển khai lại gặp không ít “quả đắng” từ các cấp chính quyền.

“Chúng tôi được tỉnh Nghệ An cam kết sẽ ưu tiên, tạo mọi điều kiện tốt nhất cho doanh nghiệp về quê hương đầu tư nhưng thực tế lại không được như mong đợi ban đầu. Khi triển khai đầu tư xây dựng, doanh nghiệp luôn gặp phải nhiều rào cản về thủ tục, chính sách của địa phương. Cách làm này chẳng khác nào Nghệ An đang thực hiện thu hút đầu tư đối với doanh nghiệp theo kiểu trống đánh xuôi, kèn thổi ngược?” – ông Trần Lê Dũng tâm sự.

“Bẫy” doanh nghiệp vào thế khó

Để tạo điều kiện đẩy nhanh tiến độ các dự án đầu tư vào Nghệ An trước đó, Công ty CP Đầu tư và Phát triển miền Trung đã có nhiều công văn gửi các Sở, ban, ngành tỉnh Nghệ An về việc tháo gỡ khó khăn, sớm thực hiện cam kết giữa chính quyền với doanh nghiệp.

Cụ thể, theo quy hoạch đã được phê duyệt năm 2012, nhà đầu tư đã được tỉnh Nghệ An đồng ý cho phép triển khai xây dựng dự án trường Đại học Công nghiệp Vinh (Khu C) với tổng diện tích 4,02ha tại phường Vinh Tân, TP Vinh.

Trong quá trình triển khai dự án, chủ đầu tư đã gặp phải không ít vướng mắc, khó khăn phải “cầu cứu” các cấp, ngành tỉnh Nghệ An nhưng vẫn không được giải quyết kịp thời, ảnh hưởng đến tiến độ thi công, nguồn vốn đầu tư…

Ông Trần Lê Dũng – Chủ tịch HĐQT Vinaceglass thông tin rằng, khi chủ đầu tư triển khai dự án thì gặp phải tình trạng cá nhân lấn chiếm đất của dự án, hệ thống hạ tầng kỹ thuật như điện, cấp nước để phục vụ dự án hoàn toàn không có như cam kết của UBND tỉnh Nghệ An trước đó.

Trước tình trạng này kéo dài, doanh nghiệp đã nhiều lần gửi kiến nghị bằng văn bản đến Chủ tịch UBND tỉnh Nghệ An, các Sở Xây dựng, Sở Kế hoạch & Đầu tư, Sở TN&MT… trong suốt thời gian qua nhưng đến nay vẫn không được hồi âm, phúc đáp thỏa đáng.

Đơn cử từ tháng 8/2015, chủ đầu tư gửi văn bản kiến nghị lên UBND tỉnh Nghệ An về việc xây dựng hạ hệ thống hạ tầng kỹ thuật tiếp giáp với dự án và được lãnh đạo Nghệ An giao các ban, ngành liên quan thực hiện, hoàn thành trước 30/12/2015 nhưng đến nay chỉ đạo của Chủ tịch tỉnh Nghệ An vẫn đang nằm trên giấy.

Điều đáng nói là nhà đầu tư dự án cũng đã gửi nhiều văn bản đăng ký làm việc với Chủ tịch UBND tỉnh Nghệ An để 2 bên họp bàn, tháo gỡ vướng mắc, khó khăn nhưng đến nay vẫn chưa thực hiện được.

Bài 2: Doanh nghiệp “mắc cạn” trong thu hút đầu tư

Ngọc Thái

Nguồn DĐDN: https://enternews.vn/nha-dau-tu-vao-nghe-an-gap-kho-vi-thu-tuc-co-che-155125.html