'Nhà báo' của các khu dân cư

Bước ra từ chiến trường năm xưa, như bao cựu binh khác, ông Phạm Công Lương (63 tuổi, trú P. Thuận Phước, Q. Hải Châu, Đà Nẵng) trở về cuộc sống đời thường, tiếp tục học tập, cống hiến cho công cuộc xây dựng đất nước. Rồi cơ duyên đưa ông đến với nghiệp viết lách, trở thành một 'nhà báo' của các khu dân cư và những gương sáng đời thường.

Bước ra từ chiến trường năm xưa, như bao cựu binh khác, ông Phạm Công Lương (63 tuổi, trú P. Thuận Phước, Q. Hải Châu, Đà Nẵng) trở về cuộc sống đời thường, tiếp tục học tập, cống hiến cho công cuộc xây dựng đất nước. Rồi cơ duyên đưa ông đến với nghiệp viết lách, trở thành một "nhà báo" của các khu dân cư và những gương sáng đời thường.

Ông Phạm Công Lương với nhiều bài báo tuyên truyền.

Một thời hoa lửa

Đầu những năm 1975, khi đất nước còn chìm trong bom đạn, hai miền Bắc - Nam chia cắt, chàng thanh niên 18 tuổi Phạm Công Lương (quê H. Đô Lương, Nghệ An) hăng hái lên đường nhập ngũ. Theo lời kêu gọi, ông cùng bao thanh niên khác đăng ký. Biết người mình nhỏ bé, sợ thiếu cân nên ông tìm cách nhét đá đầy túi để đủ cân nặng. Ngày tòng quân, mẹ ông khóc nhiều vì ông là con trai duy nhất. Nhưng rồi cũng như bao người mẹ khác, bà cũng nén nước mắt động viên con lên đường.

Sau một thời gian huấn luyện tại Trung đoàn 175, Quân khu 4 tại Yên Thành, Nghệ An, đến tháng 3-1975, ông nhận nhiệm vụ đầu tiên khi vào tiếp quản TT-Huế và Đà Nẵng sau khi giải phóng. Đất nước thống nhất, ông nhận lệnh ở lại Vùng 3 Hải quân để tiếp tục huấn luyện. Đến năm 1977, ông được phân công vào công tác tại Vùng 5 Hải quân, hoạt động ở các đảo phía nam như Phú Quốc, Thổ Chu, Hòn Khoai... Những ngày sống ở đảo, tàu thuyền tiếp tế lương thực 2-3 tháng mới có thể ra được một lần, các chiến sĩ phải tự lo thực phẩm, ăn bo bo, củ chuối cầm chừng bám đảo. Liên lạc với đất liền cũng rất khó khăn, tin tức, thư từ vì thế cũng nhọc nhằn. Tháng 8-1977, ông nhận được thư ở quê nhà báo tin cụ thân sinh đã mất, nhưng dấu tem thư cũng đã hơn 2 tháng trước. Vội xin phép về quê chịu tang cha, hành trang duy nhất mang theo chỉ là những lá thư ông còn đang viết dở chưa kịp gửi.

Đầu năm 1979, ông cùng hàng ngàn quân tình nguyện Việt Nam tham gia chiến dịch giải phóng đất nước và giúp nhân dân Campuchia khỏi thảm họa diệt chủng Pol Pot. Ông trực tiếp tham gia vào trận đánh chiếm các quân cảng quan trọng của địch. Hai năm sau, ông xuất ngũ và thi vào đại học Nông Lâm Huế. Đến năm 2004, ông về làm công tác tuyên giáo tại P. Thuận Phước.

Tập thơ và truyện ngắn do ông Lương tự sáng tác, in ấn.

Những trang viết mộc mạc

"Tôi yêu quê hương, yêu những kỷ niệm, bạn bè, yêu cái đẹp, ghét mọi thói hư tật xấu. Tôi cũng thích những bài văn, những câu thơ làm da diết lòng người... nên tôi tập viết văn, viết báo, viết những câu vần ngẫu hứng thành thơ, rồi đọc một mình, suy ngẫm. Đến tai bạn bè người thân, họ khích lệ tôi, rồi tôi cứ thế mạnh dạn viết", ông Lương nói về cái duyên đưa ông đến với việc viết báo, làm thơ.

Ngồi lật giở những trang bản tin nội bộ do chính tay mình biên soạn từ cách đây hơn 13 năm, ông say sưa kể về những ngày đầu xuất bản ấn phẩm này. Ông chỉ nhớ một lần tình cờ đọc được bài báo kể về việc một sỹ quan ở Điện Biên Phủ ghi chép các bản tin về chiến thắng của quân ta, gửi đến các chiến hào để thông báo và khích lệ tinh thần chiến đấu của bộ đội. Từ đó, ông nảy ra ý nghĩ viết các bản tin hoạt động của các Đảng ủy, UBND, các tổ chức đoàn thể của phường và chi bộ khu dân cư để đông đảo người dân biết. Mọi công đoạn từ thu thập tin tức, lên nội dung, chụp ảnh đến thiết kế logo, dàn trang đều có bàn tay của ông vun vén từng ly, từng tí. Trong 4 trang giấy A4, xuất bản mỗi tháng 1 lần, ông không chỉ chuyển tải các tin hoạt động mà còn giới thiệu gương người tốt, việc tốt ở địa phương, cổ vũ phong trào học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh, phát huy tinh thần đại đoàn kết dân tộc. Dần dần, nội dung và hình thức được làm tốt hơn, chỉn chu hơn và số lượng trang cũng được tăng lên. "Cảm giác đứa con tinh thần mà mình "thai nghén" bấy lâu lần đầu được xuất bản và phát đến tay cán bộ, nhân dân P. Thuận Phước khiến tôi rất xúc động", ông Lương chia sẻ.

Sau này, khi bắt đầu viết lên tay, ông mạnh dạn viết bài cộng tác cho các tờ báo và tạp chí, đặc san. Những bài viết mộc mạc của ông về đất và người Thuận Phước được người dân rất hoan nghênh như: Thuận Phước - Hòa quyện đời và đạo (in trong đặc san Đà Nẵng - 20 năm xây dựng và phát triển), Ban Công tác mặt trận 35 P. Thuận Phước "Biết đoàn kết, phối hợp hành động" (in trong tập Đà Nẵng - Vì bình yên phát triển), Nữ Chủ tịch phường "Tự tin - Tự trọng - Trung hậu - Đảm đang"... Ông Lương cũng nhiều lần tham gia các cuộc thi viết và không ít lần đạt giải cao. Dấu ấn đáng nhớ nhất của ông là từng đoạt giải Nhất cuộc thi "Quê hương xanh" viết về cựu chiến binh với công tác bảo vệ môi trường do Hội cựu chiến binh Việt Nam tổ chức năm 2013 với tác phẩm Cựu Thượng tá "Quân hàm xanh" với phong trào "Quê hương xanh". Ông cũng đã tự sáng tác, in tập thơ "Quê và mẹ" và tập truyện ngắn "Chuyện nhà, chuyện phố".

Mặc dù đã về hưu, ông Lương vẫn xông xáo với công tác ở địa phương. Hiện ông đang là Bí thư chi bộ khu dân cư Bình Phước 1, được nhiều người biết đến với nhiều hoạt động, phong trào vận động gây quỹ từ thiện giúp đỡ các hoàn cảnh khó khăn, thu gom rác thải nhựa và là "cha đỡ đầu" của câu lạc bộ Môi trường nhí tại P. Thuận Phước.

M. VINH - N. HẬU

Nguồn CAĐN: http://cadn.com.vn/news/65_210375_-nha-bao-cua-cac-khu-dan-cu.aspx