Người Việt ở Thái: 'Tôi đến gặp hiệu phó sau thảm kịch xả súng'

Nhiều người Việt ở Thái Lan cảm thấy lo lắng sau vụ xả súng hôm 6/10, đồng thời hy vọng chính quyền sẽ đưa ra những quy định an ninh chặt chẽ hơn.

“Một ngày sau (vụ xả súng), khi đưa con tới trường, tôi đã gặp trực tiếp hiệu phó và yêu cầu nhà trường tăng cường các biện pháp đảm bảo an toàn cho học sinh”, chị Nguyễn Cẩm Thu - người Việt sinh sống tại Bangkok, có con 3 tuổi - chia sẻ với Zing.

Chị cho hay tất cả phụ huynh đều lo lắng và yêu cầu phía nhà trường có biện pháp đảm bảo an ninh chặt chẽ hơn hiện tại.

“Gia đình tôi còn nói chuyện nhẹ nhàng, nhưng nhiều gia đình thậm chí cho con nghỉ học chờ đến khi nhà trường có phương án hợp lý”, chị Thu nói.

Hiện tại, cơ sở giáo dục nơi con chị Thu đang theo học thông báo sẽ sớm phản hồi lại về việc thắt chặt an toàn, an ninh cho học sinh sau vụ xả súng.

Hôm 6/10, Thái Lan chứng kiến vụ xả súng đẫm máu vào nhà trẻ ở tỉnh Nong Bua Lamphu, miền Đông Bắc nước này. Thủ phạm Panya Khamrab cầm dao và khẩu súng lục 9 mm xông vào nhà trẻ lúc 12h30 (giờ địa phương).

Sau khi sát hại trẻ em và nhân viên nhà trẻ, người này trốn khỏi hiện trường, về nhà và giết vợ con rồi tự sát, kết thúc thảm kịch sau gần 3 giờ. Khamrab là cựu cảnh sát và đã bị sa thải hồi tháng 6 vì sử dụng ma túy.

Vụ xả súng khiến 36 nạn nhân thiệt mạng, trong số đó có 24 trẻ em - hầu hết là trẻ mới học mẫu giáo - và cả một giáo viên đang mang thai 8 tháng.

Sốc, hoảng sợ và bàng hoàng

Chị Cẩm Thu cho biết bản thân đã “rất sốc và hoảng sợ khi xem các bản tin đầu tiên về vụ việc”.

“Dù không sinh sống tại nơi xảy ra vụ xả súng, khi tin tức ập đến, nó vẫn có những ảnh hưởng nhất định về mặt tinh thần đối với tôi. Tôi rất thương những em bé vô tội đã phải ra đi trong vô thức, hoàn toàn không hề có khả năng hay cơ hội để chạy trốn, vì đó là giờ các bé đang ngủ trưa”, chị Thu kể lại.

Cùng chung cảm nhận với chị Thu, Nguyễn Diệu Linh - du học sinh ở Thái Lan - cho biết chị cũng hoảng sợ khi nhận thông tin này.

Diệu Linh - du học sinh Việt tại Thái Lan. Ảnh: NVCC.

“Sự việc khiến tất cả người dân Thái Lan bàng hoàng lo sợ. Không những vậy, những sinh viên Việt Nam đang sinh sống tại Thái Lan như tôi cũng lo ngại tột độ sau thông tin này”, Diệu Linh chia sẻ với Zing.

Diệu Linh cho biết việc sống một mình tại nơi đất khách quê người như vậy càng khiến chị thêm lo sợ. Chị cũng nâng cao cảnh giác sau khi nghe tin về thảm kịch dù vụ việc xảy ra ở khu vực ngoại ô, cách khá xa nơi chị đang sinh sống tại Bangkok.

“Điều khiến tôi cảm thấy đau đớn nhất là hầu hết nạn nhân của vụ việc là trẻ em mẫu giáo. Các em còn quá nhỏ”, Diệu Linh tâm sự.

Vụ xả súng khiến 36 nạn nhân thiệt mạng, trong đó có 24 trẻ em, hầu hết là trẻ mới học mẫu giáo. Ảnh: AP.

Trong khi đó, chị Mai Ngọc, ở Bangkok, chia sẻ đây là vụ xả súng thứ hai tại Thái Lan trong năm nay. Đối với chị, những vụ xả súng gây chết người đã không còn xa lạ.

Tuy nhiên, lần này “tay súng xả cơn tức giận lên những đứa trẻ và người không liên quan”, chị nói.

Sau khi vụ xả súng xảy ra, chị Cẩm Thu cho rằng “tất cả những gì tôi và người dân Thái Lan có thể làm là tập trung theo dõi sự việc, đi hiến máu cho những nạn nhân đang cấp cứu (khi có phát động hiến máu khẩn cấp), và chia buồn cùng gia đình nạn nhân”.

"Thái Lan vẫn là một đất nước đẹp"

Chị Cẩm Thu đã sinh sống ở Thái Lan 5 năm. Đối với chị, “Thái Lan vẫn luôn là đất nước đẹp, phát triển và đáng sống”.

Song chị thừa nhận: “Tất nhiên ở đâu cũng có người này người kia. Để sự việc lần này xảy ra, điều đầu tiên cần trách là những người quản lý súng trên toàn quốc, tiếp sau là những tội phạm buôn bán ma túy, chất kích thích,… và bản thân người phạm tội”.

Trong khi đó, chị Ngọc cảm thấy tình hình an ninh ở Thái Lan lúc này “đang có vấn đề”. “Chỉ mới vài ngày trước (7/10), cảnh sát đã kịp thời ngăn chặn một người phê ma túy, mang súng vào trường học”, chị kể lại.

Động cơ của nghi phạm trong vụ xả súng ở nhà trẻ vẫn chưa được xác định, nhưng việc người này bị sa thải vì tội danh liên quan đến ma túy đã dẫn đến suy đoán rằng tình trạng nghiện ngập đóng vai trò nào đó.

Tuy vậy, chị Cẩm Thu khẳng định sau sự việc đáng tiếc này, góc nhìn của chị về Thái Lan không thay đổi nhiều.

“Tôi chủ yếu quan tâm tới vấn đề nâng cao mức độ an toàn cho học sinh, sinh viên và giáo viên trong trường học. Tuy nhiên, tôi cũng hiểu trong sự việc lần này, trường học không phải không có bảo vệ. Người bảo vệ đã bị bắn chết ngay từ những phát súng đầu tiên”, chị Thu nói.

Diệu Linh cũng khẳng định góc nhìn của chị về đất nước Thái Lan không có nhiều thay đổi sau vụ việc này. Theo cảm nhận của bản thân Linh, Thái Lan vẫn là đất nước có cơ sở hạ tầng rất tốt, với người dân thân thiện.

“Tôi ở đây cũng khá lâu và chứng kiến vài vụ bạo loạn. Dù vụ xả súng kinh hoàng khiến hơn 30 người thiệt mạng cũng khiến tôi có đôi chút hoang mang, suy nghĩ của tôi về đất nước này vẫn không thay đổi”, chị nói.

Sau sự việc, Diệu Linh cho biết sẽ nâng cao cảnh giác để bảo vệ bản thân trước những mối nguy hiểm tiềm tàng.

“Tôi đang sống tại Bangkok, thành phố đông dân cư và được rất nhiều du khách trong nước, cũng như quốc tế ghé thăm hàng năm. Vì vậy, an ninh của từng khu vực được đảm bảo khá cao cho người dân”, Diệu Linh chia sẻ thêm.

Bé gái đứng cạnh xe đạp làm vật cúng cho các nạn nhân vụ xả súng bên ngoài chùa Wat Rat Samakee ngày 10/10. Ảnh: Reuters.

Một ngày sau khi vụ xả súng xảy ra tại nhà trẻ ở Nong Bua Lam Phu, Vua Thái Lan Maha Vajiralongkorn cũng đã đến gặp và chia buồn cùng thân nhân của những nạn nhân xấu số, theo Channel NewsAsia.

"Tôi đến đây để hỗ trợ mọi người. Tôi rất đau buồn vì những gì đã xảy ra", ông nói trong đoạn video được công bố hôm 8/10. Nhà vua và Hoàng hậu Suthida cùng cầu nguyện cho những người đã thiệt mạng và cam kết “chúng ta phải cố gắng làm hết sức những gì tốt nhất có thể”.

Trước hành động của nhà vua và hoàng hậu, chị Cẩm Thu hy vọng từ sự việc lần này, chính phủ Thái Lan sẽ có “cái nhìn toàn diện và cẩn trọng hơn trong vấn đề quản lý và sử dụng vũ khí, cũng như giám sát triệt phá tình trạng buôn bán chất cấm trong nước”.

Về tình hình an ninh, chị Cẩm Thu chia sẻ các khu vực ở Thái Lan khác nhau, nên khó có thể đánh giá toàn bộ. Tuy nhiên, tại thủ đô Bangkok, chị đánh giá khá ổn định. “Càng về đêm, đường phố Bangkok có nhiều cảnh sát và các trạm giám sát hơn”, chị nói.

Thủ tướng Thái Lan Prayut Chan-Ocha đã ra lệnh trấn áp ma túy sau khi vụ xả súng kinh hoàng, đồng thời ra lệnh cho cảnh sát chủ động truy quét các chất bất hợp pháp để khôi phục niềm tin của công chúng. Tuyên bố này được Anucha Burapachaisri, phát ngôn viên của chính phủ Thái Lan, cho biết hôm 10/10, Bloomberg đưa tin.

Cảnh sát sẽ khám xét ma túy ngẫu nhiên, bắt giữ những tội phạm và đưa người sử dụng ma túy đi cai nghiện.

Phụ huynh than khóc ngoài hiện trường vụ xả súng ở Thái Lan Người thân các nạn nhân kêu khóc tại hiện trường sau vụ xả súng tại một nhà trẻ ở tỉnh Nong Bua Lamphu miền Đông Bắc Thái Lan, khiến ít nhất 34 người thiệt mạng, bao gồm 22 trẻ em.

Hải Linh - Phương Linh - Vân Đinh

Nguồn Znews: https://zingnews.vn/nguoi-viet-o-thai-toi-den-gap-hieu-pho-sau-tham-kich-xa-sung-post1363874.html