Người tham gia mở 'cánh cửa thép' ở Điện Biên Phủ

Sống ở mảnh đất Lai Châu mấy chục năm, tôi có nhiều dịp đến thắp hương viếng liệt sĩ tại nghĩa trang (NT) liệt sĩ đồi A1, NT đồi Độc Lập, đồi Him Lam. Vào xem hầm bại Tướng De Catries. Trận Điện Biên Phủ 'Lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu' đã đổi bằng xương máu của mấy ngàn bộ đội, dân công hỏa tuyến. Riêng NT đồi Him Lam to nhất, có mấy ngàn ngôi mộ, trong đó nhiều ngôi mộ chưa có tên.

Trên nửa thế kỷ đã qua đi sau ngày giải phóng Điện Biên Phủ, chiến địa năm xưa một màu xanh bát ngát, TP mới mọc lên sầm uất đông vui với những sắc màu rực rỡ của các cháu học sinh tới trường. Song chúng ta không thể nào quên những người đã làm nên chiến thắng.

Từ cuối năm 1976 đến cuối năm 1979 hai gia đình chúng tôi nhà ở kề bên nhau của khu tập thể Sở Thương nghiệp tỉnh Lai Châu trên con phố chính thị xã Lai Châu. Chủ nhà “hàng xóm” là ông Nguyễn Văn Khôi. Hai vợ chồng ông và bà xã nhà tôi cùng ngành. Cho nên những khi “trà dư tửu hậu”, ông thường kể tôi nghe về trận Điện Biên Phủ ông đã tham gia. Còn tôi lại kể về những năm tháng tôi ở chiến trường đánh Mỹ. Những năm đó vợ chồng ông luôn giúp đỡ vợ con tôi những lúc khó khăn phải di chuyển chỗ ở khi sơ tán trong chiến tranh phá hoại của đế quốc Mỹ. Từ đó, mặc dù tuổi tác hai chúng tôi chênh lệch nhưng đã thành “tri âm tri kỷ“ của nhau.

Đầu năm 1954 đơn vị ông được lệnh hành quân lên Tây Bắc. Bộ đội hành quân qua Hòa Bình, Sơn La rồi lên Lai Châu. Giặc Pháp “đánh hơi” thấy quân ta lên Tây Bắc nên chúng cho máy bay đánh phá dọc đường bộ đội, dân công hỏa tuyến hành quân, vận chuyển vũ khí quân lương. Nhiều đoạn phải đi đêm, nhất là đoạn qua đèo Pha Đin trống trải.

Cờ chiến thắng trên nóc hầm Đờ Cát. ẢNH TƯ LIỆU

Khi ấy anh thanh niên Nguyễn Văn Khôi là tiểu đội trưởng bộ binh thuộc Đại đội 360, Tiểu đoàn 130, Trung đoàn 209, Đại đoàn 312. Đơn vị có nhiệm vụ đánh vào hướng Đông Bắc tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ. Các đơn vị bộ binh đã vào vị trí, chỉ chờ giờ G là nổ súng, bỗng dưng được lệnh rút về phía sau. Chiến sĩ thắc mắc thì chỉ huy trả lời ngắn gọn: Cần chuẩn bị tiếp, lui về phía sau tiếp tục huấn luyện và bồi dưỡng sức khỏe cho bộ đội.

Ít lâu sau đơn vị được lệnh tiếp cận mục tiêu. Tiểu đội Nguyễn Văn Khôi trong đội hình trung đoàn ém quân tại một khu rừng rậm cách cứ điểm khoảng 2km. Buổi chiều, pháo 105ly của ta đồng loạt khai hỏa. Các cứ điểm của địch từ các hướng đều bị tấn công. Đến 17g, pháo bắn cấp tập vào cứ điểm Him Lam. Khi ấy bộ binh vận động đến sát mục tiêu.

Him Lam là một cứ điểm mạnh của tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ. Thực dân Pháp khoe đây là “cánh cửa thép” bảo vệ hướng Đông Bắc. Ở đây có ba quả đồi thế chân kiềng bảo vệ chi viện cho nhau khi bị tấn công.

Khi pháo ngừng, tiểu đội trưởng Nguyễn Văn Khôi dẫn đầu đồng đội xông lên luồn bộc phá ống vào lớp rào thép gai bùng nhùng, đánh tung từng lớp. “Cửa” đã được mở, bộ đội ào ào xông lên đánh chiếm Him Lam.

Song, Him Lam được xây dựng kiên cố hơn cả. Nhiều lô cốt, hầm ngầm, lỗ châu mai sát mặt đất, bên trong đặt đại liên quét ra. Bộ đội hết lớp này ngã xuống, lớp khác xông lên. Trời tối từ lâu mà ta chưa chiếm được cứ điểm. Bộ đội thương vong nhiều do 1 khẩu đại liên án ngữ chính diện. Nhưng tinh thần bộ đội rất ngoan cường không nhụt chí.

Bỗng có một bóng người trong đội hình tiểu đoàn lách ra khỏi đơn vị. Người đó lúc bò, lúc chạy khom khom vòng ra phía bên tránh luồng đạn lửa từ trong lô cốt quét xuống. Mọi người hồi hộp theo dõi. Đến sát chân lô cốt cách lỗ châu mai khoảng sải tay về phía phải, anh quẳng liên tiếp mấy quả lựu đạn vào lỗ châu mai. Rồi đứng dậy vươn mình lao tới, lấy thân mình bịt lỗ châu mai – bịt dòng đạn lửa đang “tuôn chảy”. Họng súng đại liên đã bị bịt lại, chiến sĩ ta ào ào xông lên. Thủ pháo, lựu đạn quẳng vào các lỗ châu mai, hầm ngầm. Cờ đỏ sao vàng được cắm lên nóc lô cốt.

Him Lam đã bị tiêu diệt. “Cánh cửa thép” Đông Bắc tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ đã được mở toang. Đó là tối 13-3-1954.

Ông Khôi tâm sự: - Người chiến sĩ lấy thân mình bịt lỗ châu mai cứ điểm Him Lam, sau này tôi mới biết, đó là anh Phan Đình Giót. Anh hy sinh dũng cảm song lại rất khôn khéo. Lấy cái chết của mình để giảm tối đa thương vong cho đồng đội, trong đó có cả tôi nữa. Những ngày tiếp theo, tôi cùng đồng đội tấn công các cứ điểm như: E1, D2, 506, 504A. Khi bước vào chiến dịch, đại đội tôi có khoảng 150 cán bộ chiến sĩ, đến ngày 6-5-1954 cả đại đội chỉ còn trên 30 người.

Tôi nói: Ta cứ suy ra, chỉ cần qua 3 nghĩa trang LS ở Điện Biên thì đủ hình dung được sự ác liệt và tổn thất không phải là ít để có một chiến thắng vĩ đại đó. Như nhà thơ Tố Hữu đã viết “Năm mưới sáu ngày đêm, khoét núi ngủ hầm, mưa dầm, cơm vắt / Máu trộn bùn non/ Gan không núng/ Chí không mòn/ Những đồng chí thân chôn làm giá súng/ Đầu bịt lỗ châu mai/ Băng mình qua núi thép gai/ Ào ào vũ bão”.

- Năm mưới sáu ngày đêm anh dũng chiến đấu hy sinh- ông tâm sự - tôi đã đi suốt chiều dài chiến dịch. Nhưng ấn tượng ghi đậm nét trong ký ức của tôi là trận đánh cứ điểm Him Lam mở màn chiến dịch. Tôi được trực tiếp chứng kiến hành động anh hùng phi thường của đồng chí Phan Đình Giót. Hành động đó chỉ lóe sáng trong tích tắc để giành thắng lợi…Nhưng các thế hệ kế tiếp sẽ nhớ mãi đến ông cùng những người đã ngã xuống!

- Đúng vậy – tôi nói – Chiến dịch Điện Biên Phủ có nhiều tấm gương hy sinh dũng cảm lắm, như: Bế Văn Đàn lấy thân làm giá súng; Tô Vĩnh Diện lấy thân chèn pháo… và còn nhiều tấm gương anh hùng khác nữa, tất cả các anh, sử sách và nhân dân còn ghi mãi chiến công đã làm “Lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu”.

- Nghĩa trang đồi A1 chắc chú đã đến. Còn NT đồi Độc Lập, NT đồi Him Lam chú đã đến chưa? - Tôi đến cả rồi. Nghĩa trang đồi A1 nằm giữa trung tâm TP Điện Biên ai mà chả biết, nhưng nhỏ, chỉ có mấy trăm ngôi mộ. Còn NT đồi Độc Lập và NT đồi Him Lam phải mấy nghìn ngôi. To nhất, nhiều mộ nhất là NT đồi Him Lam. Những ngôi mộ của những người con ưu tú của nhiều tỉnh thành tham gia chiến dịch. Họ sống mãi tuổi thanh xuân cùng non sông đất nước!

Năm 2004 kỷ niệm 50 năm chiến thắng Điện Biên Phủ, cơ quan cũ (Tỉnh ủy Lai Châu) mời tôi lên dự Lễ. Tôi gặp ông Khôi cùng đoàn CCB ĐBP, ngực lấp lánh Huân chương, Huy hiệu chiến sĩ ĐBP. Chúng tôi ôm nhau mừng vui khôn tả. Hai người bạn CCB của hai cuộc kháng chiến gặp nhau trên mảnh đất lịch sử. Ông mời tôi về thăm lại thị xã Lai Châu.

Nhà ông vẫn ở chỗ cũ. Tôi ra thăm mảnh vườn xưa mà con trai tôi đã trồng cây xoài khi tôi đang chiến đấu ở chiến trường miền Nam. Năm 1979 khi chuyển chỗ ở, gia đình tôi đã tặng gia đình ông mảnh vườn. Nay cây xoài còn đó, gốc đã to đường kính gốc ước khoảng 40cm, quả chín trĩu cành.

Đêm ấy dưới trăng phố núi, bên chén rượu nồng, chúng tôi ôn lại chuyện xưa từ thời xa ngái. Bỗng nảy ra tứ thơ, tôi đọc ông nghe, trong đó có câu: “Gặp bạn thuở mái đầu xanh/ Say trong câu chuyện ân tình/ Cây Xoài con trồng thuở ấy/ Đung đưa trái chín vàng cành”.

Sau giải phóng ĐBP, ông Khôi ở lại xây dựng Nông trường Điên Biên trên bãi chiến trường năm xưa, biến vùng đất chết thành cánh đồng lúa ngô màu mỡ. Và rồi duyên số, ông đã gặp cô gái cùng quê ở NT, kém ông đến chục tuổi nên duyên vợ chồng. Sau này ông bà chuyển sang ngành thương nghiệp. Cũng tình cờ mà hai gia đình chúng tôi ở bên nhau.

Con cả ông bà theo nghiệp cha, hiện đã là chàng Thiếu tá chững chạc. Ông bảo: - Thế hệ tôi đánh Pháp, thế hệ chú đánh Mỹ rồi lại đánh bọn bành trướng xâm lược biên giới phía Bắc. Còn thế hệ con cháu chúng mình chưa biết thế nào nên tôi cho cháu tiếp tục cầm súng để…sẵn sàng… Ông bỏ lửng câu nói. Tôi bảo: Cứ tưởng đánh xong Mỹ là có thể “gác kiếm” lo xây dựng đất nước, nào ngờ...

Điện Biên Phủ là bản hùng ca sáng ngời muôn thuở đã viết nên thiên sử vàng chói lọi của dân tộc Việt Nam trong thế kỷ XX chẳng thể lãng quên. Mặt khác, hãy cảnh giác khi các thế lực bên ngoài luôn luôn có những mưu đồ đen tối…

Thấm thoắt đã 64 năm – một đời người. Những chiến sĩ ĐB năm xưa nay chẳng còn mấy. Những người còn có dịp gặp lại cũng trên 80 tuổi cả rồi. Nhưng họ đã để lại cho đời một dấu son chói lọi lấp lánh như những vì sao sáng nhất trên bầu trời Tổ quốc– Bác Hồ và Đại tướng Võ Nguyên Giáp là linh hồn – trái tim cùng chung nhịp đập của chiến dịch lịch sử Điện Biên Phủ huyền thoại!

Bút ký của Phạm Bá Dực

Nguồn PL&XH: http://phapluatxahoi.vn/nguoi-tham-gia-mo-canh-cua-thep-o-dien-bien-phu-114831.html