Người dân xứ Truồi tiếc thương vị Đại tướng giản dị, gần dân

Hôm nay (ngày 3/5), lễ viếng nguyên Chủ tịch nước, nguyên cố vấn BCH Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam, Đại tướng Lê Đức Anh bắt đầu từ 7 giờ đến 11 giờ tại Hà Nội, TP Hồ Chí Minh và Thừa Thiên Huế.

Người dân thôn Bàn Môn thắp hương viếng Đại tướng Lê Đức Anh tại quê nhà.

“Nghe tin bác mất, tim tôi đau đớn"

Đến viếng nguyên Chủ tịch nước Lê Đức Anh tại hội trường UBND tỉnh Thừa Thiên Huế, ông Phan Ngọc Thọ - Chủ tịch UBND Thừa Thiên Huế và các thành viên trong đoàn Tỉnh ủy, HĐND, UBND, UBMTTQ Việt Nam tỉnh do Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND, Trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh làm trưởng đoàn đã dành một phút mặc niệm, thể hiện lòng tri ân sâu sắc đến vị Đại tướng.

“Hôm nay cả nước đau buồn tiễn đưa Bác. Bác ra đi là một tổn thất to lớn của Đảng, Nhà nước, Quốc hội và Nhân dân ta, trong đó có Nhân dân Thừa Thiên Huế. Chúng cháu tự hào có Bác, người tướng lĩnh tài ba của dân tộc, người con trung hiếu của Đảng, của quê hương. Vĩnh biệt Bác với niềm thương tiếc vô hạn”, Chủ tịch UBND tỉnh Phan Ngọc Thọ xúc động khi viết những dòng cảm tưởng tại sổ tang Đại tướng.

7 giờ 15 phút, Hội đồng họ Lê tỉnh Thừa Thiên Huế, nhiệm kỳ 2018 – 2023 và Đảng bộ, chính quyền, Nhân dân huyện Phú Lộc và xã Lộc An trân trọng vào viếng Đại tướng.

Bà Lê Thị Xoan (em gái duy nhất của Đại tướng Lê Đức Anh) tại nhà thờ Đại tướng Lê Đức Anh ở thôn Bàn Môn xã Lộc An.

Từ sáng sớm nay, bà con xóm làng cùng người thân trong gia đình đại tướng đã chuẩn bị chu đáo mọi phần việc để buổi lễ dâng hương, thăm viếng của bà con xóm làng được diễn ra thành kính, trang nghiêm tại gia tộc Đại tướng ở làng Bàn Môn, xã Lộc An.

Ông Trần Đình Hàng (85 tuổi) ở làng Bàn Môn xúc động kể: Lúc còn khỏe cứ mỗi lần về thăm quê, Đại tướng thường ra bến sông cạnh làng, rồi ngồi nghỉ rất lâu ở đây. Đại tướng thường nói, nơi đây đã gắn bó ông từ những ngày niên thiếu. Hồi nhỏ khúc sông Truồi chảy qua địa phận làng Bàn Môn đã chất chứa biết bao kỷ niệm cả tuổi thơ Đại tướng. Đến sau này khi đã làm Chủ tịch nước rồi đến lúc nghỉ hưu mỗi năm ông và con cháu vẫn thường xuyên ghé thăm quê. Và cứ thành thông lệ, ông cũng dẫn con cháu ra bến sông quê để ôn lại kỷ niệm.

Bà Lê Thị Xoan năm nay 90 tuổi, là em người em gái duy nhất của Đại tướng Lê Đức Anh, cho biết: Thể theo di nguyện của anh lúc còn sống, lâu nay anh em dòng tộc chúng tôi thường xuyên nhắc nhở nhau cố cố gắng, sống theo lời dạy của Đại tướng phải luôn biết tiết kiệm, khiêm nhường. Tập thói quen tự lập, không được ỷ lại. Tất cả anh em phải luôn giản dị.

“Dù ở cương vị nào nhưng cứ mỗi khi có dịp ghé thăm quê, anh tôi cũng mong được nhìn ngắm sông Truồi, rồi uống bát chè xanh quê hương”, bà Xoan bùi ngùi.

Nhớ lại lúc còn làm bí thư xã Lộc An từ năm 1981 đến 1989, ông Hoàng Ngọc Yến (87 tuổi thôn An Lại, xã Lộc An) may mắn được 3 lần gặp Đại tướng, nguyên chủ tich nước Lê Đức Anh.

Ấn tượng đọng lại trong ông đó là hình ảnh vị Đại tướng rất gần gũi với bà con dân làng. Mỗi lần ghé thăm trụ sở xã cũ (lúc đó còn nằm gần cầu Truồi), Đại tướng luôn nhắn nhở làm cán bộ phải thương dân như con. Ông nói không nơi nào ở xứ Thừa Thiên (Thừa Thiên Huế) mình mà có được một chi Bộ Đảng Cộng sản được thành lập vào những năm 1930 như quê hương chúng ta. Vì vậy Đại tướng căn dặn tôi làm Bí thư, thì phải biết hy sinh cá nhân để lo cho nhân cho bà con xóm làng, phải phát huy tinh thần cách mạng của quê hương xứ Truồi.

Kết thúc câu chuyện, bao giờ Đại tướng Lê Đức Anh cũng uống một nước bát chè xanh với mùi gừng đậm đà của xứ Truồi. “Nghe tin bác mất tim tôi đau đớn, 30 năm trong quân đội chưa bao giờ tôi lại gặp được một vị tướng gần dân, và nặng tình quê hương như Đại tướng Lê Đức Anh”, ông Hoàng Ngọc Yến xúc động.

Tiếc thương vị đại tướng giản dị

Đình làng Bàn Môn quê hương Đại tướng Lê Đức Anh.

Ông Nguyễn Bùi, hiện tại là Bí thư Đảng bộ xã Lộc An, nhớ lại: Trong một lần về thăm quê hương vào giữa năm 2014, Đại tướng Lê Đức Anh đột ngột ghé vào UBND xã Lộc An để thăm các cán bộ đang làm việc tại đây. Lúc đó, sức khỏe Đại tướng cũng đã yếu, đi phải có người dìu.

Buổi ghé thăm của Đại tướng kéo dài chỉ vỏn vẹn trong 30 phút. Và trong chừng ấy thời gian ngắn ngủi, Đại tướng đã dặn dò các cán bộ xã đủ điều. Đến tận hôm nay, sự giản dị, gần gũi của Đại tướng Lê Đức Anh vẫn còn in hằn trong tâm trí của ông Bùi và nhiều cán bộ xã Lộc An.

Ông Bùi vẫn còn nhớ như in lời Đại tướng nhắn nhủ: Quê hương Lộc An còn nghèo, nhân dân còn khó khăn nhưng tôi đã lớn tuổi rồi, đã về hưu và không giúp gì được. Vì thế, cán bộ xã phải nỗ lực trong công việc, đi đầu trong các phong trào, phải biết gần dân, lắng nghe tâm tư nguyện vọng của dân thì mới hiểu và giúp người dân được.

“Kết thúc buổi nói chuyện, Đại tướng còn nhắc nhở, ở quê mình nước chè Truồi là ngon thượng hạng sao không đem ra mời bác, lại cho bác uống nước suối. Lúc đó, dù tôi nhanh tay cầm máy nói cán bộ đem nước chè lên mời bác nhưng đã trễ giờ, đoàn xe đưa bác phải lên đường”, ông Bùi tiếc nuối nhắc lại kỷ niệm.

Riêng tình cảm đối với Đại tướng Lê Đức Anh với quê hương xứ Truồn, dù xa quê rất lâu, thường xuyên ngoài chiến trận cho đến lúc lên làm lãnh đạo đất nước rồi nghỉ hưu nhưng tình yêu và nỗi nhớ quê luôn đau đáu trong ông.

Chính vì thế lúc còn sống, Đại tướng đã viết trong hồi ký: “Quê tôi có núi Truồi và sông Truồi. Sông Truồi bắt nguồn từ vùng rừng núi phía tây của huyện Phú Lộc đổ ra phá Tam Giang. Sông Truồi có nguồn nước dồi dào làm cho làng xóm hai bên bờ trở nên sầm uất và làm cho cánh đồng quê tôi tươi tốt”.

Từ đây, người dân làng Bàn Môn sẽ không còn gặp lại Đại tướng nhưng hình ảnh một vị tướng gần gũi, giản dị đi trên mảnh đất quê hương sẽ còn in hằn trong trí nhớ của nhiều người. Hôm nay, tất cả người dân ở quê hương sẽ thắp nén nhang để tỏ lòng tưởng nhớ, tri ân Đại tướng - một người con ưu tú của xứ Truồi, của quê hương Thừa Thiên Huế.

Minh Ngọc

Nguồn GD&TĐ: http://giaoducthoidai.vn/thoi-su/nguoi-dan-xu-truoi-tiec-thuong-vi-dai-tuong-gian-di-gan-dan-3999909-c.html