Ngư dân Đá Bạc xung kích đóng tàu vươn khơi

Từ năm 2017 đến nay, trên địa bàn xã Khánh Bình Tây, huyện Trần Văn Thời, tỉnh Cà Mau có khoảng 10 phương tiện dịch vụ hậu cần nghề cá và tàu khai thác được đóng mới, với công suất lớn từ 90CV trở lên, có khả năng đánh bắt xa bờ. UBND xã Khánh Bình Tây cho biết: Trên địa bàn không có phương tiện nào được thụ hưởng chính sách hỗ trợ từ Nghị định 67 của Chính phủ, 10 phương tiện này được đóng mới hoàn toàn do ngư dân tự huy động vốn.

Anh Khởi (bên trái) bên chiếc tàu đang đóng mới sắp hạ thủy của mình. Ảnh: Lê Khoa

Quyết tâm vươn khơi

Năm nay 40 tuổi, nhưng anh Lê Thanh Toàn, ngụ ấp Kinh Hòn, xã Khánh Bình Tây, đã có thâm niên gần 20 năm làm nghề đánh bắt thủy sản trên biển. Anh Toàn chia sẻ, gia đình anh không có truyền thống làm nghề biển, nhưng duyên nợ đã đưa anh đến với nghề vào năm 1999. Đi làm công cho người khác, đến khi có vốn thì anh đầu tư làm ghe nhỏ đánh bắt gần bờ. Chịu khó tích cóp rồi anh cũng đóng được ghe lớn làm nghề ốc mực xa bờ. Hiện tại, gia đình anh đang có 3 chiếc hoạt động trên biển, mỗi chiếc công suất trên 90CV. Làm ăn có hiệu quả nên năm 2018, anh tiếp tục đầu tư đóng mới 1 chiếc và sẽ hạ thủy vào đầu tháng 7 này.

Theo anh Toàn, với giá thành hiện nay, đầu tư hơn 1 tỷ đồng để đóng mới phương tiện chỉ được loại tầm trung, nhưng cũng có thể chịu được sóng gió cấp 6, cấp 7. Sau khi hạ thủy, anh Toàn sẽ liên kết 4 chiếc của gia đình đánh bắt tập trung để hỗ trợ nhau trên biển. Theo tính toán và kinh nghiệm của anh Toàn thì 4 chiếc tàu có công suất và trọng tải lớn như của gia đình anh cũng đủ điều kiện liên kết đánh bắt dài ngày trên biển. Khi cần sẽ sử dụng 1 chiếc trung chuyển sản phẩm vào bờ và đưa nhiên liệu, lương thực, thực phẩm ra biển cho các phương tiện còn lại, sẽ tiết kiệm được khá nhiều chi phí cho gia đình.

Anh Dương Quốc Khởi, năm nay 36 tuổi, ngụ cùng ấp Kinh Hòn, cũng đang khẩn trương hoàn thành để hạ thủy con tàu có trọng tải hơn 60 tấn, lắp máy công suất trên 100CV. Sau khi hạ thủy tàu, anh Khởi sẽ làm nghề lưới và câu mực. Anh cho biết, trước đây gia đình khó khăn, phương tiện nhỏ chỉ làm nghề cào mé không hiệu quả, nên quyết định vay mượn thêm kinh phí đầu tư chuyển đổi nghề và vươn ra khơi xa.

Đưa mắt nhìn về phía biển, nhớ lại những ngày còn làm nghề đánh bắt ven bờ, anh Khởi buồn rười rượi cho biết, phương tiện nhỏ, cào cóc ven bờ, sóng cấp 3, cấp 4 là không dám ra cửa. Càng gần mé bờ thì sóng càng lớn nên đi làm lúc nào cũng sợ hãi. Vì cuộc sống đành phải liều, ngoài sóng gió thì gần bờ có hàng trăm phương tiện nhỏ khác của địa phương cùng thả lưới, đẩy te, đặt lú bát quái, dẫn đến va chạm, lưới chồng lên lưới, chuyện tranh chấp, cãi lộn xảy ra thường xuyên. Bên cạnh đó, thời gian qua, nạn trộm cắp ngư lưới cụ lộng hành, làm cho ngư dân nghèo đánh bắt gần bờ càng thêm khốn khó.

Còn nhiều nỗi lo

Hiện nay, xã Khánh Bình Tây, huyện Trần Văn Thời có 283 phương tiện công suất dưới 20CV. Ngư dân đánh bắt gần bờ chủ yếu làm theo thời vụ, với các nghề như te, cào, lưới, lú bát quái, biển động thì “được mùa” và luôn đối mặt với nguy cơ mất an toàn. Từ năm 2015 đến nay, tại địa phương đã có hàng chục phương tiện đánh bắt gần bờ bị sóng đánh chìm. Tuy chưa có thương vong, nhưng sự nguy hiểm của biển cả luôn ám ảnh người dân nơi đây.

Ông Nguyễn Cảnh Hạnh, Phó Chủ tịch UBND xã Khánh Bình Tây cho biết: Phần lớn phương tiện hoạt động tại cửa biển Đá Bạc đều được người dân cải hoán từ phương tiện thủy nội địa, tải trọng từ 1,5 đến 3 tấn, thường đi từ 2-4 người, ghe không có mui, không có trang thiết bị an toàn cho người..., nếu gặp thời tiết xấu sẽ rất nguy hiểm. Chính quyền địa phương và Trạm Kiểm soát Biên phòng Đá Bạc thường xuyên vận động bà con chấp hành về đảm bảo an toàn cho người và phương tiện, nhưng vì cuộc sống khó khăn nên nhiều ngư dân vẫn còn xem nhẹ tính mạng của mình.

Theo ngư dân địa phương thì ở đây không chỉ có số phương tiện nhỏ, hoạt động không phép, khi đánh bắt gần bờ mới gặp nguy hiểm bất trắc, mà với phương tiện có trọng tải lớn cũng vẫn lo sợ vì luồng lạch ra vào đã bị bồi lắng. Anh Nguyễn Việt Khanh, chủ doanh nghiệp thu mua hải sản tại ấp Kinh Hòn cho biết, bắt đầu từ tháng 3 đến tháng 9 âm lịch là thời điểm cửa biển Đá Bạc bị cạn. Nhiều phương tiện bị mắc cạn dẫn đến gãy chân vịt, hư hỏng máy, thiệt hại về tài sản. Chân vịt hư thường phải sửa chữa tốn kém từ 5 - 10 triệu đồng, phương tiện càng lớn thì càng nguy hiểm. Nhiều khi thời tiết có giông, lốc, biển động, chạy vào bờ bị mắc cạn ở cửa là nguy hiểm nhất, ngoài gãy chân vịt, tàu mắc cạn rất dễ bị sóng đánh bể hoặc lật úp.

Cửa biển cạn cũng là nguyên nhân chính dẫn đến các doanh nghiệp không thu mua được hàng vì tàu cá của các địa phương khác không vào được. Anh Khanh chia sẻ, tạm tính về kinh tế, 1 phương tiện câu mực của ngư dân địa phương khác thường đi từ 8 đến 15 người. Nếu mỗi ngày thu hút được từ 10 chiếc trở lên vào Đá Bạc thì dân địa phương có lợi. Doanh nghiệp mua được hàng hải sản và bán được nhiên liệu, nước đá, các mặt hàng khác, thậm chí nông dân trồng rau cũng bán được cho ngư dân. Không mua, bán được hàng đồng nghĩa với việc các doanh nghiệp địa phương không có doanh thu và sẽ ảnh hưởng đến nguồn đóng góp ngân sách cho địa phương.

Các ngư dân mạnh dạn đầu tư đóng mới phương tiện để vươn ra biển lớn, ngoài việc đánh bắt thủy hải sản đúng vùng tuyến theo quy định, còn là lực lượng hùng hậu cùng các lực lượng chức năng tham gia bảo vệ vững chắc chủ quyền vùng biển, đảo của Tổ quốc, cũng là bảo vệ thủy sản, môi trường gần bờ. Vì vậy, những ngư dân này cần được khuyến khích đầu tư. Việc bồi lắng các cửa biển có yếu tố thiên nhiên, nhưng sự can thiệp kịp thời của các ngành chức năng sẽ tạo điều kiện cho ngư dân bám biển, cho các doanh nghiệp và nhân dân trên địa bàn ven biển có kế sinh nhai, là việc cần và cấp thiết.

Lê Khoa

Nguồn Biên Phòng: http://bienphong.com.vn/ngu-dan-da-bac-xung-kich-dong-tau-vuon-khoi/