Ngôi mộ bí ẩn ở Đan viện Thánh mẫu Khiết Tâm

Bà Trịnh Thị Dung

Trong khu nhà nguyện của Đan viện Thánh mẫu Khiết Tâm (xã Vĩnh Thanh, H.Nhơn Trạch) có một ngôi mộ nằm trên sàn nhà, bia mộ cũng được khảm trên nền nhà. Đây là một điều lạ, bởi đan viện là nơi tu nguyện của một dòng khổ tu nam trong khi người nằm dưới mộ là phụ nữ.

Ngôi mộ rất đơn sơ, trên tấm bia bằng đá trắng chỉ khắc mấy dòng chữ Latin: Hic Jacet Maria Trịnh Thị Dung Virgo, Fundatrix Hujus Monasterii, Nata Anno 1890, Obiit die 11 Octorbris Anno 1959 (tạm dịch: Mộ chí trinh nữ Maria Trịnh Thị Dung, người sáng lập tu viện này, sinh năm 1890, qua đời ngày 11-10-1959). Những dòng chữ này cho biết bà Trịnh Thị Dung chính là người lập nên Đan viện Thánh mẫu Khiết Tâm, vì thế được an táng đặc biệt tại đan viện. Vậy, bà Trịnh Thị Dung là ai?

Nữ đại điền chủ

Bà Trịnh Thị Dung, còn gọi là Tám Dung, tuy mộ phần nằm tại một đan viện ở Nhơn Trạch, nhưng thực tế bà chưa bao giờ sống ở đây. Bà sinh ra và lớn lên ở vùng Chợ Quán - Sài Gòn trong gia đình giàu có, có quốc tịch Pháp. Vào đầu thế kỷ XX, tại miền Nam thực dân Pháp có chủ trương ưu ái trong việc cấp đất đai cho người có quốc tịch Pháp, những người này chỉ cần xin phép khai khẩn đất hoang, đăng ký đất khai khẩn vào địa bộ, sau đó được cấp bằng khoán. Gia đình bà Tám Dung từ chính sách ưu đãi này đã sở hữu rất nhiều ruộng đất ở miền Tây và xung quanh Sài Gòn, trở thành đại điền chủ. Riêng ở vùng Nhơn Trạch, bà Tám Dung có gần 300ha đất ruộng màu mỡ ở cù lao Ông Cồn (nay thuộc xã Đại Phước) và 286ha đất ở làng Phước Lý (nay thuộc xã Vĩnh Thanh), nằm đoạn giữa thôn Ông Kèo và thôn Xoài Minh. Số đất ruộng ở cù lao Ông Cồn, bà Tám Dung cho tá điền mướn rồi thu tô.

Mộ bia bà Trịnh Thị Dung

Nói đến việc cho tá điền làm thuê thu tô, trước Cách mạng Tháng Tám 1945, ở miền Nam tỷ lệ thu tô của một số điền chủ đối với tá điền rất cao. Do phần lớn đất đai tích tụ trong tay địa chủ, nông dân nghèo không đủ đất để canh tác nên nhiều người phải mướn ruộng của địa chủ, tới mùa nộp tô. Cả một mùa lúa gieo cấy, trồng tỉa cực nhọc, đến mùa gặt lúa phải đem cho trâu đạp, phơi khô, quạt sạch xong mới được nộp tô. Ở Nhơn Trạch, trong khi tá điền vùng Hiệp Phước mướn ruộng của gia đình Tri phủ Lê Văn An nộp tô theo tỷ lệ là 30-35% thì tại cù lao Ông Cồn tỷ lệ nộp tô của tá điền cho bà Tám Dung lên đến 50%, nhưng trong thực tế còn cao hơn bởi chủ điền thường đong lúa theo kiểu “trừ hao”.

Cù lao Ông Cồn xưa kia thuộc làng cổ Phước Thạnh, có tổng diện tích 750ha thì bà Tám Dung đã chiếm gần 300ha, một địa chủ nhỏ khác là ông Sen chiếm khoảng 50ha. Sau Cách mạng tháng Tám 1945, số ruộng đất của 2 địa chủ này bị chính quyền cách mạng ở Long Thành tịch thu và chia cho nông dân nghèo không có ruộng đất canh tác.

Ở Vĩnh Thanh, do vùng này còn hoang vắng, ít người, đất đai lại bao la bạt ngàn, ai có tiền có sức cứ tự khai khẩn đất đai trồng trọt nên không có việc mướn ruộng, vì thế với số đất sở hữu tại đây bà Tám Dung thuê nhân công làm ruộng khoảng 100ha, còn lại 186ha bà cho người trồng tràm để giữ đất.

Cả đại gia đình đều theo đạo Công giáo toàn tòng nên từ nhỏ bà Tám Dung đã sùng đạo, không lấy chồng, sống đơn giản, thậm chí khắc khổ như một nữ tu. Đối với tá điền, bà Tám Dung thu tô nặng từ mồ hôi nước mắt của nông dân, nhưng với các linh mục, cha xứ bà rất hào phóng. Là con chiên thuộc sự cai quản của giáo xứ Chợ Quán, gia đình bà Dung đã đóng góp một số tiền rất lớn khi nhà thờ Chợ Quán trùng tu vào năm 1896, cũng như đóng góp 1 trong số 5 quả chuông của nhà thờ. Khi nhà thờ Chợ Quán cần mở rộng, bà Tám Dung hiến tặng mảnh đất thuộc sở hữu của bà nằm kế bên nhà thờ. Bà Tám Dung còn dành một số ruộng đất ở ven Sài Gòn để cho các cha xứ thu tô, dùng chi dụng cho nhà thờ. Trong nhà bà ở đường Trần Bình Trọng (nay thuộc Q.5, TP.HCM), bà Tám Dung dành riêng một khu nhà cho các cha, thầy ở các tỉnh xa tá túc khi đến Sài Gòn học tập, làm việc.

Hiến đất xây dựng đan viện

Năm 1950, Hội đồng Đan viện Nhà mẹ Phước Sơn ở tỉnh Quảng Trị quyết định xúc tiến việc lập dòng mới ở miền Nam. Ban đầu, Cộng đoàn lập đan viện ở Mặc Bắc, tỉnh Trà Vinh, nhưng do khí hậu không phù hợp, nhiều người bị nhiễm bệnh nên năm 1952 người đứng đầu là Cha Stanislas Trương Đình Vang có ý định dời Cộng đoàn đi nơi khác. Biết được ý định này, bà Tám Dung đã dâng cúng cho Cộng đoàn sở đất rộng 286ha của mình ở làng Phước Lý (nằm trên đường Hùng Vương hiện nay) để lập dòng mới. Sau khi khảo sát, Cộng đoàn quyết định dời về nơi này.

Mộ bà Trịnh Thị Dung tại Đan viện Thánh mẫu Khiết Tâm (ấp Thành Công, xã Vĩnh Thanh, H.Nhơn Trạch)

Ngày 3-2-1952, Cộng đoàn khởi công xây dựng ngôi nhà đầu tiên với sự trợ giúp của người dân Xoài Minh (nay là ấp Thanh Minh). Tuy nhiên, do sở đất của bà Tám Dung ban đầu là ruộng, địa thế đất ẩm thấp, xung quanh còn gần 200ha rừng tràm nên một số người trong đan viện thường xuyên bị sốt rét. Hơn nữa, do đất khu vực này khó xây dựng kiên cố, trong khi đó phía đối diện đan viện cách khoảng 500m có một đồn điền trồng cam quýt rộng 20ha, địa thế cao, có giếng nước trong lành cho nước ngọt quanh năm, kể cả vào mùa khô, vì thế Cộng đoàn đã mua sở đất này với giá 40 ngàn đồng (giá vàng lúc ấy khoảng 2.500-3.000 đồng/lượng). Năm 1954, Cộng đoàn dời về cơ sở mới (nay thuộc ấp Thành Công), còn sở đất ruộng của bà Tám Dung vẫn dùng để trồng trọt, thu huê lợi dùng chi tiêu trong Cộng đoàn.

Sau này, Tòa Thánh Vatican có Sắc chỉ nâng Cộng đoàn thành đan viện, với tên gọi là Đan viện Phước Lý, nằm trong danh sách các dòng tu của Giáo hội; Cha Viện trưởng Stanislas Trương Đình Vang đắc cử trở thành Viện phụ đầu tiên của đan viện, lễ thụ phong được tiến hành long trọng tại Vương cung thánh đường Sài Gòn (tức nhà thờ Đức Bà Sài Gòn). Nhiều công trình sau này cũng được xây dựng ở đan viện có đóng góp lớn của bà Tám Dung.

Theo Điều 362 trong Sắc lệnh điền thổ của Toàn quyền Đông Dương ban hành năm 1925, thì “Bằng khoán điền thổ là bằng chứng duy nhất và tuyệt đối về quyền sở hữu đất và người đứng tên trên Bằng khoán là chủ sở hữu được pháp luật thừa nhận một cách không thể đảo ngược”. Chính vì vậy, một số người đã lợi dụng Sắc lệnh này để cướp không đất đai do nông dân khai khẩn nhưng chưa đăng ký địa bộ. Ở vùng Hiệp Phước (H.Nhơn Trạch) trước đây có hàng trăm ha đất rẫy của người dân bị bọn Pháp cướp trắng trợn theo phương thức này. Chúng lập nên các đồn điền gọi là sở thơm, sở điều, sở mía, người dân hai làng Phước Lai, Phước Kiển bị mất đất phải trở thành người làm thuê trên chính mảnh đất của mình.

Năm 1959, bà Tám Dung bệnh nặng. Cha Stanislas Trương Đình Vang đề xuất cho bà được phép chôn cất trong nhà thờ. Đây là vinh dự dành cho người có công lao đóng góp lớn đối với nhà dòng, như một sự tưởng nhớ, tri ân.Việc này cũng có tiền lệ, như cha Nicolas Hamm - người đặt nền móng xây dựng mới nhà thờ Chợ Quán khi qua đời cũng được chôn cất ngay bên trong chính đường nhà thờ. Tuy nhiên, ban đầu đề xuất này không được Tòa Thánh Vatican chấp thuận vì bà Tám Dung là phụ nữ, còn đan viện thuộc Dòng Xitô - một dòng khổ tu nam. Phía đan viện lại gởi tiếp một thư thỉnh cầu, nêu rõ bà Maria Trịnh Thị Dung là một người nữ tu (không lập gia đình và tu tại gia) đã dâng hiến đất đai để lập dòng Xitô Phước Lý. Tòa Thánh sau đó đồng ý cho phép chôn cất bà trong thánh đường như là người sáng lập dòng.

Ngày 11-10-1959, bà Tám Dung qua đời. Lễ tang của bà được tiến hành trọng thể tại nhà thờ Chợ Quán, sau đó ngày 15-10 linh cữu bà được đưa về an táng tại Đan viện Thánh mẫu Khiết Tâm như hiện nay.

Hà Lam

Nguồn Đồng Nai: https://baodongnai.com.vn/dong-nai-cuoi-tuan/202310/ngoi-mo-bi-an-o-dan-vien-thanh-mau-khiet-tam-d815827/