Nghiên cứu của nữ tiến sĩ 'Top 100 nhà khoa học châu Á' được tài trợ 5 tỉ đồng

Trường ĐH Bách khoa (ĐHQG TP. HCM) thông tin, dự án Dự án nghiên cứu 'Phát triển kỹ thuật sản xuất vật liệu tính năng cao Aerogel Composite từ phụ phẩm nông nghiệp' do nhóm nghiên cứu của PGS. TS Lê Thị Kim Phụng – Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Công nghệ lọc hóa dầu, trường ĐH Bách khoa (ĐHQG TP. HCM) vừa được được Quỹ Đổi mới sáng tạo (VINIF) tài trợ 5 tỉ đồng để thực hiện dự án.

Dự án của PGS. TS Lê Thị Kim Phụng và nhóm nghiên cứu thuộc lĩnh lực vật liệu thế hệ mới, với mục tiêu của dự án sẽ phát triển kỹ thuật sản xuất vật liệu cellulose aerogel tính năng cao từ nguồn phế phẩm nông nghiệp theo hướng sản xuất thân thiện với môi trường và khả thi về kinh tế. Sản phẩm của dự án sẽ là quy trình công nghệ sản xuất cùng với các sản phẩm được đánh giá theo tiêu chuẩn ASTM và sẵn sàng ra thị trường.

PGS.TS Lê Thị Kim Phụng có nhiều nghiên cứu về năng lượng tái tạo. Ảnh: ĐHBK TP. HCM

PGS. TS Lê Thị Kim Phụng từng được vinh danh là một trong "Top 100 nhà khoa học hàng đầu châu Á" năm 2017, do Tạp chí Asian Scientist bình chọn. Đây là nhà khoa học duy nhất của Việt Nam lọt vào danh sách này thời điểm đó. Trước đó, PGS. TS Lê Thị Kim Phụng còn được trao giải thưởng Khoa học ASEAN - Hoa kỳ năm 2016 dành cho phụ nữ. Giải thưởng này trao cho các nhà khoa học công tác trong lĩnh vực khoa học ứng dụng với mục tiêu cải thiện sự an toàn, bền vững và an ninh của các thành phố trong thời đại đô thị hóa đang diễn ra nhanh chóng. Năm 2019, tạp chí Forbes Việt Nam cũng bình chọn vào danh sách 50 phụ nữ có ảnh hưởng nhất Việt Nam.

PGS. TS Lê Thị Kim Phụng từng bảo vệ luận án Tiến sĩ tại trường ĐH Sheffield (Anh) năm 2008 và trở về công tác tại trường ĐH Bách khoa (ĐHQG TP. HCM). Ngoài công việc giảng dạy sinh viên chuyên ngành Hóa học, Tiến sĩ Kim Phụng có nhiều công trình nghiên cứu về khai thác năng lượng tái tạo từ phế phẩm nông nghiệp, khi nhận thấy việc sử dụng năng lượng tái tạo đang là xu thế tất yếu trên thế giới, nhằm giảm bớt lượng khí thải gây hiệu ứng nhà kính. Trong khi đó, ở Việt Nam có tiềm năng về lĩnh vực này. Việc nghiên cứu này sẽ giúp giải quyết vấn đề về môi trường, kinh tế và phát triển bền vững.

Khoa Tư

Nguồn SVVN: https://svvn.tienphong.vn/svvn-giao-duc/nghien-cuu-cua-nu-tien-si-top-100-nha-khoa-hoc-chau-a-duoc-tai-tro-5-ti-dong-1734618.tpo