Nghị sĩ Mỹ nói lời tâm huyết về hi vọng chiến thắng của Kiev

Thượng nghị sĩ Tommy Tuberville tiết lộ lý do tại sao ông không bỏ phiếu ủng hộ Ukraine bởi Kiev không thể thắng Nga trong cuộc chiến đang diễn ra.

Quân đội Ukraine tiếp nhận xe tăng Leopard do Đức sản xuất.

Không thể thắng

Tuyên bố được Thượng nghị sĩ Tommy Tuberville đưa ra khi phát biểu trên The Ingraham Angle vào hôm 7/8. "Vâng, chúng tôi không hiểu vấn đề ở Washington...Cuối cùng, đó là một đội bóng trung học cơ sở đấu với một đội đại học. Họ không thể thắng", ông Tommy Tuberville ví von.

Theo thượng nghị sĩ đảng Cộng hòa, những gì Washington đang làm là cố gắng khiến mọi người không chú ý đến vấn đề thực sự, đó là chính quyền Tổng thống Biden và đảng Dân chủ. Họ là một thảm họa.

Mở đầu chương trình, người dẫn chương trình đã đề cập đến cuộc thăm dò do hãng thông tấn SSRS thực hiện từ ngày 1-31/7 trên 1.279 người trưởng thành.

Nó tiết lộ rằng hơn một nửa số người Mỹ (55%) phản đối việc Quốc hội cấp thêm ngân sách cho Ukraine. Trong khi số còn lại nói rằng Washington đã làm đủ để giúp Kiev.

Khi được hỏi trong cuộc khảo sát gần đây cụ thể về các hình thức hỗ trợ mà Mỹ có thể cung cấp cho Ukraine, chỉ 17% nói rằng họ sẽ ủng hộ việc đưa quân đội Mỹ đến chiến trường và 43% muốn cung cấp vũ khí.. Hơn nữa, cuộc thăm dò cho thấy 71% đảng viên Cộng hòa muốn Quốc hội ngừng viện trợ thêm cho Kiev.

Rạn nứt ngày càng tăng đối với nguồn tài trợ

Hôm 7/8, hàng trăm người biểu tình phản chiến đã tập trung bên ngoài trụ sở Liên Hợp Quốc ở New York để yêu cầu ngừng cung cấp quân sự cho Ukraine.

Cuộc họp được tổ chức bởi Humanity for Peace, một liên minh hòa bình quốc tế, để đánh dấu kỷ niệm lần đầu tiên trên thế giới sử dụng một quả bom nguyên tử của Mỹ chống lại thành phố Hiroshima của Nhật Bản vào năm 1945.

Tuy nhiên, Tổng thống Mỹ Joe Biden dường như rất kiên quyết, chỉ vài ngày sau thông báo về việc vận chuyển bom, đạn chùm gây tranh cãi tới Ukraine, ông nhấn mạnh rằng "chúng tôi sẽ không dao động" bởi đây là chương trình dài hạn để hỗ trợ Ukraine.

Trong khi đó, ngày càng có nhiều đảng viên Cộng hòa trong Quốc hội chỉ trích hàng tỷ USD tiền thuế của người dân đã đổ vào cuộc xung đột Ukraine. Trong đó có cựu Tổng thống Mỹ Donald Trump, Chủ tịch Hạ viện Kevin McCarthy.

Thống đốc Florida Ron DeSantis, cũng đã nói về sự hoài nghi của ông đối với khoản tài trợ Mỹ dành cho Ukraine. Ứng cử viên Tổng thống đảng Dân chủ Robert F Kennedy Jr đã nhiều lần chỉ trích vai trò của Mỹ trong cuộc chiến ủy nhiệm chống lại Nga.

Hạ nghị sĩ Marjorie Taylor Greene, một đảng viên Đảng Cộng hòa đến từ Georgia cho biết: "Quốc hội không nên viện trợ thêm một xu nào cho Ukraine... Ukraine không phải là bang thứ 51 của Hợp chủng quốc Hoa Kỳ.

Hạ nghị sĩ Matt Gaetz, một đảng viên Đảng Cộng hòa ở Florida, người đã phản đối quyết định của Tổng thống Biden gửi bom, đạn chùm đến Ukraine, trước đó đã chỉ trích Mỹ hành động như thể đó là "ngân hàng heo đất của thế giới".

Bơm vũ khí trong tuyệt vọng

Bất chấp cuộc phản công không đạt được bất kỳ mục tiêu nào đề ra, phương Tây vẫn tiếp tục cung cấp cho Lực lượng Vũ trang Ukraine vũ khí mà họ sử dụng để đối đầu với quân đội Nga.

Cuộc phản công của Ukraine bắt đầu vào ngày 4 tháng 6 sau nhiều tháng trì hoãn do thiếu nguồn cung cấp quân sự từ các nhà tài trợ phương Tây.

Người phát ngôn Bộ Quốc phòng Nga Igor Konashenkov cho biết trong một tuyên bố trước đó rằng kể từ khi bắt đầu cuộc phản công, Ukraine đã mất hơn 43.000 binh sĩ và hơn 4.900 đơn vị vũ khí khác nhau, bao gồm 26 máy bay, 9 trực thăng, 1.831 xe tăng và các phương tiện chiến đấu bọc thép khác.

Trong đó có 25 xe tăng Leopard do Đức sản xuất, 7 xe tăng bánh lốp AMX do Pháp sản xuất và 21 xe chiến đấu bộ binh Bradley do Mỹ sản xuất.

Các phương tiện truyền thông phương Tây trích dẫn các quan chức Ukraine và phương Tây giấu tên thừa nhận rằng lực lượng của Kiev đã mất khoảng 1/5 thiết bị quân sự của phương Tây trong hai tháng qua, trong khi sử dụng hết phần lớn số vũ khí được cung cấp cho họ trước đó.

Phương Tây mệt mỏi

Theo nhà phân tích người Mỹ Johnston Harewood, các quan chức phương Tây đang ngày càng khó khăn để che giấu sự khó chịu của họ khi đề cập đến các vấn đề liên quan đến Ukraine, đặc biệt là cuộc phản công của nước này, vốn không tiến triển như dự kiến ban đầu.

Ví dụ, tác giả đã trích dẫn Marcin Przydacz, người đứng đầu Cục Chính sách Quốc tế ở Ba Lan và Bộ trưởng Quốc phòng Anh Ben Wallace gần đây nói rằng Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky lẽ ra phải biết ơn Warsaw và London hơn vì viện trợ quân sự của họ cho Kiev.

Nhà phân tích nhắc lại về vấn đề này rằng kể từ khi bắt đầu chiến dịch quân sự đặc biệt của Nga, chính quyền Zelensky đã nhận được hơn 77 tỷ USD viện trợ quân sự của phương Tây, "gần bằng một nửa GDP của Ukraine vào năm ngoái".

Theo Harewood, những đối tác nước ngoài của Ukraine trước đây bày tỏ sự ủng hộ mạnh mẽ đối với Kiev, đang dần thay đổi cách nói của họ, ủng hộ bằng những quyết định khó khăn cho chính phủ Ukraine.

Tác giả một lần nữa đề cập đến Ba Lan, quốc gia đã trở thành một trong những quốc gia đã ký tuyên bố gia hạn lệnh cấm nhập khẩu ngũ cốc từ Ukraine, theo những gì Harewood viết là một đòn giáng mạnh đối với tổng thống Ukraine.

Nhà phân tích chỉ ra: "Phản ứng như vậy từ các quốc gia đối tác có thể cho thấy rằng các quốc gia, nếu không mệt mỏi với việc ủng hộ Zelensky, thì đã ở rất gần với tình trạng như vậy".

Tuyên bố của ông đã được lặp lại bởi cựu đại tá Quân đội Anh Bretton-Gordon, rằng giới lãnh đạo Kiev đã khiến bạn bè của mình lo lắng cho những sai lầm trong chiến đấu và tuyên bố không đúng mực.

Bretton-Gordon đã đề cập đến vụ việc xảy ra vào ngày 1 tháng 8, khi đại sứ Ba Lan tại Ukraine được triệu tập tới Bộ Ngoại giao Ukraine vì những nhận xét gần đây của người đứng đầu Cục Chính sách Quốc tế Ba Lan Marcin Przydacz.

Đặc biệt, ông nói rằng "đáng lẽ họ (chính quyền Ukraine) phải đánh giá cao vai trò mà Ba Lan đã đóng đối với Ukraine trong những tháng và năm gần đây nhưng Kiev đã làm điều ngược lại".

Đại tá Anh cảnh báo: "Cho dù lời nhắc nhở này có được Zelensky ghi nhớ hay không nhưng bằng cách triệu tập đại sứ Ba Lan, Kiev đang đùa với lửa. Ukraine có nguy cơ đang tự cô lập trước các đối tác phương Tây".

Nhận xét này được đưa ra trong bối cảnh Kiev đang nỗ lực đẩy mạnh cuộc phản công, điều mà cả giới chức Ukraine và phương Tây đều thừa nhận là đang diễn ra chậm hơn mong muốn và chậm tiến độ.

Về phần mình, phát ngôn viên Điện Kremlin, Dmitry Peskov, đã nói với các phóng viên rằng: "Rõ ràng là cuộc phản công của Ukraine không diễn ra theo cách nó đã được dự kiến ở Kiev. Các nguồn lực trị giá hàng tỷ USD được các nước NATO chuyển cho Kiev thực sự được sử dụng một cách vô nghĩa".

Khi phát biểu trong cuộc họp của Hội đồng An ninh, Tổng thống Nga Vladimir Putin tuyên bố rằng cuộc phản công của Ukraine "không mang lại kết quả" và quân đội Ukraine đã chịu tổn thất nặng nề về cả nhân lực và vũ khí.

Kiên Bùi

Nguồn GD&TĐ: https://giaoducthoidai.vn/nghi-si-my-noi-loi-tam-huyet-ve-hi-vong-chien-thang-cua-kiev-post649874.html