Nghị lực của một nữ chưởng môn

(GD&TĐ) - Mặc dù đã bước vào tuổi 66, lại mang trong người căn bệnh ung thư, nhưng nữ võ sư Thu Vân (Chưởng môn võ nghệ thuật cổ truyền TP.HCM, đẳng cấp Bạch đai 18/18, người phụ nữ Việt Nam đầu tiên tham gia Đại hội Võ thuật quốc tế tại Pháp) vẫn miệt mài dạy võ miễn phí cho trẻ em khuyết tật khắp cả nước. Bà còn được các trường ĐH mời giảng dạy bộ môn võ thuật. Và đã ba lần sang Pháp, truyền bá võ thuật cổ truyền Việt Nam cho tám võ đường ở Paris.

(GD&TĐ) - Mặc dù đã bước vào tuổi 66, lại mang trong người căn bệnh ung thư, nhưng nữ võ sư Thu Vân (Chưởng môn võ nghệ thuật cổ truyền TP.HCM, đẳng cấp Bạch đai 18/18, người phụ nữ Việt Nam đầu tiên tham gia Đại hội Võ thuật quốc tế tại Pháp) vẫn miệt mài dạy võ miễn phí cho trẻ em khuyết tật khắp cả nước. Bà còn được các trường ĐH mời giảng dạy bộ môn võ thuật. Và đã ba lần sang Pháp, truyền bá võ thuật cổ truyền Việt Nam cho tám võ đường ở Paris.

Thu Vân cùng học trò tại Đại hội võ lâm

Đam mê võ thuật

Sinh ra tại Hà Nội, năm 13 tuổi, võ sư Thu Vân đã bắt đầu đến với võ thuật. Bà may mắn được cố võ sư, NSND Tám Danh rất nổi tiếng thời ấy nhận làm đệ tử, truyền dạy các môn võ cổ truyền dân tộc. Hơn 50 năm theo đuổi nghiệp võ đã tạo cho bà một ý chí mạnh mẽ mà ngay cả nam giới cũng không phải dễ dàng có được. Những lần sang Pháp, bà không chỉ giảng dạy mà còn được mời biểu diễn và làm giám khảo các hội thi võ thuật cổ truyền toàn quốc tại Pháp.

Nhắc lại những kỷ niệm này, bà cười giòn: “Tôi nhớ lần đầu sang Pháp dạy võ, nhiều môn sinh các nước Pháp, Anh, Mỹ, Thụy Sĩ, tướng tá cao to thấy tôi nhỏ con quá nên nghi ngờ không chịu học. Nhưng chỉ sau vài lần ra đòn, họ đã phải ‘tâm phục khẩu phục’ ngay. Trong mắt của các võ sinh nước ngoài, võ cổ truyền Việt Nam có một điều gì đó huyền bí, thiêng liêng lắm. Họ muốn khám phá những bí ẩn của võ thuật Việt Nam mà ông cha ta để lại”.

Tại Liên hoan Võ cổ truyền thế giới được tổ chức tại tỉnh Bình Định với sự tham gia của đại diện hơn 20 nước, võ sư Thu Vân đã viết một bản tham luận về việc giữ gìn và phát huy thế mạnh của võ cổ truyền Việt Nam. Sau đó, bà đã xuất bản một quyển sách nói về vấn đề này. Võ sư Thu Vân cũng là nữ cascadeur đầu tiên của Việt Nam, xuất hiện trong hàng loạt bộ phim nổi tiếng như Ngọc Trản thần công, Kỳ tích núi Bà Đen, Người Mỹ trầm lặng…

Bà thường dạy các học trò trong và ngoài nước rằng: “Học võ không phải đơn giản, đòi hỏi người học phải có sự kiên trì, phải biết tự hạn chế những đam mê thông thường để tập trung sức lực cũng như tâm trí vào luyện tập. Sau khi đã nắm vững những kiến thức cơ bản của môn võ mà mình theo học, sự sáng tạo riêng để phát huy những tinh hoa của môn võ mà mình lãnh hội được là vô cùng quan trọng. Người học võ trước tiên phải có đạo đức tốt, không tự phụ, không dùng võ lực để ức hiếp kẻ yếu, khi gặp chuyện chướng tai gai mắt ngoài xã hội, nếu thấy có khả năng thì can thiệp để giúp người…”.

Võ sư Thu Vân dạy võ cho trẻ khuyết tật

“Bà tiên” của trẻ khuyết tật

Khi phát hiện mình mang trong người căn bệnh ung thư hiểm nghèo, võ sư Thu Vân cũng suy sụp, buồn chán, nhưng chỉ sau một tuần, bà cứng cỏi gạt đi nỗi lo sợ bệnh tật, lao vào công việc. Bà lại càng gắng sức nhiều hơn và lấy việc dạy võ cho trẻ khuyết tật làm động lực tiếp tục sống.

Ngay cả GS. Trần Văn Khê cũng cho rằng võ sư Thu Vân đúng là “bà tiên”, vì khi dạy võ thuật, bà đã đem lại ”con mắt” cho người không nhìn thấy, đem “lỗ tai” cho người không nghe được. Bất kỳ ai xem tiết mục ca múa võ của các em khuyết tật do võ sư Thu Vân đào tạo cũng đều rất xúc động. Các em khiếm thị đảm nhận vai trò ca sĩ, nhưng khi hát mà không hề biết lời ca của mình có đúng với động tác của người múa hay không. Diễn viên múa võ bị khuyết tật câm điếc, không nghe được lại phải múa cho khớp với lời ca, tiếng đàn. Nhưng nhờ kinh nghiệm nhiều năm mà bà đã chỉ đạo tiết mục rất “ăn rơ”, mặc dù quá trình tập luyện cho các em cực kỳ gian nan và khổ cực.

Võ sư Thu Vân chia sẻ: “Bản thân tôi đã thoát chết nhiều lần, nào là cháy người, chấn thương khi làm cascadeur mạo hiểm, bị móp sọ vì tai nạn giao thông, rồi bệnh ung thư… Nhờ có võ thuật mà tôi đã vượt qua tất cả. Chính vì thế mà quãng đời còn lại của mình, tôi sẽ dành trọn cho các em khuyết tật tạo cho các em sức khỏe, niềm tin vào cuộc sống”.

Bà cười rất tươi kể: “Thời gian bị bệnh ung thư, không đủ sức khỏe đi diễn là nổi khổ tâm lớn nhất của tôi. Các con đưa đi Suối Tiên, thấy Tề Thiên đánh võ, tôi năn nỉ được biểu diễn cho đỡ nhớ nghề. Sợ bị cản, tôi lao ngay ra sân khấu làm Bạch Cốt Tinh đánh với Tề Thiên. Mải mê đánh võ, tóc giả rơi ra, lộ cái đầu lơ thơ tóc vì xạ trị ung thư làm khán giả sững sờ…. Nhưng cũng chính nhờ lần đó mà có một lương y biết được, đã giúp tôi một bài thuốc chữa bệnh nên sức khỏe của tôi tạm ổn hơn”.

Dạy võ cho võ sinh nước ngoài

Ngoài Trung tâm đào tạo võ thuật - sân khấu - điện ảnh miễn phí cho trẻ khuyết tật tại Trường ĐH Quốc tế Hồng Bàng do bà làm giám đốc, bà còn vận động các nhà giáo, võ sư đã về hưu cùng đi dạy võ, dạy hát, múa, diễn kịch... cho trẻ khuyết tật ở các Trường khiếm thị Nguyễn Đình Chiểu, Trường câm điếc Hi Vọng, Trung tâm nhân đạo Quê Hương, Trung tâm chắp cánh cô Tim, Mái ấm Thiên Phước và trẻ em được nuôi dạy ở các ngôi chùa trên khắp cả nước. Nhìn bà cùng các đồng nghiệp ngồi xe đò, xe ôm, có lúc phải cuốc bộ với lỉnh kỉnh đạo cụ, ai cũng phải thán phục.

Để có tiền mua sắm trang thiết bị, đạo cụ, trang phục cho các em, bà đã trích lương của mình, cũng như không ngại đi gõ cửa khắp nơi để vận động tài trợ. Sang Pháp biểu diễn nhận được tiền bồi dưỡng, chưa kịp về nước, bà đã gửi tiền về trước để giúp các em. Võ sinh khiếm thị Lê Hoàng Phát nói với bà: “Con ráng luyện tập, đạt đẳng cấp cao, để sau này tiếp bước cô dạy võ miễn phí và yêu thương học trò khuyết tật, giống như cô vậy”.

“Cảm ơn ông xã”

Võ sư Thu Vân cho biết: “Ông xã của tôi là đại tá quân đội. Tôi có lỗi với anh vì không có nhiều thì giờ chăm sóc gia đình. Tôi thương và biết ơn ông xã lắm. Ông ấy hy sinh cho tôi rất nhiều...”. Thời kháng chiến, bà là một cô văn công xinh đẹp, gặp anh bộ đội điển trai đem lòng yêu thương. Bao khó khăn chồng chất nhưng họ đã sống hạnh phúc cho đến tận bây giờ.

Bà nhớ như in câu chuyện những ngày đầu tiên về nhà chồng. Xa nhà đi theo đoàn nghệ thuật từ năm 13 tuổi, nên bà chẳng biết nấu nướng món gì, lúc vào bếp với mẹ chồng cứ lóng ngóng mãi, khiến cho cả nhà đều bật cười. Mẹ chồng, vốn tính hài hước, hỏi Thu Vân: “Ngoài nấu nướng ra, con còn làm được việc gì nào?”. Chỉ chờ có thế, Thu Vân cầm hai thanh củi, xin phép mẹ chồng, bước ra sân “bái tổ” rồi nhanh nhẹn đi một đường quyền “song đao lưỡng long” như rồng bay phượng múa. Gia đình nhà chồng bà vui mừng, biết rằng đã chọn được con dâu đúng ý, vì mẹ chồng và chị chồng của bà đều là những cao thủ võ nghệ ở Mỏ Cày - Bến Tre.

Lấy chồng bao nhiêu năm thì bấy nhiêu năm Thu Vân rong ruổi trên đường đi tìm những tinh hoa của võ thuật cổ truyền để áp dụng cho sân khấu trình diễn. Nhờ được chồng thông cảm, mẹ chồng rất tâm lý và thương yêu con dâu, hiểu được những nhọc nhằn của một phụ nữ theo đuổi nghiệp võ nên bà mới có được những thành công với nghề như ngày hôm nay.

Đại Nghĩa

,

Nguồn GD&TĐ: http://giaoducthoidai.vn/channel/2773/201110/Nghi-luc-cua-mot-nu-chuong-mon-1954556/