Nghệ An: Để có thể 'lấp đầy' các khu công nghiệp

Nghệ An cần đưa ra các giải pháp hiệu quả hơn nữa trong việc thẩm định năng lực cạnh tranh cũng như văn bản cam kết thực hiện đối với các DN.

Tập trung hoàn thiện hạ tầng

Trong những năm qua, Nghệ An đã tập trung làm tốt công tác giải phóng mặt bằng, tạo điều kiện tối đa cho các DN xây dựng khu công nghiệp (KCN) với quy mô hàng trăm héc ta. Tuy nhiên, sau khi hoàn thiện hạ tầng kỹ thuật, nhiều KCN trên địa bàn hiện nay vẫn chưa thể khoả lấp được diện tích đã quy hoạch.

Với mục tiêu phấn đấu đến năm 2020 đưa Nghệ An trở thành trung tâm phát triển Bắc Trung bộ trên nhiều mặt theo tinh thần Nghị quyết 26-NQ/TW ngày 30/7/2013 của Bộ Chính trị, thời gian qua, toàn bộ hệ thống chính trị của địa phương đã vào cuộc đồng bộ. Thông qua các giải pháp cải cách chính sách thu hút đầu tư, Nghệ An đã ký kết với nhiều DN lớn trong và ngoài nước. Cùng với đó, hàng nghìn m2 đất cũng nhanh chóng được Thủ tướng Chính phủ chấp thuận chủ trương chuyển đổi mục đích sử dụng để xây dựng hạ tầng các KCN.

KCN Hoàng Mai vẫn còn phần lớn diện tích chưa được triển khai xây dựng

Qua thống kê, hiện nay trên địa bàn tỉnh Nghệ An đang có 11 KCN lớn đã được quy hoạch xây dựng, trong đó có 6 KCN đã và đang xây dựng, đi vào hoạt động gồm: KCN Bắc Vinh (60 ha); KCN Tân Kỳ (600ha); KCN Nghĩa Đàn (200ha); KCN Sông Dinh (300ha); KCN Tri Lễ (200ha); KCN Phủ Quỳ (300ha) được Thủ tướng Chính phủ điều chỉnh bổ sung vào danh mục các KCN ưu tiên thành lập mới đến năm 2015 và định hướng đến năm 2020. Ngoài ra, trên địa bàn Nghệ An còn có 17 cụm công nghiệp được quy hoạch xây dựng. Đặc biệt, Khu kinh tế (KKT) Đông Nam với quy mô rộng 20.776,47ha bao gồm toàn bộ KCN Nam Cấm, KCN Hoàng Ma, KCN Đông Hồi, KCN - đô thị - dịch vụ VSIP và KCN - đô thị Hemaraj. Nhìn chung, các KKT, KCN hiện nay trên địa bàn Nghệ An sau khi đi vào hoạt động đã và đang góp phần tăng trưởng kinh tế và giải quyết các vấn đề an sinh xã hội cho địa phương.

Để các KCN sớm hoàn thiện hạ tầng kỹ thuật, các cơ quan chức năng cũng đã vào cuộc thực hiện tốt công tác giải phóng mặt bằng (GPMB), tạo “đất sạch” cho nhà đầu tư triển khai xây dựng. Ngoài những KCN đã hoàn thiện hạ tầng, đi vào hoạt động (KCN Bắc Vinh, Nam Cấm, Hoàng Mai), hiện nay tỉnh Nghệ An đang tập trung mọi nguồn lực để GPMB, bàn giao đất cho các nhà đầu tư tại KCN - đô thị - dịch vụ VSIP, KCN - đô thị Hemaraj, KCN Hoàng Mai… Nhiều KCN, cụm công nghiệp vệ tinh hiện nay cũng đang thực hiện theo phương án “vừa hành quân vừa xếp hàng” để nhà đầu tư vào hoạt động.

Phát biểu tại hội nghị gặp mặt các nhà đầu tư gần đây, ông Nguyễn Xuân Đường – Chủ tịch UBND tỉnh Nghệ An cũng khẳng định: “tỉnh Nghệ An sẽ nỗ lực phấn đấu để cải thiện mạnh mẽ môi trường đầu tư, làm tốt công tác GPMB, đầu tư hoàn thiện cơ sở hạ tầng và dịch vụ, tiếp tục rà soát, bổ sung các cơ sở hạ tầng nhằm hỗ trợ tháo gỡ khó khăn cho nhà đầu tư; hỗ trợ cung cấp và đào tạo nguồn nhân lực, thực sự sát cánh, đồng hành cùng DN và tạo điều kiện thuận lợi nhất cho các nhà đầu tư kinh doanh một cách có hiệu quả bền vững tại tỉnh Nghệ An”.

Đặc biệt, trong những năm gần đây, Nghệ An đã sớm hoàn thiện và đưa vào sử dụng nhiều công trình hạ tầng quan trọng như: Nhà ga hành khách Cảng hàng không quốc tế Vinh; Các cầu vượt đường sắt Nghệ An; Khu di tích lịch sử Truông Bồn; Các tuyến đường quan trọng QL1A, QL48, QL46… cũng đã được nâng cấp, mở rộng góp phần giảm ách tắc, nối khoảng cách vị trí địa lý vùng miền xích lại gần nhau hơn.

Cần khỏa lấp những khoảng trống

Từ năm 2009 đến nay, tỉnh Nghệ An đã phối hợp với Ngân hàng thương mại cổ phần Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV) liên tục tổ chức các hội nghị gặp mặt các nhà đầu tư, thu hút, chấp thuận trao giấy chứng nhận đầu tư cho hàng nghìn dự án. Từ năm 2009 đến 2017, qua các hội nghị xúc tiến đầu tư, Nghệ An đã thu hút được 1.068 dự án từ các tập đoàn kinh tế trong và ngoài nước với tổng số vốn đầu tư đăng ký 347.673 tỷ đồng. Riêng từ năm 2014, tỉnh Nghệ An cũng đồng loạt triển khai “Đề án tập trung thu hút đầu tư có hiệu quả vào tỉnh Nghệ An đến năm 2020” đến nay cũng đã gặt hái được nhiều thành quả rất lớn.

Bên cạnh đó, có một thực tế đang tồn tại hiện nay trên địa bàn Nghệ An nổi lên nhiều KCN vẫn còn rất nhiều diện tích chưa được lấp đầy. Có nghĩa là, sau khi nhà đầu tư đã hoàn thiện hệ thống hạ tầng công nghiệp thì việc thu hút DN vào hoạt động lại diễn ra một cách ì ạch. Thậm chí, nhiều diện tích tại các KCN trên địa bàn hiện nay đang bỏ hoang, gây lãng phí tư liệu sản xuất là những “bờ xuôi ruộng mật” mà người dân trước đó đã nhường đất để GPMB.

Theo thống kê của Ban quản lý KKT Đông Nam Nghệ An gần đây cho thấy, tổng số diện tích đất đã được nhà đầu tư xây dựng và đi vào hoạt động hiện nay rất khiêm tốn. Ngoại trừ KCN Bắc Vinh, KCN Nam Cấm đã có gần 100% DN đứng chân hoạt động thì vẫn còn nhiều KCN có khoảng trống rất lớn. Cụ thể, KCN Hoàng Mai I với diện tích phê duyệt mặt bằng 289 ha nhưng hiện nay mới chỉ có 26ha đã cho DN thuê; KCN Nghĩa Đàn với diện tích 245 ha nhưng mới chỉ có 20,5% đất đã cho thuê; KCN VSIP Nghệ An với tổng diện tích 370 ha nhưng cũng mới có 6ha đã được DN thuê đất…

Điều đáng quan tâm là con số dự án do DN đầu tư xây dựng ở các KCN trên địa bàn tỉnh Nghệ An hiện nay vẫn rất chậm. Chưa kể, nhiều dự án đã được chấp thuận đầu tư nhưng vẫn không triển khai xây dựng theo như cam kết ban đầu hoặc triển khai theo kiểu cầm chừng.

Trước thực trạng này, các nhà quản lý đưa ra nhiều nguyên nhân khác nhau: Do năng lực tài chính của nhà đầu tư không đảm bảo; quá trình thi công xây dựng gặp phải vướng mắc do việc điều chỉnh các văn bản chính sách. Ông Phan Xuân Hoá – Phó Trưởng Ban KKT Đông Nam cho biết: Khi DN xin chủ trương vào đầu tư tại các KCN thì được các cấp, ngành tạo mọi điều kiện ưu tiên để dự án sớm đi vào hoạt động. Thế nhưng, khi được chấp thuận rồi, nhiều DN lại không đủ khả năng để thực hiện. Điều đó đã khiến cho nhiều diện tích mặt bằng tại các KCN hiện nay vẫn chưa thể khoả lấp hết được. Về vấn đề này, tỉnh Nghệ An cũng đã tiến hành kiểm tra, rà soát và chỉ đạo quyết liệt thu hồi các dự án chậm triển khai trên địa bàn. Còn các DN lại cho rằng hạ tầng kỹ thuật của các KCN hiện nay vẫn chưa đồng bộ. Nhiều KCN vẫn còn vướng công tác GPMB, giao thông, nước sinh hoạt, cơ chế chính sách thay đổi liên tục.

Đã đến lúc Nghệ An cần đưa ra các giải pháp hiệu quả hơn nữa trong việc thẩm định năng lực cạnh tranh cũng như văn bản cam kết thực hiện đối với các DN. Mặt khác, cần tháo gỡ hơn nữa các vướng mắc trong thu hút đầu tư, đa dạng hoá trong khâu liên kết ngành để việc phát triển KCN trên địa bàn. Đặc biệt, cần tập trung phát triển các KCN công nghệ cao, thân thiện với môi trường, hình thành các KCN phụ trợ vùng vệ tinh để tạo động lực phát triển các vùng kinh tế trọng điểm. Có như vậy, các KCN ở Nghệ An mới trở thành môi trường đầu tư tiềm năng để thu hút các DN sớm vào triển khai xây dựng, khoả lấp diện tích còn trống như hiện nay.

Bài và ảnh Đăng Quang

Nguồn TBNH: http://thoibaonganhang.vn/nghe-an-de-co-the-lap-day-cac-khu-cong-nghiep-68285.html