Nghệ An: Cửa Lạch Thơi bồi lắng, tàu thuyền qua lại khó khăn

Những năm qua, cửa biển Lạch Thơi, xã Sơn Hải, huyện Quỳnh Lưu (Nghệ An) bị bồi lắng nghiêm trọng, gây khó khăn cho tàu thuyền khi ra vào bến, lưu trú tránh bão và hoạt động nghề cá của địa phương.

Mặc dù được nạo vét nhưng cửa Lạch Thơi vẫn bị bồi lắng thường xuyên gây khó khăn trong việc tàu thuyền lưu thông.

Mặc dù đã được đầu tư dự án nạo vét có tổng mức đầu tư 115 tỷ đồng nhưng hiện vẫn chưa đảm bảo được lưu thông ổn định cho tàu thuyền, nhiều vụ việc tàu cá của ngư dân đã mắc cạn khi ra, vào vùng cửa biển này.

Sơn Hải là một xã ven biển, có hơn 250 tàu thuyền khai thác hải sản có công suất từ 90CV-800VC. Khu vực cửa Lạch Thơi là nơi neo đậu của hơn 300 tàu thuyền của ngư dân các xã Quỳnh Ngọc, Quỳnh Thọ và Sơn Hải. Tuy nhiên, theo phản ánh của nhiều ngư dân ở đây, cửa lạch ngày càng bị bồi lắng, dòng chảy luồng lạch thay đổi, tàu cá mắc cạn nhiều hơn… đã ảnh hưởng lớn đến việc lưu thông đường biển, gây thiệt hại về kinh tế, kìm hãm sự phát triển dịch vụ hậu cần nghề cá tại địa phương.

Theo ghi nhận của phóng viên TTXVN, khu vực cửa Lạch Thơi dài khoảng 1 km, từ chỗ neo đậu tàu thuyền ở chân cầu Sơn Thọ qua khu vực kiểm soát Đồn Biên phòng Lạch Thơi. Điểm tàu thuyền hay mắc cạn, gãy chân vịt, chìm tàu là nằm ở ngoài khu vực đồn biên phòng ra đến cửa biển. Có nhiều nguyên nhân khiến cửa Lạch Thơi bị bồi lắng, trong đó có nguyên nhân do quá trình tự nhiên, biến đổi khí hậu... Theo ngư dân xã Sơn Hải, một phần do dự án nạo vét cửa Lạch Thơi chậm tiến độ và nhiều lúc gián đoạn, khiến việc bồi lắng ngày càng diễn ra nhanh hơn.

Ông Trần Văn Muộn (xóm 7, xã Sơn Hải) một chủ tàu cá có nhà ở gần khu vực Lạch Thơi cho biết, muốn tàu thuyền qua lại cửa Lạch Thơi phải chờ con nước lên và theo dòng thủy triều. Ngoài ra, thuyền trưởng phải thật cẩn thận và có kinh nghiệm để lái tàu theo luồng sâu, nếu không tàu sẽ bị mắc cạn. Hai năm trở lại đây, luồng lạch bị thay đổi và bồi lắng liên tục khiến việc lưu thông của tàu bè nơi đây lại càng khó khăn.

Trong năm 2017, nhiều vụ việc tàu cá mắc cạn ở cửa Lạch Thơi khiến chủ tàu mất nhiều chi phí sửa chữa và hải sản đánh bắt bị hư hỏng. Điển hình ngày 2/5/2017, tàu cá mang số hiệu NA 95423 TS của anh Trương Văn Công, trú tại xóm 4, xã Sơn Hải đang di chuyển vào bến cá trong cửa Lạch Thơi neo đậu để bán hải sản thì bị mắc cạn và lật nghiêng.

Khi sự cố xảy ra, toàn bộ hải sản khai thác được bị sóng đánh mất, tàu bị nạn phải sửa chữa hết gần 200 triệu đồng. Tiếp đó, tháng 9/2017, tàu cá NA 90202 TS của anh Trần Văn Đăng, xóm 9, xã Sơn Hải về tránh bão nhưng khi vừa vào đến cửa Lạch Thơi đã bị mắc cạn, thuyền viên và người dân trong vùng cố gắng cứu tàu nhưng không kịp và tàu bị chìm dần trong sóng dữ. Sau cơn bão, anh Đăng phải thuê phương tiện trục vớt và sửa chữa tàu hết trên 300 triệu đồng.

Ngư dân Trần Văn Thắng, xóm 2, xã Sơn Hải cho biết: “Việc cửa Lạch Thơi bồi lắng kéo dài khiến cho các tàu cá ra vào rất nguy hiểm. Do vậy, nhiều chủ tàu phải cho tàu đậu ở cảng Lạch Quèn (xã Quỳnh Thuận) cách 5 cây số. Điều này sẽ phát sinh chi phí về thuê người canh giữ, vận chuyển hàng hóa, dịch vụ... khiến chi phí mỗi chuyến đi biển tăng lên”.

Tháng 10/2012, dự án đầu tư xây dựng công trình “Khu neo đậu tránh trú bão Lạch Thơi” do huyện Quỳnh Lưu làm chủ đầu tư được UBND tỉnh Nghệ An phê duyệt khiến người dân xã Sơn Hải rất phấn khởi và kỳ vọng sẽ giải quyết được vấn đề bức thiết tại cửa Lạch Thơi. Dự án bao gồm: Nạo vét luồng lạch với tổng chiều dài trên 4,3km, chiều rộng từ 30 - 45m, đáy luồng sâu từ 3,5 - 4m; xây dựng 2 tuyến kè dài gần 1.000m để neo đậu tàu thuyền; lắp đặt hệ thống báo hiệu, xây dựng kè đê bao bãi thải, sửa chữa bến neo thuyền.

Công trình bắt đầu khởi công từ năm 2013, dự kiến đến tháng 10/2016 hoàn thành. Tuy nhiên, vì nhiều lý do khác nhau như: Thiếu vốn, thi công đứt đoạn… nên công trình vẫn chưa xong và được UBND tỉnh Nghệ An điều chỉnh, gia hạn tiến độ đến tháng 12/2017. Đến thời điểm này, tiến độ công trình mới hoàn thành được hơn 80% và dự kiến cuối năm 2018 bàn giao.

Theo phản ánh của nhiều người dân, quá trình nạo vét chậm và gián đoạn của dự án trên cũng là nguyên nhân khiến cửa Lạch Thơi bồi lắng, làm thay đổi luồng lạch không ổn định, tàu cá qua lại khó khăn và làm sạt lở một số khu vực. Công trình phê duyệt chỉ phục vụ được nhu cầu neo đậu, tránh bão của tàu thuyền có công suất 200CV trở xuống, những tàu có công suất trên 200CV trở lên nếu ra vào cửa Lạch Thơi sẽ khó khăn. Trong khi đó, ngư dân xã Sơn Hải ngày càng đóng những tàu lớn bám biển xa khơi theo chủ trương của nhà nước.

Ngoài ra, khi thi công nạo vét, quá trình hút cát tại Lạch Thơi không thể tạo được dòng nên càng hút cát, lạch càng cạn và xói lở hai bờ. Vì vậy, tàu thuyền ra vào Lạch Thơi không nắm bắt được điểm lòng lạch do biến chuyển thường xuyên, dẫn tới tàu thuyền bị mắc cạn. Các tàu thuyền phải chờ đợi khi thủy triều lên mới ra vào được cửa lạch, điều này ảnh hưởng lớn đến thời gian đi biển, bán hải sản của các tàu vào cập bến. Bên cạnh đó, một số khu vực bãi bồi ven biển ở xã Quỳnh Thọ bị nước biển xâm lấn, đê ngăn mặn cũng bị uy hiếp khi lòng lạch bị thay đổi.

Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch Hội đồng Nhân dân đã Sơn Hải Cao Xuân Điệp cho biết: “Mặc dù đã có nhiều giải pháp để nạo vét nhưng do sự bồi lắng của thiên nhiên nên hiệu quả không cao. Hiện nay, tàu bè ra vào gặp rất nhiều khó khăn, mắc cạn. Đề nghị UBND tỉnh tiếp tục khảo sát thực tế, tranh thủ ý kiến của nhân dân, xem xét có sự bổ sung nạo vét, khơi thông luồng lạch tạo điều kiện thuận lợi cho hoạt động nghề đánh bắt hải sản của địa phương”.

Xã Sơn Hải có hơn 3.400 hộ dân, nghề đánh bắt hải sản thu hút 3.500 lao động. Mỗi năm, sản lượng đánh bắt hải sản của toàn xã khoảng 3.500 tấn, thu về giá trị hơn 330 tỷ đồng. Nhờ nghề cá, đời sống nhân dân của xã ngày càng khá lên và ổn định.

Tin, ảnh: Nguyễn Oanh (TTXVN)

Nguồn Tin Tức TTXVN: http://baotintuc.vn/xa-hoi/nghe-an-cua-lach-thoi-boi-lang-tau-thuyen-qua-lai-kho-khan-20180811173810838.htm