Ngày trở về

Bùi Văn Anh, sinh năm 1962, quê quán ở xã Gio Mai, huyện Gio Linh, tỉnh Quảng Trị. Nhập ngũ năm 1982, tham gia vào đội quân tình nguyện Việt Nam bảo vệ đất nước Lào anh em. Những năm sống trên đất nước Lào xinh đẹp, trong sự đùm bọc, chở che của những người mẹ, người chị, người em đã trở thành 'báu vật' thiêng liêng của chiến sĩ tình nguyện Việt Nam. Những tình cảm mộc mạc, chân thành và trĩu nặng nghĩa tình này đã được Bùi Văn Anh tái hiện lại trong tập bút ký 'Về miền ký ức'. Xin giới thiệu cùng bạn đọc một chương trong tập bút ký.

Vậy là tôi được trở lại mường Lào, sau gần 30 năm xa cách. Chuyến công tác sang làm việc với Kho bạc quốc gia Lào, theo chương trình hợp tác quốc tế là một sự may mắn cho tôi. Ngoài những ngày làm việc, tham quan, những buổi tiệc chiêu đãi thật ý nghĩa và ấm tình bè bạn, tôi có dịp tìm lại kỷ niệm nơi đóng quân ngày nào.

Thắng cảnh Vang Vieng (Lào) -Ảnh: BAOLAU

Thật lạ lùng, khi bước chân qua Cửa khẩu Densavanh, tâm trạng tôi như người lâu ngày về thăm quê. Xe bon bon, lướt qua những cánh rừng làm tôi nhớ những ngày hành quân và những đêm phục kích. Vẫn con đường này, cách đây 30 năm nhiều đoạn ổ gà, ổ trâu mù mịt bụi và lúc đó trên vai tôi là ba lô người lính.

Còn hôm nay tôi sang đây với tư cách “chuyên gia” giúp bạn về kinh nghiệm quản lý tài chính-ngân sách. Cảnh vật bây giờ đổi thay nhiều quá, mà cũng phải thôi mấy chục năm cho một thế hệ mới ra đời. Chiều tối, xe đưa chúng tôi về khách sạn Sensabai nằm bên bờ sông Mê Kông ở thành phố Savan. Cái tên Sensabai có nghĩa là thoải mái, sung sướng làm tôi nhớ lại một thời chiến đấu, gian khổ.

Theo chương trình, lãnh đạo và cán bộ hai bên trao đổi kinh nghiệm công việc với nhau. Tôi không hiểu được hết lời phát biểu của bạn, vì quá nhiều thuật ngữ chuyên môn nên vừa nghe, vừa ghi các từ mới, vừa suy luận và hỏi lại phiên dịch để bổ sung vốn tiếng Lào đã lâu không giao tiếp.

Kết thúc làm việc, mọi người có vẻ thân mật hơn. Buổi tiệc trưa thật là vui, có lẽ một phần nhờ mấy ly bia Lào. Và không biết do tư duy tái hiện, ngôn ngữ tràn về hay có chút kỹ năng, mà tôi say sưa nói chuyện với mọi người trong cảm giác lâng lâng xúc động.

Chị Bua Savan-Giám đốc Kho bạc quốc gia tỉnh Savannakhet hỏi: Sao anh nói tiếng Lào giỏi thế? Tôi trả lời: Vì có một thời gian đi lính, đóng quân nơi này. Chị cười: Vậy anh có người thân quen không? Tôi nói: Có bố, mẹ, mấy người bạn và thú thiệt là có quen một người con gái ở mường Champhon không biết bây giờ ra sao?

Từ lâu tôi muốn sang Lào thăm lại chiến trường xưa, cũng là để thăm lại những người thân đã cưu mang trong những ngày gian khổ. Chị vui vẻ nói: Thật tuyệt vời, tôi sẽ cử cán bộ đưa anh đi. Vậy là lái xe Khamphet cùng Trưởng phòng Kế toán Saly nhận nhiệm vụ đưa tôi về Sieng Sum-nơi tôi đóng quân ngày nào.

Đường từ thành phố Savan về thị trấn Kengkoc êm và đẹp, hai bên vẫn những cánh rừng nối tiếp nhau nhưng không còn dày bạt ngàn như ngày xưa. Đến Laksam (Km 35: một thị trấn nhỏ giao nhau với Quốc Lộ 13), nơi đây, đậm dấu kỷ niệm những ngày đầu tôi vào lính. Đó là những ngày huấn luyện gian khổ, những đêm thao thức đói và mấy lần trốn đơn vị ra đây mua rượu, thuốc lá... để rồi bị kỷ luật.

Đang lan man, xe lướt qua các bản Khamsavan (nơi Tiểu đoàn 2 đóng quân), Đôông nhiên (gần Bệnh viện Sư đoàn), Na khu (nơi cô bạn dạy học)... tôi nhắc tên. Khamphet khen: Anh giỏi thiệt, mấy chục năm rồi mà còn nhớ tên bản, hèn chi tiếng Lào nói tốt.

Đến Kengkoc, thì lòng càng bồi hồi nhớ kỷ niệm xưa. Bởi nơi đây, ngày nào chúng tôi tạm biệt nhau. Dù biết chuyến đi này không chắc gì được gặp em, vì đã mấy chục năm rồi biệt tin, vậy mà lòng xao xuyến lạ. Qua ngã ba TaLeo (nơi Đại đội 11 đóng quân) là tôi biết sắp đến nơi. Đang mải mê chuyện trò, thì bản Sieng Sum hiện ra trước mắt. Tôi bảo Khamphet chạy chậm, đến đoạn nào có ngã ba gần chùa thì dừng xe, nhà mẹ nuôi ngày trước ở đó.

Trí nhớ không tồi, tôi đã tìm đúng nhà mẹ Văng, nhưng người ta nói rằng: mẹ khửn Savan. Tôi hỏi lại: Mẹ lên Savan làm gì thì được trả lời: Bà ấy đã mất cách đây 8 năm. Tôi giật mình: Savan là tên thành phố của tỉnh Savannakhet, nhưng còn có nghĩa là thiên đường.

Người Lào cũng có lối nói như người Việt, tránh những việc kiêng cử hay buồn đau: Lên thiên đàng hay về với ông bà, tổ tiên nghĩa là đã chết. Biết rằng mẹ già rồi thì cũng phải ra đi nhưng tôi rất buồn, vì ngày xưa mẹ thương tôi nhất đơn vị. Một lúc sau, bà con dân bản ùa đến hỏi thăm. Người già độ tuổi mẹ, bây giờ không còn mấy ai. Tôi hỏi một phụ nữ tầm 40 tuổi đứng gần: Em có nhớ tôi không?

Cô ấy trả lời: Hồi đó thấy bộ đội Việt Nam đều mặc áo quần lính giống nhau, súng đạn luôn bên người. Em không dám đến gần, nên không nhớ được ai. Một chị tầm 60 tuổi bước lên, cười nói: Tôi nhớ thằng Anh rồi, nó với thằng Thực và thằng Sơn ở nhà mẹ Văng. Lâu rồi bộ đội Việt Nam không ai trở lại, nên mọi người quên là phải. Rồi bà con hỏi thăm Nhãn “chòi”, Thủy “táp”, Đô “đăm”... nghe thật cảm động.

Thì ra từ ngày đơn vị rút quân đến giờ đã tròn ba mươi năm, tôi là người duy nhất trở lại. Kể ra chúng tôi cũng tệ, nhưng mà rời quân ngũ, mỗi người một số phận và còn bao nhiêu chuyện phải làm, hơn nữa việc đi lại thăm nhau không dễ như bây giờ. Nói chuyện được một lúc, tôi chào mọi người và hỏi tìm nhà em.

Người ta bảo: Có phải cô Thoong ở một mình mà không lấy chồng phải không? Tôi bần thần không biết có nhầm không, thì nghe bà con nói tiếp: Ở đây chỉ có một người phụ nữ đó tên Thoong, cái nhà đẹp sơn màu xanh ở đằng kia là của cô ấy. Tim tôi như loạn nhịp, không đủ tự tin nên bảo Khamphet và Saly: Mấy anh vào hỏi thử cô ta phải là Malay Thong và quen ai là bộ đội Việt Nam tên Anh không, nếu đúng thì tôi sẽ vào. Chỉ một lúc, Saly mừng rỡ chạy ra bảo: Đúng rồi anh ơi, chị ấy mời anh vào nhà. Bỗng nhiên tôi thấy người mình nhẹ tênh, bàn chân thì trĩu nặng, chỉ một đoạn thôi mà bước đi khó nhọc.

Một góc đường phố ở tỉnh Savannakhet (Lào) -Ảnh: I.T

Ôi! Thật diệu kỳ, như là chuyện cổ tích: Em đứng tựa cửa, lặng lẽ nhìn với dòng nước mắt rưng rưng. Mắt tôi như nhòa đi, mọi thứ đều tan biến, không nói được một lời. Khamphet và Saly biết ý, đi ra bàn ngồi uống nước. Còn tôi run run cầm tay em, ngồi xuống sàn nhà. Ôi! ba mươi năm vật đổi sao dời, em đã thành thiếu phụ. Sự nghiệt ngã của thời gian và mỏi mòn mong ngóng, làm cho em không còn đẹp như xưa, nhưng đôi mắt và nụ cười vẫn là thuở ấy.

Nàng kể cho tôi nghe cuộc sống từ ngày chia tay và những năm chờ đợi. Tôi hỏi, vì sao không lấy chồng? Em trả lời: Ngày đó anh hẹn 2-3 năm trở lại, em đợi mãi không thấy sang. Nhiều năm trôi qua tuổi càng nhiều, rồi đến lúc không muốn nữa, mặc dù không ít người đến với em nhưng có lẽ số phận mình là vậy.

Tôi thầm nghĩ mà xót thương cho em, vậy là hết một đời người con gái, tuổi xuân đã trôi qua, đèn hiu hắt bóng. Rồi em vào phòng lấy tấm ảnh đưa cho tôi. Tấm ảnh này, em cất giữ nó như tình yêu, bây giờ... không lấy được nhau, em xin gửi lại. Nhìn tấm ảnh và những dòng chữ tôi viết tặng ngày nào đã mờ theo năm tháng mà lòng buồn mênh mang.

Tôi thành thật với em. Lỗi anh quá lớn, không giữ được lời hẹn thề, để cuộc đời em buồn khổ. Nhưng hồi đó trở lại mường Lào không dễ như bây giờ, hơn nữa anh còn học hành và công việc... Nếu quên em, thì hôm nay anh đã không đi tìm. Em xúc động nhìn tôi, không một lời oán trách. Có lẽ sự độ lượng và bao dung, là đức tính của người Lào nói chung và của phụ nữ Lào nói riêng.

Tôi cảm ơn lòng chung thủy của em. Em nói rằng: Nhiều năm trôi qua, không thấy anh trở lại em rất buồn và nghĩ là anh đã có gia đình vợ con, nhưng không hiểu sao vẫn hy vọng có ngày gặp lại. Tôi lặng người, không nói được một câu gì thêm.

Bỗng nhiên em gọi: Con ơi ra chào bố, bố ở Việt Nam sang thăm. Tôi ngỡ ngàng chưa hiểu, thì một bé gái bước ra len lén nhìn. Em cười hiền: Đùa anh cho vui, em xin con bé này về nuôi cho đỡ buồn, năm nay được 10 tuổi, bố mẹ nó ở tỉnh Bôlikhămxay.

Thật tội nghiệp cho em, cũng vì tôi mà chịu tình cảnh này, lần nữa tôi xin em tha thứ. Em nói rằng không ai có lỗi và tự an ủi cho mình. Tưởng chừng đã quên, mấy chục năm anh còn tìm em là tốt rồi lắm. Mừng cho anh đã có gia đình hạnh phúc. Bọn mình già rồi, hãy coi nhau là bạn.

Tôi kể cho em nghe, cuộc sống từ ngày ra quân và gia đình vợ con hiện nay. Em chúc mừng, nhưng tôi thấy trên mắt em có chút tủi phận. Thời lãng mạn đã qua, mái đầu đã bạc nhưng tôi nhận ra tình yêu em dành cho tôi là có thật, mà thời bây giờ không có mấy ai.

Trời chiều sắp tắt bóng. Em mời ở lại ăn cơm nhưng tôi không thể. Bởi vì đi nhờ xe của bạn, hơn nữa chuyến đi này theo đoàn công tác. Nghĩ thật là tệ, nếu không ăn với em một bữa cơm, sau mấy chục năm gặp lại. Nhưng biết làm sao được, chúng tôi phải lên lại Savan để kịp buổi tiệc tối nay, mọi người đang chờ. Biết em không vui, nhưng tôi phải đành lòng. Lại một lần gặp nhau vội vã như năm xưa, để lại cho em bao buồn tủi.

Dọc đường về, tôi nghĩ lan man: Thà em nghèo một chút, mà có một mái ấm gia đình thì tôi đỡ xót xa. Đằng này em không lấy chồng, tội lỗi một phần là do tôi. Nhưng tôi cũng trách nàng, sao lại tin vào lời hứa của anh lính nước ngoài, thà rằng đó là lời hẹn của anh lính Pha thet Lào thì còn có ngày hạnh phúc. Tôi ân hận vì sao ngày đó mình không nói lời vĩnh biệt, mà hẹn ngày trở lại để lỡ làng một đời người con gái.

Trời chập choạng, xe mới về đến Savan. Có lẽ tiệc đã vào từ lâu, vì mọi người đang sôi nổi chúc tụng. Tôi được Giám đốc BuaSavan gọi lại ngồi gần và hỏi thăm tình hình chuyến đi. Mọi người thay nhau hỏi: - Thế nào? Có nhận ra anh không... Tôi rất vui và xúc động, nhưng nhường lời cho Khamphet và Saly thi nhau kể. Mọi người lắng nghe chăm chú, thỉnh khoảng thốt lên: Kha nạt (nghĩa là tuyệt vời).

Tan tiệc, mọi người về khách sạn tiếp tục bàn tán chuyện của tôi. Minh Khang (Vụ đối ngoại-Kho bạc trung ương) không cầm được xúc động, rủ Hiệp (lái xe) chở tôi trở lại thăm nàng. Các chị đồng tình bảo tôi nên đi, sáng mai về. Đắn đo suy nghĩ, phiền cho mọi người quá, hơn nữa đêm đã muộn, đành thôi.

Một đêm không ngủ, sáng hôm sau theo chương trình, đoàn về làm việc với Kho bạc huyện Kayson. Sau buổi cơm trưa với Kho bạc huyện, chúng tôi lên đường về Paksel. Đường lên cao nguyên Boloven điệp trùng rừng núi, hết mưa tầm tả thì đến những vùng mây giăng, làm lòng người thêm u uất. Rồi đến lúc, thành phố Pakse dần hiện ra, kéo tôi trở về thực tại.

Khác với Savan, phố xá ở đây được quy hoạch đẹp hơn nhiều. Phần lớn khách sạn đều nằm bên bờ sông Mekong và chúng tôi được nghỉ ở một khách sạn khá đẹp. Buổi tối, Kho bạc tỉnh Champasak mở tiệc chiêu đãi tại nhà hàng nổi trên sông Mekong đẹp và huyền ảo. Suốt buổi tiệc tôi bị cuốn hút bởi một cô ca sĩ, không phải giọng hát hay mà bởi khuôn mặt và hình dáng giống em ngày nào. Vô tình đọc dòng chữ trên chai bia: Bia Lao khong khôn ching chay (Bia Lào, bia của người chung thủy) làm tôi thêm đắng lòng. Khăn Thi-Vụ trưởng Thanh tra của kho bạc Trung ương Lào, kiêm phiên dịch, hiểu tâm tư của tôi nên động viên: Anh phải ăn vài miếng để lấy sức, ngày mại còn gặp chị ấy. Nhưng tôi còn tâm trạng nào để mà vui.

Tan tiệc mọi người đi dạo phố, tối về khách sạn nằm nghĩ lan man, rồi tự vấn: Có phải mình đang phản bội vợ không? Tôi đang có một gia đình hạnh phúc, vợ tôi là người tuyệt vời đã hết lòng thương yêu chồng con. Tôi không được phép vấn vương một người phụ nữ khác, dù là quá vãng. Nhớ lại trước ngày cưới, mình đã đốt tất cả những bức thư và ảnh của nàng để cho lửa lòng nguội tắt. Vậy mà gặp lại em trong hoàn cảnh này, tôi quá ray rứt. Không nghĩ đến em thì tôi thật tệ bạc và chẳng phải là con người.

Một đêm không ngủ, mà không thấy đêm dài…

Bùi Văn Anh

Nguồn Quảng Trị: http://www.baoquangtri.vn/default.aspx?tabid=74&modid=421&itemid=170016&title=ngay-tro-ve