Ngày Online Friday, trò bịp bán iPhone giảm 10 triệu lại diễn ra

Nhiều sản phẩm khác như loa Bluetooth, đồng hồ thông minh hay tai nghe cũng được các gian hàng nâng giá bán, sau đó giảm giá ảo nhằm thu hút người dùng.

Trong vài năm trở lại đây, bên cạnh Black Friday, nhiều đơn vị tại Việt Nam cũng tham gia vào một sự kiện giảm giá khác là Online Friday do Bộ Công Thương tổ chức. Tuy nhiên, nhiều người dùng cho rằng mức giảm giá 50-70% chỉ là chiêu trò để thu hút sự chú ý.

"Tôi tìm mua chiếc iPhone 8 Plus 64 GB và thấy rằng sản phẩm này đang được điều chỉnh giảm giá hơn 5 triệu đồng. Thế nhưng, khi so sánh với một số đại lý khác, mức giá trên lại cao hơn giá không khuyến mãi tại các cửa hàng này", anh Hoàng Nhật Minh, nhân viên văn phòng tại Đống Đa, Hà Nội chia sẻ.

Chiếc iPhone XS Max 64 GB giảm giá ảo 10 triệu đồng. Ảnh chụp màn hình.

Tình trạng giảm giá ảo xuất hiện tràn lan

Online Friday là sự kiện mua sắm trực tuyến, được tổ chức thường niên từ năm 2013 đến nay. Tuy nhiên, theo khảo sát của Zing.vn, tình trạng các gian hàng nâng giá sản phẩm lên, sau đó giảm giá ảo vẫn xuất hiện.

Theo đó, khi tìm kiếm từ khóa "iPhone XS Max 64 GB hàng chính hãng", người dùng sẽ nhận được kết quả là một chiếc máy có giá 24 triệu đồng. Mức giá trên được quảng cáo đã giảm 10 triệu đồng so với giá ban đầu là 34 triệu đồng.

Trên thực tế, mức giảm giá này không chính xác. Tham khảo tại các hệ thống bán lẻ lớn như TGDĐ hay FPT Shop, iPhone XS Max 64 GB đang được chào bán với mức giá 26 triệu đồng. Thậm chí, tại một số đại lý có quy mô nhỏ hơn, người dùng có thể mua được chiếc máy này với giá từ 23,9 triệu đồng.

Chiếc iPhone XS Max tại gian hàng của Tiki có giá bán tương đương với nhiều hệ thống bán lẻ trên thị trường, không được điều chỉnh giảm giá 10 triệu đồng như quảng cáo.

Chiếc loa Bluetooth này có giá bán cao hơn giá thị trường. Ảnh chụp màn hình.

Thử tìm kiếm một mặt hàng khác là loa Bluetooth Anker SoundCore Boost, kết quả thu về cho thấy sản phẩm này không hề được khuyến mãi. Chưa dừng lại ở đó, mức giá này còn cao hơn so với giá bán trung bình của sản phẩm (khoảng 2 triệu đồng) tại nhiều hệ thống bán lẻ.

Một số mặt hàng khác như máy ảnh, đồng hồ thông minh hay tai nghe cũng được quảng cáo giảm 50%. Tuy nhiên, khi so sánh với giá bán trên thị trường, chúng hoàn toàn không có khác biệt.

Vẫn có những sản phẩm đáng mua

Bên cạnh những sản phẩm giảm giá ảo, người dùng vẫn có thể tìm kiếm được các thiết bị khác với mức giá hấp dẫn. Chiếc laptop gaming MSI GF63 Thin 9RC đang được chào bán với mức giá 18,8 triệu đồng, thấp hơn khoảng 1,2 triệu đồng so với giá bán trung bình trên thị trường.

Ngoài ra, một số sản phẩm giảm giá ảo cũng đã bắt đầu bị gỡ khỏi trang web. Lý do được đưa ra là "Sản phẩm đã bị hạ do nghi ngờ về giá trị khuyến mãi". Có thể thấy, so với những năm trước, tình trạng khuyến mãi ảo vẫn chưa được giải quyết hoàn toàn. Người dùng cần tỉnh táo, so sánh giá của sản phẩm ở nhiều nơi trước khi quyết định mua.

So với giá bán trên thị trường, chiếc laptop gaming này rẻ hơn khoảng 1 triệu đồng. Ảnh chụp màn hình.

Trên thực tế, chiêu trò "làm giá" sản phẩm này được nhiều cửa hàng kinh doanh tại Việt Nam áp dụng vào mỗi dịp xả hàng. Vì vậy, trước khi quyết định mua một mặt hàng, người dùng có thể so sánh giá của sản phẩm đang sale với giá thị trường hoặc giá tại một số cửa hàng khác.

Chị Vũ Hoài Phương (quận Hai Bà Trưng, Hà Nội), một người chuyên nhận order hàng nước ngoài cho biết để tránh sập bẫy khuyến mãi ảo của các cửa hàng, người mua không nên quá chú tâm vào con số giảm giá bao nhiêu phần trăm.

"Thay vào đó, trước khi quyết định mua một mặt hàng, người dùng có thể so sánh giá của sản phẩm đang sale với giá thị trường hoặc giá tại một số cửa hàng khác. Ngoài ra, bạn cũng nên mua tại các gian hàng có uy tín với số điểm đánh giá cao và đọc phản hồi từ những người từng mua", chị Phương nói.

Đức Hải

Nguồn Znews: https://news.zing.vn/ngay-online-friday-tro-bip-ban-iphone-giam-10-trieu-lai-dien-ra-post1022003.html