Ngất ngây với vườn hồng 2000 gốc khoe sắc rực rỡ của nữ phóng viên ở Hưng Yên

Có niềm đam mê bất tận với hoa hồng, chị Nguyễn Kim Thoa đã sở hữu khu vườn rộng với hơn 2000 gốc hồng rực rỡ khoe sắc.

Chị Kim Thoa có niềm đam mê vô hạn với hoa hồng

Chị Nguyễn Kim Thoa (sinh năm 1990), hiện đang làm tại Đài truyền hình huyện Kim Động, Hưng Yên. Ngoài công việc chính ở cơ quan, chị còn thú vui với hoa hồng. Vì niềm đam mê loài hoa quyến rũ và ngọt ngào này, chị Thoa đã sưu tầm và trồng hơn 2000 gốc hồng các loại.

“Mình chập chững trồng hồng từ năm 2010, khi đó tìm mua được những giống hồng ngoại ở Việt Nam khá vất vả, hầu hết mình trồng những giống bản địa như cổ sapa, bạch xếp, bạch ho, nhung, quế,… Hiện bên cạnh hoa hồng mình trồng thêm 1 số cây như mẫu đơn, phong lá đỏ, nhưng chủ yếu vẫn là hoa hồng với số lượng hơn 300 giống, trên 2000 cây. Mình may mắn có anh trai là dân nghiện hồng kỳ cựu, chính anh đã gieo vào trong lòng mình niềm say mê vô hạn với loài hoa được mệnh danh là chúa tể muôn hoa” chị Kim Thoa chia sẻ.

Thêm vào đó, chị còn dành thời gian tham khảo kiến thức từ những người yêu hồng để tự tin trồng những loài hồng cổ, hồng bon sai, hồng ngoại lạ mà mình yêu thích.Chị Thoa cho biết, thị trường hồng hiện nay khá đa dạng với các loại hồng ngoại có màu sắc rực rỡ, bắt mắt, bông to, hương thơm quyến rũ nhưng lại có nhược điểm là không thuần khí hậu Việt Nam. Vì thế, chị chọn trồng chủ yếu là hồng cổ bản địa.

Cũng như bao người khác, trong thời gian đầu trồng hoa, chị cũng gặp khá nhiều khó khăn “Thời gian đầu khi mới bước chân vào thế giới hoa hồng mình rất hoang mang vì số lượng đồ sộ chủng loại hồng trên thế giới, hiện đã ghi nhận hàng nghìn giống được lai tạo thành công, mỗi năm con số này lại không ngừng tăng thêm.

Mỗi giống hồng lại có 1 đặc điểm riêng, ví dụ Juliet (bông hồng triệu đô) chịu úng kém, chỉ cần mưa chút thôi mà ẩm bầu là dễ nấm thân, thối gốc, trong khi đó các giống cổ chịu úng tốt hơn, nhưng đơn điệu về màu sắc. Vì vậy mình phải tự trải nghiệm từng giống hồng và rút ra kinh nghiệm trong khi chăm sóc.

Bên cạnh đó, khoảng năm 2010 hồng chưa phổ biến như hiện nay, việc mua giống cực kỳ khó khăn, hầu hết mình phải nhập từ Trung Quốc, vận chuyển về nhiều cây bị sốc nhiệt, vì khí hậu bên Trung Quốc rất khác so với nước mình, cây chưa thuần khí hậu, tỉ lệ hao hụt cao. Mình cũng chưa nắm được kỹ thuật chăm sóc nên nạn trĩ, nhện, nấm cũng khiến cây giống chết hàng loạt. Sau thời gian tích lũy kinh nghiệm cũng như cải thiện điều kiện vườn ươm, mình đã hạn chế được tỷ lệ cây hao hụt”.

Hiện nay, chị Thoa đã sưu tầm và trồng hơn 300 giống hồng cổ với hơn 2000 gốc

Theo chia sẻ, một trong những lý do chị Kim Thoa yêu thích trồng và sưu tầm các loại hồng cổ bản địa bởi những loài hồng này thường có sức sống mãnh liệt và phát triển tốt trong điều kiện khí hậu khắc nghiệt.

“Theo mình chăm sóc hồng quan trọng nhất là 2 yếu tố: ánh sáng và nước tưới, sau đó mới đến chế độ cho ăn và phòng, trị bệnh. Chỉ cần đảm bảo cung cấp đủ ánh sáng, nước là đã đáp ứng 70% nhu cầu của cây hồng rồi. Hồng cần ánh sáng trực tiếp tối thiểu 4-6 tiếng trong ngày, về nước tưới thì mùa hè tưới đẫm gốc 2 lần sáng, tối, mùa đồng 1 lần.

Chế độ cho ăn chú ý sử dụng phân hữu cơ hoai như phân bò, phân dê, đạm cá,… bón lót và định kỳ 1 tuần 1 lần tưới acid humic và đạm cá, tùy theo độ rộng chậu và kích thước của cây. Các bạn chú ý phòng bệnh cho cây bằng các loại thuốc thảo dược như dung dịch tỏi, ớt; thuốc lào,… tối thiểu 1 tháng phun phòng 1 lần, khi bị bệnh có thể dùng thuốc hóa học như thần điền (trị trĩ, nhện, sâu hại); anvil (trị nấm),… nhưng phải dùng đồ bảo hộ và đảm bảo thời gian cách ly hóa chất.

Đặc biệt chú ý vệ sinh cây thường xuyên, cắt tỉa mầm điếc, cành tăm, giữ khoảng cách giữa các cây thông thoáng để khi xảy ra bệnh giảm sự lây lan. Thường xuyên xịt rửa lá, cây dưới vòi nước cũng hạn chế tình trạng trĩ, nhện rất tốt” chị Thoa cho biết.

Những bông hồng khoe sắc trong vườn

Nữ phóng viên còn chia sẻ thêm kinh nghiệm chăm sóc hồng. Đó là hồng ưa nắng, thích hợp nơi thoáng gió, cây cần được chiếu sáng khoảng 6 – 8 tiếng/ ngày để đảm bảo cây sinh trưởng tốt, sai hoa, màu hoa tươi, rực rỡ và hạn chế sâu bệnh gây hại. Hồng chịu úng kém.

Chị Kim Thoa lưu ý, trong chăm sóc hoa hồng cần chú ý chế độ dinh dưỡng cho cây, đặc biệt là khi trồng hoa trong chậu. Nếu đủ dinh dưỡng cây sẽ ra hoa, lên form chuẩn, lặp hoa tốt và mầm bật khỏe. “Để hồng sai hoa và chuẩn form dáng điều quan trọng nhất theo mình không phải là chế độ chăm sóc mà do nguồn gốc hoa. Các giống hồng ở vườn mình ngoài những giống cổ bản địa thì hầu hết mình nhập trực tiếp từ các nhà vườn Trung Quốc như Hongye, vườn Tom, Côn Minh, Chiết Giang, độ thuần giống của họ cao, kỹ thuật nhân giống mình đánh giá cũng tốt hơn các nhà vườn trong nước.

Bên cạnh đó mình chú ý đảm bảo cung cấp đủ ánh sáng, nước tưới và chế độ cho ăn theo từng giai đoạn sinh trưởng, phát triển của hoa hồng. Ví dụ khi cây vừa được bấm tỉa 1 loạt mình bón phân có hàm lượng đạm, lân cao để cây phát triển rễ, tán. Khi cây chuẩn bị ra nụ mình bón phân có hàm lượng kali cao để thúc cho cây sai hoa, tươi màu” chị Kim Thoa chia sẻ.

Có thể thấy, bí quyết quan trọng nhất được chị Kim Thoa - chủ nhân vườn hồng tiết lộ, đó chính là tình yêu với hoa, niềm đam mê bất tận trong việc chăm sóc để sở hữu những gốc hoa rực rỡ, mang hương sắc cho đời.

Cùng ngắm thêm hình ảnh vườn hoa hồng của chị Kim Thoa:

Thu Hằng - Ảnh nhân vật cung cấp

Nguồn PNNews: http://phununews.vn/ngat-ngay-voi-vuon-hong-2000-goc-khoe-sac-cua-nu-phong-vien-o-hung-yen-513015.htm