Nga - Trung bắt tay thật, Huawei tìm thấy đường thoát 5G

Khi Moscow nhận trừng phạt phương Tây, Trung Quốc dù được lợi nhưng cũng tận dụng trong hợp tác với Nga, tình cảnh hiện nay đã khác.

Trung Quốc đang tiến gần tới Nga hơn trong bối cảnh leo thang cuộc chiến kinh tế với Mỹ.

Đích thân Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình sẽ tới Diễn đàn Kinh tế Quốc tế St. Petersburg (SPIEF) sau khi có cuộc hội đàm với Tổng thống Nga Vladimir Putin trong dịp kỷ niệm 70 năm hai nước thiết lập quan hệ ngoại giao.

Lãnh đạo Nga - Trung Quốc khẳng định quan hệ hai nước đạt mức độ cao chưa từng có.

Hai nhà lãnh đạo đã nhất trí ký một tuyên bố chung về phát triển quan hệ và quan hệ đối tác song phương, trong đó bao gồm cả phát triển thương mại song phương bằng đồng Rúp và Nhân dân tệ (NDT).

Phát biểu tại một cuộc họp báo sau các cuộc gặp gỡ, ông Putin tuyên bố: "Nga và Trung Quốc dự định thúc đẩy việc thực hiện các hiệp định giữa hai nước bằng đồng nội tệ của mình".

Lãnh đạo Điện Kremlin nói thêm rằng, hai bên đã ký các thỏa thuận liên chính phủ về mở rộng việc dùng đồng Rúp và NDT trong các hoạt động tài chính song phương.

Đây chỉ là một trong các thỏa thuận lớn và đại diện Nga và Trung Quốc đạt được trong chuyến thăm của ông Tập Cận Bình. Nhiều dự án hợp tác đã được cả hai bên thúc đẩy ký kết trong dịp kỷ niệm trọng đại này.

Cụ thể, Công ty hạt nhân quốc gia Nga Rosatom và Công ty điện hạt nhân quốc gia Trung Quốc (CNNP) đã ký một hợp đồng chung về việc xây dựng các cơ sở thứ 3 và thứ 4 tại nhà máy hạt nhân Xudapu ở đông bắc Trung Quốc.

Hợp đồng được tiết lộ trị giá 1,7 tỉ USD và quá trình xây dựng dự kiến bắt đầu lần lượt vào tháng 10/2021 và tháng 8/2022.

Sau các cuộc gặp cấp cao, Quỹ đầu tư trực tiếp Nga (RDIF), tập đoàn Alibaba của Trung Quốc và tập đoàn Mail.Ru của Nga cũng nhất trí đầu tư tổng cộng 382 triệu USD vào một liên doanh thương mại điện tử.

Trong đó, Alibaba đóng góp khoảng 100 triệu USD và phần còn lại do phía Nga chịu trách nhiệm.

RDIF cũng ký thỏa thuận với Tổng công ty đầu tư Trung Quốc (CIC) để tạo ra một quỹ đổi mới khoa học chung và đầu tư 1 tỉ USD vào quỹ này.

Chủ tịch luân phiên Huawei Quách Bình (trái) ký thỏa thuận hợp tác với Chủ tịch MTS Alexei Kornya dưới sự chứng kiến của Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình và Tổng thống Nga Vladimir Putin ngày 5/6. Ảnh: AP

Sau các cuộc tiếp xúc ở Moscow, ông Putin và ông Tập sẽ lên đường tới St Petersburg để tham dự Diễn đàn Kinh tế Quốc tế St. Petersburg. Hàng chục thỏa thuận trị giá nhiều tỉ USD liên quan đến các lĩnh vực năng lượng, công nghiệp và tài chính như chế tạo máy bay thân rộng và máy bay trực thăng hạng nặng, cũng như các lĩnh vực khác, bao gồm cả không gian và cơ sở hạ tầng... dự kiến sẽ được ký kết.

Chuyến thăm của Chủ tịch Trung Quốc tới Moscow lần này được cho là bội thu bởi cả hai đều đang đối mặt với những thách thức đến từ nước Mỹ, cần thiết có sự hợp tác và thống nhất với nhau về quan điểm hợp tác.

Còn nhớ, khi Nga đang phải chịu các sức ép từ đòn trừng phạt của Mỹ và châu Âu với cáo buộc sáp nhập bán đảo Crimea và can thiệp quân sự vào miền Đông Ukraine, Trung Quốc là nước "kề vai sát cánh" với Moscow trong việc thúc đẩy các dự án năng lượng quan trọng, bao gồm cơ sở Yamal LNG và đường ống khí đốt tự nhiên Power of Siberia. Đây được cho là lĩnh vực đầu tàu trong quan hệ và thương mại hai nước.

Năm ngoái, kim ngạch thương mại giữa Nga và Trung Quốc đạt mức kỷ lục 108 tỷ USD, cho thấy mức tăng trưởng khoảng 25%. Khoảng 30 dự án đầu tư ở Nga với tổng trị giá 22 tỷ USD đã được thực hiện hoặc đang được phát triển với sự tham gia của các công ty Trung Quốc.

Tuy nhiên, theo như Tỷ phú Gennady Timchenko- một trong những người bạn thân nhất của Tổng thống Putin được giao nhiệm vụ thúc đẩy quan hệ thương mại với Bắc Kinh tiết lộ, các dự án của Trung Quốc thoạt nghe thì rất hoành tráng nhưng đến khi trao "tiền tươi thóc thật" thì mới ngã ngửa.

"Trong số hàng chục các dự án hợp tác với Trung Quốc chỉ có một ít được thực hiện" - ông Timchenko cho biết.

Đại biểu Duma Quốc gia Nga, Chủ tịch Ủy ban của Quốc hội về y tế, ông Sergei Furgal cho rằng, kiểu đầu tư Trung Quốc đi kèm các đòi hỏi chuyển nhà máy của họ sang Viễn Đông chỉ có lợi cho Trung Quốc còn Nga thì gánh hậu quả môi trường nặng nề.

“Các quan chức của Bộ Phát triển Viễn Đông đã thỏa thuận về việc Trung Quốc chuyển tới Viễn Đông các nhà máy và xí nghiệp lạc hậu trong lĩnh vực xây dựng, luyện kim, năng lượng, chế tạo máy và đóng tàu, hóa chất, dệt may và xi măng, công nghệ thông tin và nông nghiệp, tất cả các lĩnh vực được liệt kê đều vô cùng ô nhiễm và nguy hiểm cho môi trường ông Furgal nhấn mạnh, .

Các làn sóng đầu tư từ Trung Quốc cũng như sự bất thành của nhiều dự án kinh tế mà Bắc Kinh hợp tác với châu Âu bị hủy bỏ đã giúp Nga có được các bài học nhãn tiền.

Cho đến nay, khi Bắc Kinh đang phải hứng chịu một sức ép khổng lồ từ nền kinh tế dẫn đầu thế giới, Trung Quốc đang ở trong tình thế xem xét nghiêm túc về những hợp tác thực sự với Nga trong hàng loạt lĩnh vực để không còn là hợp tác theo kiểu thâu tóm nữa.

Huawei tìm đến Nga giữa lệnh cấm của Mỹ

Tập đoàn Huawei của Trung Quốc đã ký thỏa thuận với công ty viễn thông MTS của Nga để phát triển mạng 5G tại Nga vào năm tới.

Theo MTS, thỏa thuận này cho thấy "sự phát triển của các công nghệ 5G và việc triển khai thí điểm thế hệ mạng di động thứ 5 giai đoạn 2019-2020".

Trong khi đó, Chủ tịch luân phiên Huawei Quách Bình cho biết ông "cực kỳ vui mừng" khi đạt được thỏa thuận "trong một lĩnh vực quan trọng về chiến lược như 5G".

Đông Phong

Nguồn Đất Việt: http://baodatviet.vn/the-gioi/quan-he-quoc-te/nga--trung-bat-tay-that-huawei-tim-thay-duong-thoat-5g-3381426/