Nếu đã yêu nắng mùa hè sẽ không thể say nắng những mùa khác

Nắng mùa hè là cái nắng nồng nhất, đậm nhất. Với kẻ đã một lần say hương của nắng thì không thể nào chịu đựng được nắng của các mùa khác trong năm.

Trong những ngày Hà Nội vào đợt nắng nóng cao điểm, giữa trưa có thể lên đến 41, 42 độ C, tôi nhớ đến nhà văn của Tự lực văn đoàn: Thạch Lam. Thạch Lam với Nắng trong vườn, đúng, không thể với một tác phẩm nào khác trong những ngày bức ngột thế này. Kể cả Nắng tháng tám của William Faulkner, vì nắng của Faulkner là cái nắng của nước Mỹ xa xôi vạn dặm, nắng nước Mỹ khác nắng nước Nam ta nhiều lắm.

Nắng đúng nghĩa thì chỉ là nắng mà thôi

Nhớ đến Thạch Lam là tôi nhớ đến khu vườn mình ở thị trấn ngày xưa. Một khu vườn nhỏ thôi nằm ven đường tàu, ở trong trồng rau theo mùa, khi cải, khi dền, ngót, su hào, bắp cải, và hai cây vối, vài cây ớt, cùng mấy cây đu đủ. Hình như khu vườn của tôi nhỏ lắm, cũng chẳng có hoa trái gì nhiều, mà quên chưa kể, cạnh khu vườn có một con mương chảy qua, nước mương lờ lờ chứa cá bảy màu và nhái.

Khu vườn ngập nắng đẹp đẽ trong tranh của Barbel Amos.

Tôi không yêu nhái, cái giống gì mà chỉ lấy nhẩy nhót làm vui, nhưng cá bảy màu thì tôi yêu, dùng rá vớt cá bảy màu về đem thả trong lọ chơi cũng được vài ngày. Vài ngày sau khi cá chết thì thay đợt cá khác. Mẹ bảo: “Con đừng nghịch thế, tội cá”. Tôi nghe, nhưng rồi lại bắt đợt cá khác thay vào. Tại tôi nhỏ quá, tôi chưa biết đến cái chết là gì. Những con cá bảy màu với tôi là trò chơi vui thôi. Sau này lớn lên thêm chút, tôi không nghịch cá nữa. Nhớ lời mẹ, tôi thấy tội cho chúng thật, nhưng nhủ tất cả rồi cũng qua, như thời gian.

Ừ, như thời gian. Thời gian phủ lên khu vườn bốn mùa trong năm. Nhưng đẹp, thì chỉ có mùa hè, với nắng như mật rót vào từng kẽ lá, mặt quả, con cào cào bay trong nắng mật cũng thành con cào cào mật, cánh xanh xanh vàng vàng, con cá bảy màu bơi trong nắng thành con cá muôn màu, cái vũng mương bé hoẻn bốc trở thành vườn thượng uyển, kể cả nhái, nhảy trong nắng hè cũng thành vũ công.

Nắng mùa hè là cái nắng nồng nhất, đậm nhất. Với kẻ đã một lần say hương của nắng thì không thể nào chịu đựng được nắng của các mùa khác trong năm. Nắng xuân thì mềm yếu quá, nắng thu thì sao mà phũ phàng, như chia cắt, đứt lìa, nắng đông thì chẳng gọi được là nắng nữa, chỉ là một nhúm nhiệt thả xuống cho tan bớt đi cái giá lạnh, không hơn.

Nắng đúng nghĩa thì chỉ là nắng mà thôi. Nắng có hương của đất, của nước bốc lên. Kể cả có mưa thì cơn mưa ấy cũng là cơn mưa thuộc về nắng. Mưa trong nắng. Nắng biến cơn mưa thành vật trang điểm cho cuộc đời mình, nếu chỉ có nắng không thì tẻ lắm, nắng phải có mưa mới thành nắng đúng nghĩa được.

Nói thêm về cấy cối, khi mà cây cối ở mùa xuân là trẻ con, mùa thu là trung niên, mùa đông là già úa, thì chỉ có mùa hè - với nắng là cây cối ở độ tuổi chín nhất, độ tuổi của thanh niên, vừa có ước muốn khoe, phô ra tất cả những thứ mình có, nên nhiều khi vì nắng mà cây héo đi đôi chút. Thì cũng chẳng sao, sự trưởng thành nào mà không phải trả giá ít nhiều. Nhưng khi đã trưởng thành rồi thì người ta lại thèm có lại cái dại dột, bồng bột của tuổi trẻ, như con người vậy.

Sau thế giới ô mai đèm đẹp là một thế giới khác dữ dội hơn

Trở lại với khu vườn của tôi, khu vườn nắng, tôi đã đọc những cuốn truyện tranh đầu tiên mình có trong vườn. Là chú mèo máy Doraemon, là Thám tử lừng danh Conan, là Dũng sĩ Hesman, là Thủy thủ mặt trăng, rồi Bảy viên ngọc rồng… Thế giới trong truyện khác thế giới trong khu vườn của tôi. Chú mèo máy có thể quay ngược lại thời gian nhiều thế kỷ trước, có cánh cửa thần kì đi bất cứ đâu mình muốn, có chong chóng tre để bay bổng trên trời. Tôi ước mơ được ra khỏi đây, ra khỏi thị trấn, và ra khỏi chính khu vườn nho nhỏ của mình. Lần đầu tiên trong đời mối quan hệ giữa tôi và khu vườn có một vết rạn lớn.

Vết rạn không liền được mà cứ dần dần rộng ra.

Tranh của Van Gogh.

Bởi từ truyện tranh tôi chuyển sang truyện chữ, sang Nguyễn Nhật Ánh, sang cái mang mác của tuổi mới lớn. Thời gian tôi ra vườn ít dần đi, thay vì đó tôi thầm nhớ một bóng hình cô bé ở lớp bên. Cô bé đeo kính, nhưng cô bé có để ý tôi không? Tôi không biết, rồi cô bé lại đi với một cậu bé khác, cũng trong một ngày nắng. Tôi buồn bã trở về với khu vườn của mình, tôi bắt những con cào cào và bẻ hết chân chúng đi, tôi muốn trả thù, sự trả thù giờ được thổi bùng lên cùng nắng. Tôi hả hê nhìn những con cào cào giờ chẳng thể bay đậu, chẳng thể xòe ra đôi cánh xanh trong nắng mật.

Tự nhiên tôi thấy thương chúng, tôi khóc, và đào hố chôn chúng đi. Cắm những bông hoa xuyến chi lên trên, đặt vài hòn đá xung quanh, tôi nói lời xin lỗi đầu tiên trong đời, dù rằng lời xin lỗi đó chẳng giải quyết được gì. Nhưng tôi biết, sau này không được làm đau bất cứ thứ gì nữa. Và đêm đó, tôi mơ giấc mơ lạ hoắc với những điều cấm kị, vừa sợ hãi vừa khoái cảm. Tỉnh dậy, tôi ước gì mình chưa từng mơ giấc mơ đó, nhưng rồi lại nhủ, giá được mơ lâu hơn.

Giá được mơ một giấc mơ, tôi sẽ mơ về thị trấn. Sau cái đêm mộng mị kia tôi không còn đọc Nguyễn Nhật Ánh nữa, bởi tôi biết, ở sau thế giới ô mai đèm đẹp là một thế giới khác dữ dội hơn. Ở cửa hàng thuê truyện, tôi mon men ở đến giá sách mà người lớn hay thuê, tràn ngập Kim Dung, Cổ Long. Tôi không biết sẽ chọn ai nữa, cuốn sách nào cũng dày khự đe dọa. Cuối cùng tôi cầm lên một cuốn sách mỏng mảnh của nhà văn Duy Khán mang tên Tuổi thơ im lặng.

Từ cuốn sách đầy ắp kỷ niệm về làng quê Bắc Ninh này tôi bước lên một bước mới dài hơn trong việc đọc, với Tuổi thơ dữ dội của nhà thơ Phùng Quán. Từ Bắc Ninh tôi vào Huế, trong hành trình khám phá sự đọc của mình, tôi quên dần đi khu vườn của mình, quên đi cả nắng trải ngập ngoài kia nữa.

Tôi đọc mãi, đọc mãi, rồi cái mầm viết lách nảy lên lúc nào chẳng hay. Tôi viết về tôi, viết về thị trấn, về bố mẹ, người quen. Cho đến một ngày giữa Hà Nội nắng nóng tôi muốn viết về khu vườn ngập nắng của mình khi xưa. Nhưng lạ thay, dù quen lắm nhưng tôi vẫn không thể tả chính xác được góc vườn này, cây vối kia, cây ớt, luống rau, con chuồn chuồn, con nhái. Tất cả đã bỏ tôi đi rồi sao? Tôi muốn tìm về thị trấn, muốn về lại khu vườn của mình, nhưng lại sợ, sợ tất cả chẳng còn giống trong trí nhớ, trong cảm giác nhớ…

Và giờ Hà Nội vẫn nắng, nhưng Hà Nội chẳng có khu vườn của tôi.

Nhà văn Đinh Phương

Nguồn Znews: http://news.zing.vn/neu-da-yeu-nang-mua-he-se-khong-the-say-nang-nhung-mua-khac-post938374.html