Neo giữ hồn Việt

'Đẹp biết bao, quê hương cho ta chiếc áo nhiệm màu. Dù ở đâu, Paris, London hay những miền xa, thoáng thấy áo dài bay trên đường phố, sẽ thấy tâm hồn quê hương ở đó, em ơi'...

Không phải ngẫu nhiên lời bài hát “Một thoáng quê hương” trở thành giai điệu quen thuộc với đông đảo người Việt Nam, đặc biệt là người Việt Nam ở nước ngoài. Tà áo dài là biểu tượng, là “hồn Việt” trên chính quê hương hay ở khắp nơi trên thế giới. Cứ mỗi độ Tết đến, Xuân về, từ nơi nắng ấm đến vùng tuyết trắng mênh mông, tà áo dài cùng với bánh chưng xanh, hoa đào đỏ và những món ăn truyền thống hòa quyện duyên dáng nơi cảnh vật phương xa vẫn tạo nên một cái Tết truyền thống ấm cúng, đủ đầy.

Bạn Hoàng Minh Trang (áo dài tím) thường cùng các bạn sinh viên là người Việt tại Anh mặc áo dài trong các buổi họp mặt và trong các sự kiện của trường.

Học tập, làm việc ở nước ngoài không có điều kiện về Việt Nam đón Tết nhưng những người con Đất Tổ luôn biết cách giữ gìn, trân trọng những nét đẹp văn hóa truyền thống của quê hương. Đón Tết cổ truyền nơi xa xứ, cùng với những lời ca, tiếng hát, các trò chơi dân gian, ẩm thực truyền thống... tà áo dài Việt luôn là một biểu tượng, một nét đẹp truyền thống đặc trưng được tôn vinh và giới thiệu tới bạn bè quốc tế.

Khi mùa Xuân sắp về trên quê hương thì tại một nơi cách xa Việt Nam hàng ngàn cây số, bạn Hoàng Minh Trang (phường Dữu Lâu, thành phố Việt Trì) hiện đang là du học sinh tại Trường Đại học Edinburgh, thành phố Edinburgh, Vương quốc Anh vẫn đang trải qua những ngày Đông giá buốt với cái lạnh xuống dưới 0°C. Trong những ngày tháng đầu tiên khi xa nhà, Trang gặp gỡ, giao lưu với những người bạn ở Hội sinh viên Việt Nam tại Vương quốc Anh và trở thành thành viên, tham gia vào những hoạt động hướng về quê hương của Hội. Cùng chung một nỗi niềm, Trang và các bạn đã giúp nhau phần nào vơi đi sự cô đơn, nỗi nhớ quê hương, nhớ gia đình, đặc biệt là trong dịp Tết cổ truyền của dân tộc.

“Tết Nguyên đán năm nay mình và các bạn sẽ cùng nhau mặc áo dài đến những địa danh nổi tiếng của Vương quốc Anh để tham quan, chụp ảnh, gói bánh chưng, chơi một số trò chơi dân gian, nấu các món ăn truyền thống... mời bạn bè quốc tế nếm thử để hiểu thêm về những nét đẹp văn hóa của Việt Nam. Mình đặc biệt yêu tà áo dài Việt, ở đây chúng mình thường mặc áo dài vào các dịp gặp gỡ, hội họp hay khi có các sự kiện tại trường. Những người bạn người nước ngoài của mình tại Anh cũng rất thích áo dài, mình đã đặt một số bộ áo dài cách tân từ Việt Nam để làm quà tặng cho các bạn trong dịp năm mới”, Minh Trang chia sẻ.

Bạn Nguyễn Thị Thu Hường cùng tà áo dài Việt trên đất nước Nhật Bản.

Tết Quý Mão 2023 là một mùa Tết nữa bạn Nguyễn Thị Thu Hường - Du học sinh tại Trường Đại học Kyoto, thành phố Kyoto, Nhật Bản không được về đoàn tụ với gia đình tại xã Lang Sơn, huyện Hạ Hòa. Dù có thể cảm nhận Tết Việt “gần” hơn một chút bởi Nhật Bản và Việt Nam có sự tương đồng về văn hóa, khí hậu và không khí đón Tết nhưng năm nay đã là cái Tết thứ ba xa nhà, những ngày cận Tết, Hường vẫn nhớ nhà da diết. Hường tâm sự: “Mình luôn nhớ Việt Nam qua từng chiếc áo dài, hầu như cứ cuối tuần nào có dịp đi chơi hoặc ở trường có các hoạt động, sự kiện lớn là mình và các bạn lại cùng nhau mặc áo dài. Người Nhật không đón Tết Nguyên đán như người Việt Nam, họ ăn Tết dương lịch trong một kỳ nghỉ kéo dài từ 7-10 ngày. Vậy nên vào dịp Tết của người Việt Nam, hầu như tất cả mọi người đều không được nghỉ, vẫn phải đi làm, đi học như bình thường. Nhưng mình và các bạn vẫn cố gắng chuẩn bị một cái Tết tươm tất theo đúng phong tục cổ truyền dân tộc với áo dài truyền thống, bánh chưng, giò chả, mứt tết... cùng nhau đến Thủ đô Tokyo tham quan những cảnh đẹp nổi tiếng của đất nước Nhật Bản”.

Chị Nguyễn Thị Bình đưa hình ảnh áo dài Việt đến gần hơn với bạn bè quốc tế qua những video clip trên các nền tảng mạng xã hội.

Đã hơn 10 năm kể từ ngày chị Nguyễn Thị Bình (33 tuổi, phường Dữu Lâu, thành phố Việt Trì) xa nhà, đến học tập và làm việc ở châu Hồng Hà, tỉnh Vân Nam, Trung Quốc. Từ một cô sinh viên trẻ cho đến khi đã làm dâu trong một gia đình Trung Quốc và có một con gái nhưng trong lòng chị Bình chưa khi nào vơi bớt nỗi nhớ quê hương, đặc biệt vào dịp Tết Nguyên đán. Để gia đình nhỏ của mình có được những trải nghiệm chân thực về vị Tết quê hương, chị Bình luôn cố gắng tái hiện lại đầy đủ nhất những phong tục tập quán thường có vào ngày Tết giống như khi còn ở Việt Nam thông qua việc mặc áo dài, gói bánh chưng, nấu những món ăn truyền thống... Không chỉ vậy, trong những ngày bình thường, chị vẫn luôn gìn giữ giá trị văn hóa dân tộc, dạy con gái học tiếng Việt, đặc biệt tôn vinh vẻ đẹp tà áo dài - trang phục truyền thống của dân tộc Việt Nam. Chị Bình tâm sự, dù ở xa nhưng chị luôn hướng về quê hương, Tổ quốc. Gia đình chị đang kinh doanh về lĩnh vực công nghệ nên chị thường xuyên chia sẻ những hình ảnh, video clip về áo dài Việt trên các nền tảng mạng xã hội để đưa hình ảnh áo dài truyền thống của quê hương đến gần hơn với bạn bè quốc tế.

Dù ở bất kỳ ở nơi đâu, áo dài vẫn luôn ẩn chứa vẻ đẹp thuần khiết của tâm hồn Việt, lan tỏa nét đẹp truyền thống, sâu lắng của văn hóa Việt mà không thể trộn lẫn với bất cứ thứ gì khác. Không chỉ vào dịp Tết đến, Xuân về mà cứ mỗi khi thấy tà áo dài nơi xa xứ, trong lòng những người con Đất Việt đều cảm thấy nỗi nhớ nhung quê hương da diết.

Hà Trang

Nguồn Phú Thọ: https://baophutho.vn//van-hoa/neo-giu-hon-viet/190410.htm