NASA tìm môi trường sống mới tại Mặt Trăng Europa của Sao Mộc
Ngày 14/10, NASA đã phóng một tàu vũ trụ từ Florida với sứ mệnh kiểm tra điều kiện sống trên mặt trăng Europa của Sao Mộc. Tập trung vào việc thu thập dữ liệu về đại dương ngầm lớn dưới lớp băng của bề mặt hành tinh.
Tàu vũ trụ Europa Clipper của NASA đã rời khỏi Trung tâm Vũ trụ Kennedy ở Cape Canaveral bằng tên lửa SpaceX Falcon Heavy. Tàu thăm dò năng lượng mặt trời này dự kiến sẽ vào quỹ đạo Sao Mộc vào năm 2030 sau khi di chuyển khoảng 2,9 tỷ km trong 5 năm rưỡi. Kế hoạch phóng đã bị hoãn lại một tuần do cơn bão Milton tại Mỹ.
Đây là tàu vũ trụ lớn nhất NASA từng chế tạo cho nhiệm vụ khám phá, với chiều dài khoảng 30,5 mét và rộng 17,6 mét và nặng khoảng 6.000 kg.
Mặc dù Europa, Mặt Trăng lớn thứ tư trong số 95 mặt trăng được công nhận chính thức của Sao Mộc, chỉ có đường kính bằng 25% Trái Đất, nhưng có bề mặt đại dương rộng và sâu hơn Trái Đất. Các đại dương của Trái Đất được cho là nơi khai sinh sự sống.
Với đường kính khoảng 3.100 km, khoảng 90% so với Mặt Trăng của Trái Đất, Europa được coi là một môi trường tiềm năng để tìm kiếm sự sống ngoài hành tinh trong hệ mặt trời. Lớp vỏ băng của Europa được cho là dày khoảng 15-25 km, nằm trên một đại dương có độ sâu 60-150 km.
Ông Jim Free, Phó Quản trị viên NASA, cho biết trong buổi họp báo trước khi phóng rằng Europa có một trong những môi trường hứa hẹn nhất về khả năng tồn tại sự sống ngoài Trái Đất trong hệ mặt trời, mặc dù sứ mệnh này không nhằm tìm kiếm các sinh vật sống.
Những gì chúng ta khám phá trên Europa sẽ có những tác động sâu rộng đến nghiên cứu sinh học vũ trụ và cách chúng ta nhìn nhận vị trí của mình trong vũ trụ, ông Free nói.
NASA cũng chế tạo một khoang bảo vệ bằng titan và nhôm bên trong tàu Europa Clipper để bảo vệ các thiết bị điện tử nhạy cảm khỏi bức xạ từ Sao Mộc.