Nâng cao nhận thức, thay đổi tập quán cũ

Không gian sạch sẽ, trong lành ở xã Xuân Sơn Bắc, huyện Đồng Xuân - Ảnh: MINH DUYÊN

Sau một thời gian dài kiên trì vận động, tuyên truyền, đến nay đồng bào dân tộc thiểu số trên địa bàn tỉnh đã dần thay đổi thói quen sinh hoạt và sản xuất, hạn chế gây ô nhiễm môi trường tại các thôn, buôn.

Bắt đầu từ những việc nhỏ

Từ sáng, Ma Thân ở xã Krông Pa (huyện Sơn Hòa) đã dậy sớm đi phun thuốc lúa. Ông cầm chai thuốc bảo vệ thực vật pha với nước theo đúng tỉ lệ quy định rồi đổ vào bình phun khuấy đều. Xong ông tìm một cái que cắm xuống đất và dựng ngược chai thuốc lên đầu que.

Ma Thân lý giải: Làm như vậy để lượng thuốc còn lại trong chai rỉ vô cái que, bốc hơi hết. Còn để dưới đất, chai bị quăng lung tung rơi xuống suối, lượng thuốc nhiều có thể làm cá chết, gây ô nhiễm, ảnh hưởng tới sức khỏe bà con. Với lại mình dựng lên như vậy để những người làm vệ sinh, những người thu gom phế liệu nhìn thấy.

Còn La O Mười ở xã Xuân Lãnh (huyện Đồng Xuân), cũng mua tre, lưới về giăng một góc vườn để làm chuồng nuôi heo, gà và không gian cho những con vật này, bỏ hẳn thói quen thả rông. La O Mười chia sẻ: Trước đây, tôi thả rông heo, gà và chúng chạy khắp nơi ủi đất, phóng uế, rất mất vệ sinh. Giờ mình khoanh chúng lại, làm mái che mưa che nắng đảm bảo gia súc gia cầm phát triển tốt lại vừa tiện dọn vệ sinh, bảo vệ sức khỏe người thân.

Theo bà Trịnh Thị Sách, Trưởng khu phố 9, thị trấn Hai Riêng (huyện Sông Hinh), khu phố 9 có 202 hộ, trong đó khoảng 30 hộ dân tộc Tày, Nùng thuộc buôn Suối Mây cũ (buôn Suối Mây vừa được sáp nhập vào khu phố 9). Trước đây, tình trạng vứt rác thải sinh hoạt, rác sản xuất của đồng bào rất phổ biến.

Sau đó, để nâng cao ý thức của người dân, chính quyền các cấp đã tổ chức nhiều đợt ra quân dọn vệ sinh kết hợp tuyên truyền tới từng hộ về giữ gìn vệ sinh môi trường. Các hội đoàn thể hướng dẫn bà con cách làm chuồng trại chăn nuôi, xây nhà vệ sinh kiên cố, thường xuyên quét dọn trong nhà ngoài ngõ, khơi thông cống rãnh… Nhờ vậy, đến nay ý thức của đồng bào về bảo vệ môi trường được nâng lên, trong buôn không có điểm nóng về ô nhiễm môi trường.

Sở TN-MT hỗ trợ phương tiện thu gom rác, để Đoàn Thanh niên xã Ea Bia (huyện Sông Hinh) triển khai mô hình thu gom rác thải trên địa bàn - Ảnh: MINH DUYÊN

Bảo vệ sức khỏe người dân

Huyện Sơn Hòa đã triển khai được 7 mô hình thu gom rác thải tại 7/14 xã, thị trấn và đưa vào sử dụng 20 công trình nước sinh hoạt tập trung phục vụ cho hơn 8.000 hộ dân. Ông Phạm Đình Phụng, Phó Chủ tịch UBND huyện Sơn Hòa, cho biết: Đưa các mô hình thu gom rác thải vào hoạt động nhằm thay đổi thói quen vứt rác bừa bãi, hình thành nếp sống bỏ rác đúng nơi quy định, đúng giờ. Có như vậy, lượng rác trên các sông, suối, kênh thủy lợi mới được hạn chế.

Cùng với đó, địa phương đầu tư 27 tỉ đồng xây dựng các công trình nước để đồng bào có nước sạch phục vụ sinh hoạt thay vì phải đi lấy nước ở các con suối không được kiểm tra chất lượng vệ sinh. Hiện, 6/14 xã đồng bào dân tộc thiểu số có công trình nước sinh hoạt tập trung, đáp ứng 97% dân cư sử dụng nước hợp vệ sinh và gần 57% dân cư sử dụng nước sạch.

Tại huyện Sông Hinh cũng đưa 7 mô hình thu gom rác thải vào hoạt động tại 11 xã, thị trấn. Tại các thôn, buôn và khu sản xuất đều có thùng rác bê tông để bà con tiện bỏ rác. Theo ông Ksor Y Phun, Phó Chủ tịch UBND huyện Sông Hinh, tại các thôn, buôn đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống, địa phương huy động các già làng, trưởng buôn, người uy tín để tuyên truyền nâng cao ý thức người dân trong giữ gìn vệ sinh môi trường, bảo vệ sức khỏe, đưa quy định bảo vệ môi trường vào hương ước của thôn, trở thành tiêu chí quan trọng đánh giá đạt gia đình văn hóa.

Theo Ban Dân tộc tỉnh, nhờ đẩy mạnh tuyên truyền về bảo vệ môi trường trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số mà đến nay, đồng bào đã bắt đầu hình thành thói quen thu gom, tập kết rác thải, hướng tới sản xuất xanh và sinh hoạt hợp vệ sinh. Tuy nhiên, việc thu gom chủ yếu mới chỉ thực hiện tới trung tâm xã, còn các thôn, buôn rất hạn chế nên ở đây vẫn xử lý bằng cách chôn, đốt là chủ yếu. Hy vọng các tổ chức, cá nhân mạnh dạn đầu tư hiện đại hóa sản xuất, xây dựng hạ tầng cơ sở, hỗ trợ trang thiết bị hiện đại để chung tay cùng đồng bào bảo vệ môi trường.

“Mỗi người dân một chai thuốc nhỏ, nhưng cả chục, cả trăm người thì không hề nhỏ, nên ai cũng cần phải có ý thức bảo vệ môi trường”. (Ma Thân)

MINH DUYÊN

Nguồn Phú Yên: http://www.baophuyen.com.vn/141/225214/nang-cao-nhan-thuc-thay-doi-tap-quan-cu.html