Mỹ và châu Âu thiết kế vũ khí bảo vệ Trái đất trước thảm họa thiên thạch

Rất nhiều tiểu hành tinh đã bay ngang Trái đất. Không ai biết được khi nào một trong số chúng sẽ đâm vào hành tinh xanh. NASA và ESA đang nghiên cứu phát triển vũ khí phòng thủ mới để cứu Trái đất khỏi những vụ va chạm như vậy.

Một tiểu hành tinh được đặt tên là 2019 KY đã bay sượt Trái đất vào ngày 4/6. Cơ quan hàng không vũ trụ Mỹ (NASA) cho biết thiên thể này bay với tốc độ khoảng 22.284 km/h khi ngang qua Trái đất với khoảng cách an toàn.

Vào ngày 15/2/2013, một tiểu thiên thạch có đường kính 20 mét đã nổ tung khi tiến vào bầu khí quyển Trái đất, ở độ cao 23 km bên trên thành phố Chelyabinsk của Nga. Người dân cảm thấy sức nóng của vụ nổ cách đó 60 km. Cửa sổ của hàng nghìn tòa nhà gần vụ nổ đã vỡ vụn. Một nghìn người bị thương bởi các mảnh vụn thiên thạch.

Vào cuối tháng 5/2019, Giám đốc NASA Jim Bridenstine tuyên bố rằng việc thiên thạch đâm vào Trái đất có thể xảy ra bất cứ lúc nào và cho đến nay không ai dự đoán được một kịch bản thảm họa như thế trong những năm tới. Để bảo vệ Trái đất khỏi những nguy cơ bất ngờ như trên, NASA và ESA (Cơ quan Vũ trụ châu Âu) đang nghiên cứu phát triển một loại vũ khí phòng thủ mới để cứu Trái đất.

NASA và ESA đang phát triển các chi tiết dự án, nhưng ý tưởng chung là chế tạo một thiết bị có khả năng đâm vào thiên thể để làm nó đi chệch khỏi quỹ đạo. Một thử nghiệm đầu tiên trong điều kiện thực tế được lên kế hoạch vào năm 2022 trên tiểu hành tinh Didymos, được NASA xác nhận vào đầu tháng 5/2019.

NASA cũng cho biết trong một tuyên bố về sứ mệnh mang tên DART này rằng "nhiều bộ phận của thiết bị bắn thiên thể đã bắt đầu hình thành". Dự án đang chuyển từ giai đoạn mô hình sang mô phỏng.

Nh.Thạch (Theo AFP)

Nguồn PetroTimes: https://petrotimes.vn/my-va-chau-au-thiet-ke-vu-khi-bao-ve-trai-dat-truoc-tham-hoa-thien-thach-538840.html