Mỹ nhắm đòn trừng phạt vào SMIC của Trung Quốc

Tuần này, cổ phiếu của SMIC - nhà sản xuất chip lớn nhất Trung Quốc - đã giảm gần 23%, xuống mức dưới 2,4 USD/cổ phiếu trên sàn giao dịch chứng khoán Hong Kong. Nguyên do là vì Lầu Năm Góc tuyên bố đang xem xét lệnh cấm xuất khẩu đối với công ty này.

Giới phân tích nhận định, nếu đòn trừng phạt được tiến hành, đây là cú đánh khá mạnh của Mỹ nhằm vào Trung Quốc đúng vào thời điểm Bắc Kinh đang tăng tốc phát triển công nghệ.

Mỹ gia tăng trừng phạt các công ty công nghệ lớn của Trung Quốc. Ảnh: Getty.

Tuyên bố gây sốc

Theo tin từ hãng CNN, tổng giá trị của SMIC tại thị trường Hong Kong mất khoảng 3,6 tỷ USD trong khi giá trị ở thị trường Thượng Hải cũng thiệt hại tương tự. Đây mới chỉ là những dự báo ban đầu bởi giới chức Mỹ mới đưa ra lời nói đe dọa chứ chưa thực hiện. “Tháng 7, SMIC đã huy động được 6,8 tỷ USD trong một đợt niêm yết thứ cấp trên thị trường ở Thượng Hải. Cổ phiếu đã tăng hơn 200% trong lần đầu ra mắt tại Thượng Hải, cho thấy các nhà đầu tư Trung Quốc háo hức mua vào cổ phiếu của nhà sản xuất chip hàng đầu đất nước. Nhưng hôm 7-9, cổ phiếu của SMIC đã bị giảm mạnh ở cả Hong Kong và ở Thượng Hải khiến SMIC bắt đầu lao đao”, hãng CNN nhận định.

Cũng theo phân tích của hãng này, việc Mỹ đưa SMIC vào danh sách đen chỉ tính theo ngày bởi hồi tuần trước, quan chức cấp cao của Lầu Năm Góc đã thể hiện sự nghi ngờ về việc SMIC có mối liên hệ với quân đội Trung Quốc. Thậm chí, một phát ngôn viên Lầu Năm Góc còn nói rõ, Bộ Quốc phòng đang làm việc với các cơ quan khác để xác định xem có nên thực hiện động thái chống lại SMIC ngay lập tức hay không. Sau đó, một nguồn tin khác khẳng định, hôm 7-9, Lầu Năm Góc đã chính thức đề xuất đưa SMIC vào danh sách đen trước một hội đồng do Bộ Thương mại dẫn dầu phối hợp với Bộ Năng lượng... Một khi việc này được thực hiện, các doanh nghiệp Mỹ phải xin giấy phép trước khi bán sản phẩm cho SMIC.

SMIC ngay lập tức tuyên bố rằng, họ "hoàn toàn bị sốc" trước tin tức này nhưng sẵn sàng liên lạc với các cơ quan Chính phủ Mỹ với hy vọng giải quyết mọi hiểu lầm. Đại diện SMIC còn nhấn mạnh rằng công ty không vi phạm bất kỳ luật nào và bác bỏ mọi cáo buộc có quan hệ với quân đội Trung Quốc. Đại sứ quán Trung Quốc tại Washington thì từ chối bình luận. Giới quan sát cho rằng, những động thái mới nhất của Mỹ có thể nhằm buộc SMIC cắt nguồn cung cấp chip cho Huawei - tập đoàn công nghệ đang chịu lệnh trừng phạt của Mỹ.

SMIC có nguy cơ chịu lệnh trừng phạt mới của Mỹ. Ảnh: Getty.

Các nhà phân tích của Jefferies chỉ rõ: “SMIC sử dụng phần mềm và thiết bị do Mỹ sản xuất để tạo ra chip của mình. Sau đó họ cung cấp cho các công ty khác - bao gồm cả Huawei. Nhưng vào tháng 5, Bộ Thương mại Mỹ đã công bố quy định hạn chế các công ty xuất khẩu chipset máy tính và các thành phần quan trọng khác cho Huawei nếu các công ty đó sử dụng thiết bị của Mỹ để sản xuất. SMIC chắc chắn phải có giấy phép xuất khẩu từ Mỹ trước khi có thể sản xuất bất kỳ chipset nào cho Huawei. Theo quan điểm của chúng tôi, sẽ không thể tưởng tượng được nếu SMIC không tuân thủ quy tắc mới vì nó có nguy cơ bị cắt khỏi nguồn cung cấp thiết bị bán dẫn của Mỹ và quyền truy cập vào phần mềm của Mỹ”.

Vì thế, trong phản hồi của mình, SMIC cũng cảnh báo rằng các hạn chế công nghệ của Mỹ có thể tạo ra những trở ngại ngăn họ cung cấp các sản phẩm và dịch vụ cho khách hàng. Thêm vào đó, căng thẳng thương mại và tranh chấp ngoại giao giữa Trung Quốc với các nước khác cũng có thể ảnh hưởng đến nguồn cung cấp nguyên liệu và thiết bị ở nước ngoài của công ty.

"Trật bánh" chuỗi cung ứng?

Rõ ràng, Chính phủ Mỹ ngày càng đưa nhiều công ty công nghệ Trung Quốc vào "danh sách đen" như trước đó với Huawei và ZTE. Hiện có 275 công ty có trụ sở tại Trung Quốc phải chịu lệnh trừng phạt của Mỹ. Hãng Reuters bình luận: “SMIC là nhà sản xuất chip lớn nhất của Trung Quốc nhưng lại đứng thứ hai sau đối thủ là Semiconductor Manufacturing Co Ltd của Đài Loan (TSMC). Thời gian gần đây, SMIC tìm cách xây dựng các xưởng đúc để sản xuất chip máy tính có thể cạnh tranh với TSMC.

Tuy nhiên, SMIC lại cũng đang phải đối mặt với những hạn chế mới từ Bộ Thương mại Mỹ yêu cầu các nhà sản xuất chip của Huawei phải xin giấy phép của Mỹ trước khi sản xuất chip cho gã khổng lồ viễn thông này, nếu họ dựa vào công nghệ sản xuất chip của Mỹ. Thực chất, những gì mà giới chức Mỹ đang làm là nhắm mục tiêu rộng rãi vào ngành công nghiệp chip của Trung Quốc. SMIC không thể cắt nguồn cung cấp cho Huawei và hành động của Mỹ chống lại SMIC sớm hay muộn sẽ đến".

Nhà phân tích về công nghệ Ma Jihua thì nhận định, đề xuất hạn chế xuất khẩu của Mỹ đối với SMIC đe dọa làm trật bánh chuỗi cung ứng chất bán dẫn trong nước còn non trẻ nhưng đang phát triển của Trung Quốc, đồng thời ảnh hưởng đến các công ty Mỹ và Nhật Bản vốn coi nhà sản xuất chip Trung Quốc là khách hàng quan trọng. Thêm vào đó, các kế hoạch hạn chế được đưa ra vào thời điểm SMIC dự kiến sẽ tăng gấp đôi chi tiêu trong năm 2020 để sản xuất chip cao cấp hơn, được hỗ trợ bởi 6,6 tỷ USD từ việc niêm yết cổ phiếu thứ cấp vào tháng 7 và hỗ trợ từ các công ty nhà nước.

SMIC là công ty sản xuất chip điện tử lớn nhất của Trung Quốc, làm việc với nhiều nhà cung cấp Mỹ.

Một nguồn tin nội bộ Trung Quốc cho biết Bắc Kinh đã tính dành khoảng 100 tỷ USD để đầu tư cho SMIC trong chương trình khuyến khích sáng tạo bản địa, nhằm đưa công ty này lên ngang tầm hoặc vượt qua đối thủ cạnh tranh là TSMC, vốn đang dẫn đầu thế giới về sản xuất vi mạch. TSMC là nhà cung cấp chính các loại vi mạch cho Huawei và các công ty công nghệ khác của Trung Quốc. Thế nhưng, TSMC sử dụng linh kiện, thiết bị của các công ty Mỹ như Lam Research, KLA Corp, Applied Materials. Với biện pháp cấm vận mới đây của Mỹ, TSMC không được phép sản xuất vi mạch cho Huawei nữa, đẩy tập đoàn viễn thông Trung Quốc vào chỗ bế tắc.

Do đó, các lệnh trừng phạt đối với SMIC (nếu có) sẽ làm tổn hại đến tham vọng sản xuất chip của Trung Quốc. Paul Triolo, người đứng đầu bộ phận địa công nghệ tại Eurasia Group nói: “Thêm SMIC vào danh sách đen thương mại sẽ tạo ra "những rào cản mới đáng kể đối với sự phát triển chất bán dẫn của Trung Quốc. Thực tế là Trung Quốc đã cố gắng đầu tư để thúc đẩy ngành công nghiệp sản xuất chip của mình phát triển các chất bán dẫn nhanh hơn và tiên tiến hơn. Nhưng cho đến nay, mọi kết quả đạt được đều ở mức hạn chế và SMIC vẫn kém các công ty dẫn đầu như Intel (INTC), Samsung (SSNLF) và TSMC (TSM) từ 3 đến 5 năm. Hiện tại, Trung Quốc chính là thị trường lớn nhất với 13 trong số 38 khách hàng lớn nhất của SMIC, chiếm 34% tổng số.

Việc hạn chế quyền tiếp cận của SMIC đối với các nhà cung cấp của Mỹ có thể làm “gián đoạn nỗ lực của Trung Quốc trong việc phát triển các ngành công nghiệp phần mềm và vi mạch tích hợp trong nước, vốn dĩ sẽ ảnh hưởng đến mọi thứ, từ điện thoại thông minh đến trạm phát sóng 5G và hệ thống dẫn đường tên lửa”.

Tuy nhiên, các hạn chế đối với các công ty Trung Quốc cũng thường gây tổn hại cho các công ty Mỹ. Chẳng hạn, việc trừng phạt SMIC được cho là sẽ "làm giảm thêm doanh thu của các công ty sản xuất thiết bị bán dẫn của Mỹ cung cấp cho các nhà sản xuất Trung Quốc, lấy đi nguồn vốn có sẵn để tái đầu tư phát triển các thế hệ bán dẫn tiếp theo và thiết bị sản xuất liên quan”. Dữ liệu thống kê cho thấy, doanh nghiệp Mỹ chiếm 1/3 trong tổng số 30 hãng cung ứng cho SMIC, trong đó doanh nghiệp lớn nhất là Lam Research có trụ sở tại Fremont, bang California. Đây là hãng chuyên sản xuất máy khắc plasma dùng để chế tạo chip silicon, chiếm 8,5% tài sản tại SMIC, trong khi SMIC mang về cho Lam Research khoảng 1,1% doanh thu hằng năm.

Bên trong cơ sở sản xuất của SMIC tại Thượng Hải.

Chịu ảnh hưởng nặng nề nhất lại là Tập đoàn Qualcomm chuyên cung cấp bộ xử lý cho điện thoại iPhone, Motorola và Samsung, đóng góp 8,6% doanh thu cho SMIC và dành mức đầu tư 3,9% mỗi năm để mua sản phẩm từ hãng chip Trung Quốc này. Nhà cung ứng hàng đầu của SMIC là ASML Holdings, hãng sản xuất máy quang khắc lớn nhất thế giới hiện nay, có trụ sở tại Veldhoven, Hà Lan, chiếm 11% chi phí tài sản cố định của SMIC tính đến tháng 4-2020. SMIC đóng góp 0,12% doanh thu cùng kỳ cho ASML Holdings. Tiếp sau đó là các công ty Hàn Quốc, Nhật Bản, Đức và Israel, mỗi nước có 2 công ty cung ứng cho SMIC...

Nhưng dù lệnh trừng phạt có thể mang lại những khó khăn cho các nhà cung cấp của SMIC thì cuối cùng chịu thiệt nhất vẫn là công ty này. "Người ta có thể nghĩ rằng các nhà cung cấp thiết bị và vật liệu của Trung Quốc sẽ được đẩy mạnh hơn nữa do quá trình phi Mỹ hóa. Nghĩa là các công ty Trung Quốc có cơ hội phát triển hơn. Điều này có thể đúng trong dài hạn, nhưng nếu dây chuyền sản xuất của SMIC bị tê liệt những thiết bị/vật liệu “made in China” này cũng sẽ không có giá trị sử dụng", chuyên gia của CLSA nhấn mạnh.

SMIC là công ty sản xuất chip điện tử nhà nước và lớn nhất ở Trung Quốc, được thành lập cách đây 20 năm. Công ty này có cơ sở sản xuất trên khắp đất nước và có văn phòng đại diện tại Mỹ, Italy, Nhật Bản, Đài Loan và Hong Kong. Trụ sở chính của SMIC tại Thượng Hải. SMIC đã huy động được 46,3 tỷ nhân dân tệ (6,8 tỷ USD) trong đợt IPO tại Thượng Hải vào tháng 7 vừa qua và dự kiến sẽ là đợt chào bán lớn nhất của Trung Quốc trong 10 năm.

Châu Anh (Tổng hợp)

Nguồn ANTG: http://antg.cand.com.vn/kinh-te-van-hoa-the-thao/my-nham-don-trung-phat-vao-smic-cua-trung-quoc-611664/