Mỹ-Israel vô phương đánh sập cứ điểm hạt nhân Fordow Iran

Cứ điểm hạt nhân Fordow và Natanz của Iran đều được xây dựng trong lòng đất và trong lòng núi, khiến Mỹ-Israel rất khó để không kích phá hủy được chúng.

Iran không lùi bước, quyết tái làm giàu Uranium

Sau khi Iran cảnh báo, họ sẽ rời hiệp ước hạt nhân trừ phi có những thỏa thuận mới có lợi cho nước này, một quan chức năng lượng nguyên tử tại Tehran nói rằng, nước này sẵn sàng tiếp tục làm giàu hạt nhân lên mức độ cao hơn tại cơ sở hạt nhân Fordow.

Người phát ngôn của Tổ chức Năng lượng Nguyên tử Iran (AEOI) Behrouz Kamalvandi đã tuyên bố tại Tehran rằng, việc tái triển khai kế hoạch làm giàu Uranium sẽ bắt đầu theo lệnh của Lãnh tụ Tối cao Ayatollah Ali Khamenei.

“Hiện tại, lãnh đạo tối cao đã ra lệnh cho các chương trình hạt nhân được thực hiện trong khuôn khổ các thông số cho phép của thỏa thuận hạt nhân. Và khi ông ra lệnh, chúng tôi sẽ công bố các chương trình hoạt động để khôi phục Fordow” - Kamalvandi nói.

Theo giới phân tích, tuyên bố của AEOI từ Tehran được cho là nhắm tới ba mục đích sau:

Thứ nhất là: Để chứng minh rằng Iran không quan tâm đến kết quả hội nghị thượng đỉnh ngày 12 tháng 6 giữa Tổng thống Mỹ Donald Trump và Chủ tịch Triều Tiên Kim Jong-un về việc giải trừ hạt nhân của bán đảo Triều Tiên, một vấn đề có liên quan mật thiết đến việc Mỹ mới rút khỏi Thỏa thuận Hạt nhân Iran (Iran nuclear deal) hay còn gọi là “Kế hoạch Hành động chung Toàn diện” (Joint Comprehensive Plan of Action - JCPOA); đồng thời khẳng định rằng, bất kể là Bình Nhưỡng đưa ra quyết định thế nào thì Tehran cũng quyết không nhượng bộ trước Washington.

Mỹ và Israel đang dự định tấn công cơ sở hạt nhân Fordow của Iran

Thứ hai là: Đây là một phản ứng thách thức đối với bình luận của tổng thống Mỹ sau hội nghị thượng đỉnh Mỹ-Triều ở Singapore. Ông Donald Trump đã nói rằng, Iran đã ở một địa vị khác so với ba tháng trước, tuy nhiên, bây giờ là quá sớm để nói rằng Tehran sẽ nhanh chóng nhượng bộ. Nhà lãnh đạo Mỹ cho biết, Tehran chắc chắn sẽ có những phản ứng mạnh để bày tỏ quyết tâm của mình là tiếp tục con đường hạt nhân, nhưng ông tin rằng, vào thời điểm thích hợp sau khi bị áp đặt các biện pháp trừng phạt thực sự khắc nghiệt, chính quyền Tehran sẽ phải chấp nhận ngồi vào bàn để đàm phán một thỏa thuận mới.

Thứ ba là: Tuyên bố này, kết hợp với nhận xét của Tổng thống Iran Rouhani đối với Thủ tướng Pháp Macron đã cho thấy rằng, giới chức lãnh đạo Tehran quyết không nhân nhượng trước chiến lược cứng rắn của Trump và quyết tâm tiếp tục chương trình hạt nhân của mình.

Điều này cũng cho các quốc gia còn lại trong nhóm P+1 (ngoài Nga và Trung Quốc ra, còn có 3 nước châu Âu là Anh, Pháp, Đức) biết rằng, nếu họ không nhanh chóng tìm ra một giải pháp cho Thỏa thuận hạt nhân Iran “không Mỹ” thì nước này cũng không cần thiết và sẽ tiếp tục đi theo con đường của mình.

Mỹ-Israel khó không kích cơ sở hạt nhân Fordow của Iran

Tổng thống Iran Rouhani đã đưa ra những cảnh báo cho người đồng nhiệm Pháp Emmanuel Macron hôm 13 tháng 6 về việc nước này sẽ tiếp tục làm giàu Uranium khi thỏa thuận hạt nhân tan vỡ.

Mặc dù Iran cho biết là sẽ không làm giàu hạt nhân quá mức độ quy định trong thỏa thuận trước đây, nhưng động thái này của chính quyền Tehran đã gây ra sự lo lắng lớn đối với Mỹ và Israel, bởi không ai có thể xác định được là Iran có làm giàu Uranium đến cấp độ vũ khí hay không.

Các nguồn tin quân sự của tờ báo Israel DEBKAfile báo cáo rằng, Hoa Kỳ và Israel có thể được cho là đã chuẩn bị các kế hoạch hoạt động chi tiết để tiến hành một vụ tấn công vào cơ sở hạt nhân Fordow của Iran, nhằm loại bỏ từ sớm những mối lo ngại của mình.

Fordow là một trong hai địa điểm làm giàu hạt nhân lớn nhất của Iran, được trang bị 8.000 máy ly tâm tiên tiến có khả năng gia tốc trong một thời gian ngắn làm giàu urani đến mức 20pc, cần thiết để chế tạo vũ khí hạt nhân.

Tại Natanz, cơ sở làm giàu hạt nhân lớn thứ hai của Iran, những thiết bị tiên tiến vừa được lắp đặt được cho là bao gồm cả máy ly tâm IR6 tốc độ cao.

Phần lớn cơ sở Natanz là sâu dưới lòng đất và cơ sở Fordow cũng được xây dựng trong lòng một ngọn núi để giữ chúng an toàn khỏi trước các cuộc oanh tạc từ trên không.

Cơ sở làm giàu hạt nhân ngầm tại Fordow, cách không xa thị trấn tôn giáo Qom, đặc biệt khó khăn để tiêu diệt bằng các cuộc không kích hoặc tên lửa hành trình. Nó được thiết kế bao gồm một mạng lưới các trục dài và các khối công trình riêng biệt, để nếu một phần bị trúng, ít nhất 10 khu biệt lập khác vẫn tiếp tục hoạt động.

Nguồn Đất Việt: http://baodatviet.vn/quoc-phong/binh-luan-quan-su/my-israel-vo-phuong-danh-sap-cu-diem-hat-nhan-fordow-iran-3360103/