Mỹ chưa thể triển khai tên lửa siêu thanh tại châu Âu

Nhận định trên được chuyên gia quân sự Nga Vasily Kashin đưa ra khi nói về kế hoạch Mỹ triển khai tên lửa siêu thanh đến châu Âu đối phó Nga.

Ngày 28/10, Cố vấn của Tổng thống Mỹ về an ninh quốc gia, Robert O'Brien tuyên bố Lầu Năm Góc sẽ triển khai tên lửa siêu thanh, tên lửa tầm trung và tầm ngắn ở châu Âu để kiềm chế Nga.

"Chúng tôi đã rút khỏi Hiệp ước INF, chúng tôi đang phát triển vũ khí siêu thanh, hệ thống vận chuyển tên lửa đạn đạo... Nếu cần, chúng tôi sẽ triển khai các loại vũ khí tương tự ở châu Âu để kiềm chế Nga", ông Robert O'Brien nói.

Tên lửa MGM-31 Pershing II của Mỹ.

Phản ứng với tuyên bố này, chuyên gia quân sự Ivan Konovalov nhận định, nếu kế hoạch được Mỹ hiện thực hóa sẽ dẫn đến một cuộc khủng hoảng quân sự-chính trị trong khu vực.

Theo chuyên gia này, người dân châu Âu vị tất đã thoải mái với diễn biến sự kiện như vậy. Và tất yếu tình huống này sẽ có ảnh hưởng đến chính sách của các nước châu Âu.

Trong khi đó, một chuyên gia hàng đầu khác của Nga là Vasily Kashin lại cho rằng, dù muốn nhưng Mỹ chưa thể triển khại tên lửa siêu thanh và tên lửa tầm trung tại châu Âu.

Kế hoạch triển khai tên lửa tầm trung của Mỹ đến châu Âu không phải bây giờ mới được nói đến nhưng hiện Mỹ chưa có vũ khí đủ mạnh để tạo nên đối trọng là một trong những nguyên nhân khiến kế hoạch này chưa thể thực hiện.

Chuyên gia Nga cho biết, trong giai đoạn 2013-2014, rất có thể chính quyền Tổng thống Barack Obama đã thấy Hiệp ước INF là không cần thiết với họ nên đã ban hành sắc lệnh về phát triển các loại vũ khí vi phạm thỏa thuận.

Khi đó người ta cũng bắt đầu nêu ra các yêu sách khiếu kiện chống Nga "vi phạm Hiệp ước INF" để trong tương lai đổ lỗi rằng Moscow phá hoại thỏa thuận. Người Mỹ không cần vội vàng - Hiệp ước INF chỉ cấm thử nghiệm tên lửa, chứ không cấm sáng chế.

Mỹ hiện đang chế tạo hai loại tên lửa tầm trung. Đó là tên lửa hành trình có tầm bắn khoảng 1.000 km và tên lửa đạn đạo có tầm bắn 3.000-4.000 km, trong đó loại thứ hai có thể trang bị đầu đạn siêu thanh.

Với phạm vi hoạt động như vậy, tên lửa có thể được triển khai ở một số vùng lãnh thổ Thái Bình Dương của Mỹ, ví dụ, ở đảo Guam, ở lãnh thổ các nước đồng minh của Mỹ tại châu Âu.

Nhưng việc chế tạo tên lửa đạn đạo có thể kéo dài thêm vài năm nữa, nhưng có thể sẽ được hoàn thành trong khoảng năm 2026. Sau đó Mỹ sẽ cần thêm thời gian 4-5 năm nữa thử nghiệm và hoàn thiện khả năng chiến đấu.

Đây chính là lý do khiến chuyên gia Nga cho rằng dù có kế hoạch triển khai tên lửa đến châu Âu nhưng hiện tại Mỹ chưa thể thực hiện bởi họ chưa có loại vũ khí như tuyên bố.

Tuấn Vũ

Nguồn Đất Việt: http://baodatviet.vn/quoc-phong/vu-khi/my-chua-the-trien-khai-ten-lua-sieu-thanh-tai-chau-au-3421514/